Nhiều quan chức Mỹ cho rằng, việc trừng phạt lĩnh vực xuất khẩu năng lượng của Nga sẽ là cách tốt nhất và cũng có thể là cách duy nhất để buộc Moscow chấm dứt chiến dịch quân sự.
Lệnh cấm ảnh hưởng như thế nào với Nga?
Nhiều ý kiến cho rằng, lệnh cấm của Mỹ phần lớn mang tính biểu tượng bởi Mỹ phụ thuộc rất ít vào năng lượng của Nga, do vậy, tác động đối với nền kinh tế Nga cũng rất nhỏ. Mỹ chỉ nhập khẩu một lượng nhỏ dầu mỏ của Nga và không mua khí đốt tự nhiên của nước này. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, dầu thô của Nga chiếm chưa đến 2% tổng lượng dầu mà Mỹ nhập khẩu trong tháng 12/2021. Nhìn chung, dầu thô và các sản phẩn dầu mỏ của Nga chỉ chiếm khoảng 5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ vào cuối năm 2021.
Về phía Moscow, do lượng dầu xuất khẩu sang Mỹ khá ít, nên nước này có thể tìm kiếm những khách hàng khác để thay thế, có thể là Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Tuy nhiên, Nga có thể phải bán với giá chiết khấu cao do ngày càng có nhiều người e ngại mua bán nhiên liệu Nga. Theo JPMorgan, khoảng 70% lượng dầu vận chuyển qua đường biển của Nga đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm người mua. Các thương nhân ngày càng lo ngại về khả năng tiếp cận nguồn tài chính để mua dầu của Nga cũng như khó khăn trong việc vận chuyển.
Dù lệnh cấm hạn chế việc xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt của Nga vẫn tiếp tục chảy sang châu Âu. Chuyên gia Charles Lichfield, Phó giám đốc Trung tâm Địa kinh tế của Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức tư vấn quốc tế cho biết, Nga đang thu về từ 500 đến 1 tỷ USD mỗi ngày từ việc xuất khẩu dầu thô và khí đốt. Bất chấp các lệnh trừng phạt, Ngân hàng trung ương Nga đến nay vẫn có thể xử lý các khoản nợ.
“Nga đang tìm cách khắc phục nhanh chóng. Nhưng các biện pháp khắc phục sẽ ngày càng ít đi nếu năng lượng của Nga bị hạn chế”, ông Charles Lichfield nhận định.
Theo chuyên gia này, hạn chế xuất khẩu năng lượng sẽ bó hẹp các lựa chọn của Nga trong việc phát triển nền kinh tế. Mỹ và phương Tây đã trừng phạt ngân hàng trung ương Nga, hạn chế sự tiếp cận của nước này với nguồn ngoại tệ. Nhiều doanh nghiệp tại Nga đang phải dừng hoạt động và nhiều nước tạm dừng nhập khẩu hàng hóa của Nga do lệnh trừng phạt.
Ông Lichfield lưu ý: “Năng lượng luôn là lợi thế của Nga. Vì thế, các lệnh trừng phạt về dầu khí sẽ khiến Nga rơi vào tình thế dễ bị tổn thương hơn nhiều”.
Biến động mạnh trên thị trường dầu mỏ, khí đốt
Thông tin về việc Mỹ cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga đã khiến giá xăng dầu tăng vọt. Trong ngày hôm qua, mức giá trung bình đã lên đến 4,17 USD/1 gallon xăng. Nếu như vào tháng 2, giá dầu mỏ là 90 USD/thùng thì hiện giờ đã tăng lên khoảng 130 USD/thùng. Các chuyên gia năng lượng cảnh báo giá dầu có thể lên tới 160 USD hoặc 200 USD/thùng nếu người mua không được tiếp cận với dầu thổ của Nga. Xu hướng đó có thể khiến giá xăng tại Mỹ lên đến hơn 5 USD/1 gallon – kịch bản mà Tổng thống Biden và nhiều nhà chính trị khác của Mỹ muốn né tránh.
Châu Âu có sẵn sàng đi cùng Mỹ?
Vẫn chưa rõ Liên minh châu Âu có nối gót Mỹ ban hành lệnh cấm này hay không dù Anh hôm qua tuyên bố sẽ ngăn chặn việc nhập khẩu dầu mỏ của Nga vào cuối năm nay. Không giống như Mỹ, châu Âu phụ thuộc khá lớn vào nguồn năng lượng của Nga. Trong khi Washington có thể dễ dàng tìm nguồn thay thế lượng nhiên liệu tương đối nhỏ mà nước này nhập khẩu của Nga.
Chưa kể, bất cứ sự hạn chế nào đối với lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ của Nga có thể khiến giá xăng dầu tăng vọt ở cả hai châu lục, khiến người tiêu dùng, doanh nghiệp, thị trường tài chính và nền kinh tế toàn cầu lao đao.
Lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga sẽ là “con dao 2 lưỡi” gây nhiều rủi ro cho châu Âu. Khoảng 40% khí tự nhiên để sưởi ấm, tiêu thụ điện và công nghiệp của châu Âu đến từ Nga và nước này cũng là nhà cung cấp khoảng 25% lượng dầu thô cho châu Âu. Các quan chức châu Âu đang tìm cách để giảm sự phụ thuộc, nhưng việc đó sẽ cần thời gian.
Theo giới phân tích, một biện pháp trừng phạt mạnh mẽ có sự phối hợp giữa Mỹ và châu Âu nhằm vào lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ của Nga khó có khả năng thành hiện thực.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck ngày 8/3 cho biết, đến thời điểm hiện tại, châu Âu vẫn giữ vững lập trường miễn trừng phạt năng lượng của Nga.
“Các biện pháp trừng phạt đã được lựa chọn một cách có chủ ý để gây tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga và chính quyền Tổng thống Putin, đồng thời tránh được những rủi ro đối với nền kinh tế châu Âu. Vì thế những biện pháp không phù hợp có thể dẫn đến tác dụng hoàn toàn ngược lại”, ông Robert Habeck nói.
Nga sẽ làm gì tiếp theo?
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo nước này "có quyền" ngừng chuyển khí tự nhiên tới châu Âu qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 để trả đũa Đức vì dừng cấp phép cho Dòng chảy phương Bắc 2. Ông Novak nói rằng "chúng tôi vẫn chưa đưa ra quyết định này" và "không ai được hưởng lợi từ điều đó". Tuyên bố của ông Alexander Novak đánh dấu khả năng thay đổi lập trường của Nga dù trước đó, Moscow từng cho biết không có ý định cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu.
Dầu mỏ dễ thay thế hơn khí đốt tự nhiên. Rất nhiều quốc gia có thể tăng sản lượng khai thác và vận chuyển dầu sang châu Âu. Nhưng việc thay thế khí đốt của Nga là điều mà châu Âu khó có thể thực hiện được ngay trước mắt. Phần lớn khí đốt tự nhiên mà Nga cung cấp cho châu Âu được vận chuyển qua các đường ông.
Để thay thế chúng, châu Âu nhiều khả năng sẽ phải nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Tuy vậy, Châu Âu không có đủ đường ống để phân phối khí đốt từ các cơ sở nhập khẩu ven biển đến những nới nằm sâu hơn trong lục địa. Mỹ có thể trở thành nhà cung cấp LNG chính cho châu Âu, nhưng để làm được điều đó họ phải mở rộng các cơ sở sản xuất. Hoạt động này sẽ mất nhiều năm và tiêu tốn hàng tỷ USD./.