Mỹ đang có nguy cơ bước vào một cuộc chiến tranh với Iran, nhưng sự ủy quyền hợp pháp để tiến hành một cuộc chiến như vậy vẫn chưa được thông qua. Giờ đây, các chỉ huy quân sự của Mỹ đã tìm thấy một “chiếc ô pháp lý mới” để tấn công Iran và các đồng minh của nước này, đó là bảo vệ các lực lượng chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu.
Người đứng đầu lực lượng tinh nhuệ Quds của Iran, tướng Qassem Soleimani. Ảnh: Middle East Monitor. |
“Ngòi nổ chiến tranh” chực chờ
Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Iran dường như đã đạt đến “điểm sôi” sau khi người đứng đầu lực lượng tinh nhuệ Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), tướng Qassem Soleimani thiệt mạng trong cuộc không kích ở sân bay quốc tế Baghdad mà Iran cáo buộc do Mỹ và đồng minh thực hiện. "Kẻ thù Mỹ và Israel chịu trách nhiệm về cái chết của tướng Qassem Soleimani và chỉ huy dân quân Iraq Abu Mahdi al-Muhandis", Ahmed al-Assadi, người phát ngôn của Lực lượng Tổng động viên Iraq (PMU), nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn, cho hay.
Cuộc tấn công xảy ra sau khi hàng nghìn người biểu tình phá tường, xông vào Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad nhằm phản đối Mỹ không kích các vị trí của nhóm vũ trang Kataib Hezbollah – được coi là “cánh tay phải” của Iran, trên lãnh thổ Iraq và Syria cuối tuần trước khiến 25 tay súng thiệt mạng, 51 người bị thương. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đổ lỗi cho Iran đứng sau “dàn xếp” vụ nhiều người biểu tình bao vây và đốt phá Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Baghdad của Iraq. Những diễn biến mới này khiến giới quan sát lo ngại rằng, một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Iran sẽ sớm bùng nổ.
“Chúng ta đang phải chứng kiến giai đoạn leo thang căng thẳng có khả năng dẫn tới xung đột trực tiếp và chiến tranh giữa Mỹ với Iran. Trung Đông đã bùng cháy bởi các cuộc xung đột và những cuộc biểu tình quy mô lớn. Bây giờ thì tình hình đang trở nên tồi tệ hơn nhiều”, ông Seth Jones, chuyên gia tại Trung Tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế nhận xét.
Theo ông Seth Jones, cái chết của tướng Qassem Soleimani đã giúp Mỹ loại bỏ một trong những nhân vật quân sự quan trọng nhất đối với Iran. Kể từ khi chiến tranh Iraq-Iran kết thúc, chính sách đối ngoại của Iran là tập trung củng cố các lực lượng thân nước này, đồng thời nâng cao vai trò của lực lượng tinh nhuệ Quds. Ông Suleimani đã dẫn đầu các nỗ lực của Iran gây dựng mạng lưới gần 280.000 chiến binh tại Yemen, Syria, Iraq, Lebanon, Afghanistan và Pakistan, giúp mở rộng quyền lực của Iran tại Trung Đông. Một số nhà phân tích đánh giá Soleimani là nhân vật quyền lực thứ hai ở Iran chỉ sau Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei. Do vậy, cái chết của nhân vật này được coi là đòn giáng mạnh vào chiến lược của Iran.
Nguy hiểm hơn, vụ việc mới nhất này có thể gây leo thang xung đột giữa Mỹ và Iran bởi cho đến thời điểm hiện tại, Mỹ và Iran mới chỉ ra đòn đáp trả lẫn nhau về mặt kinh tế, còn về hành động quân sự chỉ dừng lại ở các tấn công nhỏ lẻ vào các đồng minh của hai bên tại Trung Đông.
“Chiếc ô pháp lý” để tấn công Iran
Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa yêu cầu Quốc hội nước này phê chuẩn việc sử dụng biện pháp quân sự đối phó với Iran, ngay cả khi chính quyền của ông tăng cường thực thi các hành động chống lại lực lượng do Iran hậu thuẫn trên khắp Trung Đông. Vì thế, để tiến hành một cuộc chiến tranh với Iran, quân đội Mỹ buộc phải viện đến lý do “bảo vệ lực lượng” như một cách biện minh chính đáng cho việc tấn công Iran hoặc các lực lượng thân Iran, khi chính quyền ông Trump muốn gạt sang một bên cuộc tranh luận trong nước về cuộc chiến này.
“Chúng tôi đã thực hiện các hành động bảo vệ lực lượng phù hợp để đảm bảo an toàn cho công dân, quân nhân và các nhà ngoại giao Mỹ, đồng thời cũng là để đảm bảo quyền tự vệ của chúng tôi”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố sau khi cáo buộc lực lượng dân quân Kata’ib Hezbollah do Iran hậu thuẫn bắn phá một căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq và cố gắng tấn công đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Baghdad. Trong tuyên bố đưa ra hôm qua (2/1), ông Mark Esper cảnh báo có thể thực hiện “hành động phủ đầu” đối với Iran để bảo vệ các lực lượng Mỹ”.
Mỹ đã triển khai hàng nghìn binh sỹ đến Iraq trong khuôn khổ “Chiến dịch nhổ tận gốc” của lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp - tên gọi của liên minh quốc tế chống IS do Washington dẫn đầu. Cả chính quyền của Tổng thống Mỹ Obama và của Tổng thống Donald Trump đều cho rằng, Tổng thống có quyền hạn mở rộng chiến dịch này thành một cuộc chiến tranh phòng thủ, theo Luật ủy quyền sử dụng lực lượng quân sự chống lại tổ chức khủng bố al-Qaeda được thông qua năm 2001 và đạo luật được thông qua vào năm 2002 về bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ. Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó giải thích rằng, một cuộc chiến tranh với Iran có thể được thực hiện thông qua đạo luật sử dụng lực lượng quân sự chống lại tổ chức khủng bố al-Qaeda. Nhưng lý lẽ này đã làm dấy lên làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ nhiều nghị sỹ trong Quốc hội.
Trên thực tế, liên minh chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu ngày càng bị nghiêng về vai trò chống Iran khi chính phủ Tehran tìm cách đáp trả “chính sách gây sức ép tối đa” của chính quyền Tổng thống Trump. Tướng GM Strickland, Phó chỉ huy liên minh do Mỹ dẫn đầu cho biết: “Lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp có mặt tại đây để giúp Iraq trong cuộc chiến chống IS. Các vụ nã rocket vào căn cứ của liên minh và lực lượng Iraq cũng những hành động bạo lực tại Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, do lực lượng Kataib Hezbollah dàn dựng đã ngăn cản sự hỗ trợ của chúng tôi”.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt mới về nhân quyền đối với các thủ lĩnh của lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn và các biện pháp trừng phạt về kinh tế nhằm vào ngành công nghiệp thép của Iran. Quân đội Mỹ cũng đã triển khai hàng trăm binh sỹ đến Trung Đông, coi đây “là hành động phòng ngừa và phù hợp để đối phó với mức độ đe dọa ngày càng gia tăng đối với các nhân viên và căn cứ của Mỹ”.
Ông Nicholas Heras – chuyên gia thuộc Trung tâm An ninh nước Mỹ mới, tác giả bài viết “Mạng lưới thân Iran” nhận xét rằng: “Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ (CENTCOM) đang phải chịu sức ép rất lớn trong việc tìm cách cạnh tranh quyền lực trong khuôn khổ chính sách và cách bố trí lực lượng ở Trung Đông. Nhiệm vụ được giao đến từ Chiến lược quốc phòng và chính quyền Tổng thống Trump”.
Trong chiến lược quốc phòng giai đoạn 2018 đến 2023, Bộ Quốc phòng Mỹ đã dự đoán “sự quay trở lại của cuộc cạnh tranh chiến lược lâu dài” giữa các quốc gia sau một thời gian im ắng./.