Kế hoạch tham vọng nhưng bất khả thi?
Phát biểu trên chương trình Face the Nation của kênh CBS, ông Bolton cho biết, chương trình giải giáp vũ khí hạt nhân, hóa học, sinh học và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên hoàn toàn có thể hoàn tất trong vòng một năm nếu Triều Tiên chịu hợp tác.
Hình ảnh vệ tinh một bãi thử hạt nhân của Triều Tiên. Ảnh: AP |
Cũng theo ông Bolton, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ sớm thảo luận về kế hoạch này với phía Triều Tiên. Tờ Financial Times cho biết, ông Pompeo sẽ đến Triều Tiên trong tuần này.
Truyền thông Hàn Quốc cũng đưa tin, Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim đã gặp các quan chức Triều Tiên để thảo luận về lịch trình chuyến thăm Bình Nhưỡng của ông Mike Pompeo.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lên tiếng cho rằng, ông Bolton đã “quá lạc quan” khi đưa ra thời hạn nói trên. Ông Thomas Countryman, quan chức phụ trách vũ khí hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama nhận định: “Về lý thuyết, hoàn toàn có thể giải giáp toàn bộ các chương trình vũ khí của Triều Tiên trong vòng 1 năm.
Tuy nhiên, trên thực tế, tôi không tin rằng, điều này có thể thực hiện được và tôi cũng chưa thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Triều Tiên quyết tâm thực hiện việc giải giáp vũ khí”.
Trong khi đó, Giáo sư khoa học hạt nhân tại Đại học Stanford Siegfried Hecker ước tính, việc dỡ bỏ và “dọn dẹp sạch sẽ” bãi thử Yongbyon của Triều Tiên phải mất ít nhất 10 năm.
Giới tình báo Mỹ hiện vẫn chưa rõ Triều Tiên sở hữu bao nhiêu đầu đạn hạt nhân. Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ ước chừng khoảng 50. Nhiều cơ quan tình báo khác tin rằng, Bình Nhưỡng đang che giấu các loại tên lửa, đặc biệt là những tên lửa chiến thuật trong các hang động và các cơ sở ngầm trên khắp đất nước.
Thượng đỉnh Mỹ-Triều: “Tiền đề” để chấm dứt chiến tranh Triều Tiên
Tin tưởng nhưng vẫn phải kiểm chứng
Trước đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều, Triều Tiên đã nhất trí “hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”. Tuy nhiên, tuyên bố chung giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ-Triều lại không đề cập đến chi tiết việc Triều Tiên sẽ giải giáp vũ khí hạt nhân như thế nào và vào thời điểm nào.
Các cơ quan tình báo Mỹ cho rằng, trong vài tháng qua, Triều Tiên đang gia tăng việc sản xuất nhiên liệu để chế tạo vũ khí hạt nhân tại rất nhiều địa điểm bí mật trong khi vẫn đang đàm phán với Mỹ về vấn đề này.
Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton từ chối bình luận về những đánh giá của giới tình báo Mỹ. Tuy nhiên, ông thừa nhận, Mỹ vẫn sẽ bước vào các cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên dù hiểu rõ rằng, Triều Tiên có thể sẽ không thực thi đầy đủ các cam kết của mình.
“Chúng tôi hiểu rõ những nguy cơ của việc Triều Tiên có thể lợi dụng các cuộc đàm phán để kéo dài thời gian nhằm tiếp tục phát triển các chương trình vũ khí hạt nhân, sinh học, hóa học và tên lửa đạn đạo. Chúng tôi hiểu rõ những gì Triều Tiên đã làm trong quá khứ”, ông Bolton nói.
Giám đốc Cao cấp của Chương trình An ninh châu Á-Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh mới của Mỹ Patrick Cronin cho biết: “Mỹ đang cân nhắc xem họ có thể tiến hành các cuộc đối thoại cấp cao giữa Ngoại trưởng Mike Pompeo và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng để thảo luận về một lộ trình cụ thể cho tiến trình phi hạt nhân hóa hoặc ít nhất là những bước đi quan trọng trong lộ trình đó hay không”.
Thượng Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Susan Collins cho biết, bà cảm thấy “bất an” trước những thông tin mà giới tình báo Mỹ cung cấp: “Trong quá khứ, Triều Tiên đã từng không giữ đúng cam kết với các chính phủ khác nhau của Mỹ”. Bà Susan Collins nhấn mạnh đến các yếu tố: “Có thể kiểm chứng, không bị cản trở và có quyền thanh sát” các chương trình vũ khí của Triều Tiên.
Một Thượng nghị sĩ Cộng hòa khác là Lindsey Graham cũng cho rằng, có lý do để Mỹ cần phải thận trọng với Triều Tiên: “Sẽ chẳng có ai ngạc nhiên nếu Triều Tiên cam kết như thế này nhưng lại làm khác đi”./.
Trump gia hạn trừng phạt Triều Tiên, thỏa thuận Mỹ-Triều sẽ đi về đâu?