Ngoại giao đi trước
Theo Reuters, các biện pháp trừng phạt mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump dự định áp đặt lên Triều Tiên sau vụ nước này thử tên lửa đạn đạo chỉ là một phần trong một loạt cách tiếp cận nhằm gây sức ép về mặt ngoại giao và kinh tế lên Triều Tiên.
Đáng chú ý, Mỹ sẽ trừng phạt rất nặng các ngân hàng và doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên và giúp tăng cường sức mạnh cho các đồng minh trong khu vực như Nhật Bản và Hàn Quốc.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang đe dọa sẽ có các biện pháp cứng rắn, bao gồm cả quân sự nhằm đối phó với Triều Tiên. Ảnh: Reuters
Theo các chuyên gia, điều này cho thấy, dù không loại bỏ khả năng sẽ “đánh phủ đầu” Triều Tiên bằng quân sự như Ngoại trưởng Rex Tillerson từng cảnh báo, chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn hướng tới việc chọn lựa một giải pháp được cho là “ít mạo hiểm hơn”.
Cách tiếp cận này được cho là do Cố vấn An ninh Quốc gia của ông Trump McMaster soạn thảo và sẽ được đệ trình lên Tổng thống Mỹ trong vài tuần tới, nhiều khả năng là trước cuộc gặp giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào đầu tháng 4.
Dù vẫn chưa rõ ông Trump sẽ hành xử như thế nào trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình liên quan đến vấn đề Triều Tiên, giới chức Trung Quốc đã lên tiếng khẳng định sẽ phản đối cách tiếp cận mà ông McMaster đề xuất.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh tuyên bố, bán đảo Triều Tiên đang “ở giữa ngã ba đường” và nhiều khả năng sẽ rẽ theo 2 con đường khác nhau.
Một là, các bên liên quan sẽ tiếp tục làm “leo thang căng thẳng dẫn đến xung đột và chiến tranh”. Trong khi đó, khả năng thứ 2 là “các bên sẽ cùng tìm cách “hạ nhiệt” và cùng đưa vấn đề Triều Tiên quay trở lại con đường đàm phán nhằm đạt được “một giải pháp chính trị và ngoại giao”.
Theo các chuyên gia, thái độ “bất hợp tác” của phía Trung Quốc có thể khiến những lệnh trừng phạt về kinh tế và tài chính nhằm vào phía Triều Tiên “không còn nhiều giá trị” bởi Triều Tiên vốn “khép kín với giới kinh tế và tài chính quốc tế” và chỉ có “đường ra duy nhất” từ Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ đến châu Á tìm lời giải cho “bài toán khó” Triều Tiên
Quân sự luôn sẵn sàng
Trong bối cảnh đó, việc Mỹ phải tính đến các biện pháp quân sự, bao gồm việc tăng cường hiện diện trong khu vực và điều các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến như THAAD ở Hàn Quốc và các hệ thống khác ở Nhật Bản để đối phó với Triều Tiên.
Tuy nhiên, biện pháp quân sự này cũng có thể gặp phải rào cản lớn từ chính đồng minh Hàn Quốc trong bổi cảnh người lên nắm quyền Tổng thống nước này sau cuộc bầu cử ngày 9/5 có thể sẽ rút lại việc cho phép Mỹ triển khai THAAD tại đây và sẽ tỏ thái độ không mấy hợp tác với Mỹ trong việc siết chặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.
Chính vì thế, đích thân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng lên tiếng cảnh báo trước rằng, Mỹ không loại trừ khả năng sẽ tiến hành các hành động quân sự nếu nhận thấy những mối đe dọa từ Triều Tiên trở nên “không thể chấp nhận được”.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cùng phải thừa nhận rằng, việc “đánh phủ đầu Triều Tiên” là “quá mạo hiểm” và có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và của đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, trong đó có hàng chục nghìn binh sĩ Mỹ đóng quân tại 2 nước này.
Một quan chức Mỹ cho biết, Chính phủ Mỹ có thể chọn cách gia tăng các cuộc tấn công mạng và những chiến dịch quân sự bí mật nhằm vào các quan chức cao cấp của Triều Tiên. Quan chức này cũng khẳng định, chính quyền của ông Trump sẽ cân nhắc cùng lúc thực hiện nhiều biện pháp khác nhau thay vì chỉ thực hiện một biện pháp duy nhất.
Vì sao Mỹ - Hàn thẳng thừng bác đề xuất của Trung Quốc về Triều Tiên?
Triều Tiên vẫn tỏ ra cứng rắn
Trong bối cảnh đó, Phó Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Choe Myong Nam khẳng định, Triều Tiên “chẳng việc gì phải sợ Mỹ” kể cả khi Mỹ định mở rộng các biện pháp trừng phạt nước này.
Ông Choe Myong Nam cũng nhấn mạnh, Triều Tiên sẽ tiếp tục “đẩy nhanh” chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này, bao gồm việc nâng cấp “khả năng đánh phủ đầu” và phát triển các quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
“Tôi có thể chắc chắn rằng, các quả tên lửa lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên có thể phóng đi bất kỳ lúc nào và tấn công vào bất kỳ mục tiêu nào theo yêu cầu của nhà lãnh đạo của chúng tôi”, ông Choe Myong Nam cảnh báo.
“Mỹ đã đề cập đến khả năng tấn công phủ đầu Triều Tiên và chúng tôi cũng đã sẵn sàng cho khả năng răn đe và đáp trả những cuộc tấn công của Mỹ vào chính các mục tiêu trên đất Mỹ. Chúng tôi sẽ tận dụng tối đa mọi công cụ trong tay mình và các quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa là một trong số đó”, ông Choe Myong Nam nói.
Cũng theo lời ông Choe Myong Nam, Triều Tiên đã chịu các lệnh trừng phạt “gần 50 năm qua” nhưng vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Đại sứ Triều Tiên kêu gọi Liên Hợp Quốc thiết lập một diễn đàn để xem xét “tính pháp lý của các lệnh trừng phạt của Mỹ”./.
Vì sao Triều Tiên trở thành vấn đề nghiêm trọng nhất với ông Trump?