Những tuyên bố của Tổng thống Trump về việc Mỹ rút quân khỏi Syria không chỉ khiến các đồng minh bất an và lo ngại, mà còn khiến các quan chức cấp cao của ông như Ngoại trưởng Mike Pompeo hay Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton phải “chật vật” đi “chữa cháy”.
Mỹ sẽ “không rời đi”
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton ngày 6/1 nhấn mạnh các cam kết của Mỹ với Israel và Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến tại Syria, đồng thời nói rằng, các lực lượng Mỹ sẽ không rời đi cho đến khi tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS bị đánh bại hoàn toàn và các tay súng hợp tác với Mỹ (lực lượng người Kurd tại Syria) được bảo vệ. Ông Bolton nhấn mạnh, những điều này là quan điểm chính thức của Tổng thống Trump, bất chấp sự thật là bản thân ông Trump không hề công khai nói như vậy.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, đang công du 8 nước Trung Đông cũng nhấn mạnh Mỹ sẽ “không rời đi”. “Chúng tôi đã liên lạc với giới chức các nước. Tôi sẽ đi thăm và làm việc với các nước đồng minh châu Âu. Tôi nghĩ mọi người đều hiểu những gì Mỹ đang làm. Ít nhất các lãnh đạo cấp cao trong chính phủ của họ đều hiểu”, ông Pompeo nói.
Ông Pompeo cũng bác bỏ có sự mâu thuẫn giữa tuyên bố của Tổng thống Trump và cố vấn an ninh quốc gia Bolton, nhấn mạnh rằng “cả 2 đều nói cùng 1 ý”.
“Tổng thống nói rằng Mỹ sẽ rút quân khỏi Syria một cách hợp lý để có thể đạt được các mục tiêu và nhiệm vụ mà Mỹ đặt ra trong khu vực vẫn không thay đổi”, Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh
Tuy nhiên, cả Ngoại trưởng Pompeo và Cố vấn an ninh quốc gia Bolton đều không tiết lộ cụ thể liệu các nhân viên ngoại giao hay quân sự đã bắt đầu rút khỏi Syria hay khung thời gian cụ thể cho quá trình này.
Chật vật trấn an đồng minh
Tuyên bố của Tổng thống Trump khiến giới chức Mỹ như ông Bolton và Pompeo đang “khổ sở” xoa dịu lo ngại của các đồng minh trong khu vực, theo ông Michael Pregent, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Hudson.
“Khi ai đó đi lạc hướng chính sách, sẽ có các quan chức cố gắng đưa họ trở lại đúng đường. Nhưng sẽ là một chuyện khác khi đó là Tổng thống Trump”, một cựu quan chức của Mỹ nói với CNN.
“Tổng thống Trump nói A, nhưng người khác đã sửa lại và nói rằng hãy để tôi đặt vào bối cảnh cụ thể cho bạn. Đúng, Tổng thống muốn các binh sỹ rời đi ngay lập tức, nhưng sẽ có những việc cần phải làm trước khi việc rút quân được thực hiện”, cựu quan chức nói.
Một yếu tố khác có lợi cho cả Bolton và Pompeo, đó là Tổng thống Trump vẫn thường có sự thay đổi quan điểm bất ngờ. “Theo tôi, ông Bolton biết điều đó và đang nói những điều hợp lý hơn, phù hợp hơn về chính sách của Mỹ ở Syria và Trung Đông. Liệu ông có bị sa thải hay không, chúng ta rồi sẽ biết”, cựu quan chức giấu tên cho biết.
Quả thực, Tổng thống Trump đã có sự thay đổi trong những tuyên bố về việc rút khỏi Syria, Ngày 19/12, ông nói rằng, các binh sỹ nên sớm trở về nhà. Tuy nhiên ngày 6/1 tại Nhà Trắng, ông ngầm thừa nhận cuộc chiến vấn chưa kết thúc: “Chúng tôi sẽ rút khỏi Syria, nhưng sẽ không rút khỏi đó cho đến khi IS bị xóa sổ hoàn toàn”.
Trên Twitter ngày 7/1, ông lại nói “Mỹ sẽ rút quân khỏi Syria ở một tốc độ phù hợp, Mỹ vẫn tiếp tục chống IS và làm mọi điều cần thiết một cách thận trọng".
Những thực tế về việc rút quân
Ông Pregent nói rằng “Chúng ra sẽ không thấy có sự rút quân ngay lập tức, Mệnh lệnh cũng sẽ không được đưa xuống”.
Quả thực, bản thân những thực tế về việc rút các binh sỹ một cách an toàn khỏi vùng xung đột đã khiến quá trình này không thể diễn ra một cách nhanh chóng.
Theo các nhà lập kế hoạch quân sự Mỹ, Lầu Năm Góc có thể phải gửi hàng trăm lực lượng bổ sung tới Syria với nhiều nhiệm vụ khác nhau để có thể rút 2.000 lính Mỹ về nước an toàn.
Để đưa các binh sỹ Mỹ cùng vũ khí, khí tài và các thiết bị quân sự ra khỏi các căn cứ nhỏ trên khắp Syria, các nhà lên kế hoạch xác định Mỹ sẽ phải gửi thêm binh sỹ bổ sung trong nhiều giai đoạn bao gồm:
- Các binh sỹ có thể vận hành xe vận tải hạng nặng để bốc vũ khí và đạn dược.
- Các phi hành đoàn vận hành trực thăng bổ sung và máy bay vận tải để di chuyển binh sỹ và thiết bị.
- Có thể có cả các đơn vị bộ binh để đảm bảo an ninh cho lực lượng Mỹ khi họ di chuyển và để lại một số lượng ít.
Một số quan chức quân sự cho biết, ban đầu việc rút quân được cân nhắc trong ít nhất 3 khung thời gian ước tính: 30 ngày, 70 ngày và 120 ngày.
Tuy nhiên, khung thời gian đã có sự thay đổi từ “bây giờ” tới 30 ngày, tới 120 ngày và sau đó là tới một ngày không xác định khi cả Ngoại trưởng Pompeo và Cố vấn an ninh quốc gia Bolton đều từ chối đưa ra thời hạn chót.
Trong khi đó, trên Twitter ngày 7/1, Tổng thống Trump nói rằng “Chúng ta sẽ rút quân với tốc độ hợp lý, trong khi vẫn duy trì cuộc chiến chống IS và làm mọi thứ một cách khôn ngoan”./.