Sự cần thiết của mũi vaccine thứ ba
Biến thể Delta đang lây lan nhanh chóng trên khắp thế giới và nhiều quốc gia đang triển khai tiêm mũi tăng cường cho người dân như một biện pháp ứng phó. Mỹ đã thúc đẩy kế hoạch tiêm liều vaccine Covid-19 thứ ba để hạn chế sự lây lan dịch bệnh trong nước.
Trong khi nhiều nước vẫn chưa thể tiêm liều vaccine thứ nhất cho phần lớn dân số, động thái tiêm mũi bổ sung được cho là đã phớt lờ mối đe dọa lâu dài về khả năng miễn dịch trên toàn cầu. Ngoài ra, sự xuất hiện của biến thể Mu và biến thể C.1.2 đã đặt ra câu hỏi về sự cần thiết của mũi tiêm tăng cường.
Theo Asia Times, chiến lược tốt nhất để loại bỏ biến thể Delta và các biến thể khác có thể xuất hiện trong tương lai, không phải là tiêm liều vaccine thứ ba ở các nước giàu có, mà là một chương trình tiêm vaccine trên toàn thế giới nhằm tiêm chủng đầy đủ cho nhiều người nhất có thể. Bên cạnh đó, nên tập trung vào sản xuất vaccine tại địa phương để đảm bảo các nước nghèo hơn có thể tự sản xuất vaccine.
Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đã so sánh mũi tiêm tăng cường với việc phát áo phao cho những người đang mặc chúng. WHO đã kêu gọi tạm hoãn tiêm liều vaccine thứ ba cho đến khi khoảng cách vaccine giữa các nước giàu và nước nghèo thu hẹp lại.
Các liều vaccine dành cho việc tiêm bổ sung nên được gửi đến những quốc gia chưa tiêm chủng cho phần lớn dân số. Điều này mang tính cấp thiết hơn bởi hầu hết những người tiêm mũi tăng cường đã nhận được sự bảo vệ từ 2 liều vaccine để ngăn ngừa nguy cơ nhập viện và tử vong do Covid-19.
Các quan chức Mỹ cho biết, các mũi tiêm bổ sung sẽ không ảnh hưởng đến việc tiêm chủng trên toàn thế giới.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ đã cấp phép đầy đủ cho vaccine ngừa Covid-19 do Pfizer/BioNTech phát triển. Động thái này đã thúc đẩy một số tổ chức và cơ quan tại Mỹ yêu cầu bắt buộc tiêm vaccine cho nhân viên. Cùng với việc thúc đẩy tiêm mũi tăng cường, Mỹ đang chuẩn bị triển khai một đợt tiêm chủng lớn khác sẽ kéo dài cho tới năm 2022.
Israel, một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, ngày 29/8 đã mở rộng chương trình tiêm liều vaccine thứ ba cho người từ 12 tuổi trở lên. Hơn 60% dân số của Israel đã được tiêm chủng đầy đủ. Thủ tướng Israel Naftali Bennett nói rằng, việc tiêm liều vaccine thứ ba tại nước này là “một đặc quyền hiện không có ở bất kỳ quốc gia nào” và khẳng định chiến dịch tiêm mũi tăng cường đang làm chậm sự gia tăng số ca mắc Covid-19 nặng.
Asia Times nhận định rằng, chiến dịch tiêm mũi tăng cường sẽ làm ảnh hưởng tới tiến độ tiêm chủng trên thế giới. Bên cạnh đó, trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến, những khoảng cách trong tiêm chủng trên toàn cầu sẽ tạo cơ hội cho sự xuất hiện của các biến thể mới.
Trong khi biến thể Mu hiện được coi là một biến thể đáng quan tâm, biến thể C.1.2 đang được theo dõi chặt chẽ vì sở hữu các đột biến gen tương tự những đột biến được tìm thấy trong các biến thể đáng quan tâm và đáng lo ngại như Delta. Biến thể C.1.2, được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 5/2021, đã được tìm thấy tại phần lớn các ca bệnh ở Nam Phi và ở 7 quốc gia khác trên khắp châu Phi, châu Âu, châu Á và châu Đại Dương.
Hợp tác toàn cầu – chìa khóa ngăn chặn đại dịch
Các nước phương Tây có thể vội vàng tiêm mũi tăng cường cho người dân thay vì chia sẻ vaccine với các quốc gia khác. Tuy nhiên, trên thực tế, chiến lược này sẽ không thể đánh bại virus, hợp tác toàn cầu chính là yếu tố quan trọng để đẩy lùi dịch bệnh.
Các nước giàu có hơn có thể sử dụng tất cả các loại vaccine Covid-19 hiện tại để đối phó với một biến thể mới đang lây lan ở một quốc gia phần lớn dân số chưa được tiêm chủng. Bởi vậy, những liều vaccine tăng cường đó có thể sẽ giúp ích hơn nếu được gửi tới các nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Một cách hiệu quả để chống lại Delta, Mu và các biến thể khác là mở rộng năng lực sản xuất vaccine tại những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn gặp nhiều khó khăn do liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ với vaccine Covid-19.
Vào tháng 4, tỷ phú Bill Gates đã phản đối việc mở rộng sản xuất vaccine cho các quốc gia đang phát triển vì sẽ làm phức tạp các thử nghiệm vaccine và hầu hết các nước này không có đủ năng lực kỹ thuật để sản xuất các loại vaccine chuyên biệt.
Trong khi đó, các công ty dược phẩm đang tập trung đến lợi ích của họ thay vì hướng tới việc chung tay ngăn chặn các biến thể SARS-CoV-2.
Chẳng hạn, hãy xem xét những tin tức gần đây từ Nam Phi. Sau khi chính phủ Nam Phi đạt được thỏa thuận với công ty Johnson & Johnson (J&J) để hoàn thành việc sản xuất vaccine trong nước, New York Times tiết lộ rằng, nước này đang xuất khẩu vaccine sản xuất trong nước sang Liên minh châu Âu (EU).
Trong vài tháng, EU đã nhận được tới 32 triệu liều vaccine từ Nam Phi, mặc dù nhiều quốc gia ở phía Nam châu Phi đang thiếu hụt nguồn cung.
Trong tháng 9, Đài Loan (Trung Quốc) đã bắt đầu sử dụng vaccine Covid-19 sản xuất trong nước thay vì chờ đợi vaccine từ nước ngoài. Vào đầu năm nay, Đài Loan đã đặt 16 triệu liều vaccine AstraZeneca và Moderna nhưng đến nay mới nhận được 4 triệu liều vaccine.
Một sự thay đổi đột ngột trong chính sách vaccine trong đó các nước phương Tây tập trung vào tiêm mũi tăng cường sẽ không thể chấm dứt được đại dịch trên toàn cầu. Nhiều nghiên cứu tới nay cho rằng, virus SARS-CoV-2 có thể sẽ tiếp tục lây lan trong một vài năm tới.
Xem xét lại việc triển khai vaccine không đồng đều trên toàn cầu và giải quyết tình trạng này có thể giúp thế giới kiểm soát đại dịch và ngăn chặn các biến thể tiếp theo. Trong trận chiến với đại dịch Covid-19, sự hợp tác giữa các quốc gia chính là vũ khí mạnh nhất./.