Najia đang ở nhà với ba người con trai và một cô con gái trong ngôi làng nhỏ ở miền Bắc Afghanistan khi các chiến binh Taliban tới và gõ cửa nhà họ.
Con gái của bà Najia, Manizha, 25 tuổi, cho biết mẹ của cô đã cảnh báo rằng họ [Taliban – ND] sẽ đến. Bà Najia kể với con gái rằng các chiến binh Taliban đã đến và gõ cửa nhà họ trong 3 ngày liên tiếp để yêu cầu bà nấu ăn cho tối đa 15 người.
“Mẹ tôi nói với họ: ‘Tôi nghèo, làm sao tôi có thể nấu ăn cho các người?’”, Manizha kể. “Taliban bắt đầu đánh bà ấy. Mẹ tôi gục xuống và chúng dùng súng AK47 bắn vào người bà”.
Manizha hét lên và yêu cầu các tay súng Taliban dừng tay. “Bọn họ dừng lại một chút trước khi ném lựu đạn vào phòng bên cạnh và bỏ chạy khi ngọn lửa lan rộng”, Manizha nói. Người mẹ của bốn đứa con đã thiệt mạng vì bị đánh đập.
Tên của nạn nhân và con gái bà đã được thay đổi vì lý do an toàn. Vụ bạo lực chết người xảy ra vào ngày 12/7 tại tỉnh Faryab này được cho là chỉ dấu ớn lạnh về mối đe dọa mà phụ nữ trên khắp Afghanistan phải đối mặt sau khi Taliban tiếp quản thủ đô Kabul.
Đầy rẫy ngờ vực
Chỉ trong 10 ngày, các tay súng Taliban đã chiếm được hàng chục thủ phủ của các tỉnh và cả thủ đô Kabul của Afghanistan. Tốc độ tiến công thần tốc của Taliban khiến nhiều người bị bất ngờ. Một số phụ nữ cho biết họ không có đủ thời gian đi mua một chiếc khăn burqa để tuân thủ quy định của Taliban, bắt buộc phụ nữ phải che kín mặt và phải có nam giới đi cùng khi ra khỏi nhà.
Đối với những người phụ nữ Afghanistan, chiếc khăn choàng burqa có thể là biểu tượng cho sự mất mát đột ngột những quyền lợi mà họ đã đấu tranh để có được suốt 20 năm qua, như quyền được làm việc, học tập, đi lại hay thậm chí là quyền được sống trong hòa bình.
Khi Taliban cai trị Afghanistan lần cuối trong giai đoạn từ năm 1996-2001, họ đã đóng cửa các trường nữ sinh và cấm phụ nữ làm việc.
Sau khi Mỹ can thiệp quân sự vào Afghanistan năm 2001, lật đổ chế độ Taliban, các hạn chế đối với phụ nữ đã được nới lỏng. Ngay cả khi xung đột tiếp diễn sau đó, các cam kết của chính quyền Afghanistan về cải thiện quyền của phụ nữ với sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế và lực lượng tiến bộ đã dẫn đến kết quả là quyền lợi của phụ nữ được pháp luật bảo vệ.
Năm 2009, luật xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ đã hình sự hóa tội phạm hiếp dâm, cưỡng bức và ép buộc kết hôn, coi việc cấm phụ nữ và trẻ em gái làm việc hoặc học tập là bất hợp pháp.
Lần quay trở lại quyền lực này, Taliban đã hứa hẹn sẽ thành lập một “chính phủ Hồi giáo hòa nhập Afghanistan" nhưng không rõ nó sẽ được thực hiện theo hình thức nào và nội các mới có sự góp mặt của nữ giới hay không.
Farzana Kochai, người từng là thành viên của Quốc hội Afghanistan cho biết, bà vẫn chưa biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo vì chưa có thông báo rõ ràng về hình thức của chính phủ tương lai, bản thân bà cũng lo lắng về quyền tự do của mình với tư cách một phụ nữ dưới chế độ Taliban.
“Đây là điều khiến tôi quan tâm nhiều hơn. Mọi phụ nữ đều suy nghĩ về điều này. Chúng tôi chỉ đang cố gắng tìm ra manh mối... phụ nữ có được phép làm việc hay không”, bà Kochai nói.
Phát ngôn viên của Taliban Suhail Shaheen hôm 16/8 cho biết dưới thời Taliban, trẻ em gái sẽ được phép học tập. Ông này nói: “Các trường học sẽ mở cửa và trẻ em gái và phụ nữ, họ sẽ đến trường, với tư cách là giáo viên, với tư cách là học sinh”.
Nhưng những câu chuyện thực tế do người dân kể lại đã vẽ nên một bức tranh rất khác, đầy ngờ vực về những gì các chiến binh Taliban có thể làm.
Vào tháng 7/2021, Ủy ban Nhân quyền Độc lập Afghanistan cho biết, tại các khu vực do Taliban kiểm soát, phụ nữ đã được lệnh không tham gia các dịch vụ y tế nếu không có nam giới đi cùng. Các học giả tôn giáo, quan chức chính phủ, nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền và phụ nữ đã trở thành nạn nhân của các vụ giết người có chủ đích.
Taliban phủ nhận việc sát hại người mẹ ở tỉnh Faryab nhưng lời nói của họ hoàn toàn mâu thuẫn với các nhân chứng và quan chức địa phương, những người đã xác nhận cái chết của người phụ nữ 45 tuổi này.
Một người hàng xóm của Najia cho biết, nhiều phụ nữ trong làng đều là góa phụ của binh lính Afghanistan, bà cũng đã hét lên để kêu gọi những tay súng Taliban dừng đánh đập Najia. Những người phụ nữ trong làng đang kiếm sống bằng nghề bán sữa, nhưng Taliban “không cho phép điều này”, nhân chứng này nói.
“Nhà chúng tôi không có đàn ông, chúng tôi sẽ phải làm gì? Chúng tôi muốn có trường học, trạm y tế và sự tự do như những người khác”, người phụ nữ chua chát chia sẻ.
Tất cả đều vô ích
Trong 10 ngày qua, chiến thắng liên tiếp của Taliban khi chiếm hàng chục thủ phủ của các tỉnh đã đưa phụ nữ Afghanistan đến gần hơn với quá khứ mà họ rất muốn bỏ lại phía sau.
Pashtana Durrani, người sáng lập và là giám đốc điều hành của Learn, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào giáo dục và quyền phụ nữ, cho biết cô đã khóc cạn nước mắt vì đất nước của mình.
"Tôi đã khóc rất nhiều, không còn nước mắt để khóc nữa. Tôi cảm thấy rất tuyệt vọng", Durrani nói. “Taliban liên tục nói về việc giáo dục đối với trẻ em gái, nhưng họ chưa xác định được điều đó có nghĩa là gì. Các thuyết giảng về đạo Hồi quay trở lại, nhưng giáo dục giới tính thì sao? Giáo dục chuyên nghiệp thì thế nào? Nếu bạn nghĩ về điều đó bạn sẽ cảm thấy tuyệt vọng vì không có câu trả lời”.
Hôm 16/8, cả thế giới đã phải bàng hoàng trước cảnh hỗn loạn ở sân bay Kabul, nhiều người thậm chí liều cả mạng sống để đu bám vào máy bay đưa người rời khỏi Afghanistan. Nhưng đối với hàng triệu người, họ không có lối thoát.
Một người phụ nữ ở Kabul giấu tên chia sẻ, ngay cả khi cô có thể tìm được một chỗ trên máy bay thì nếu không có thị thực, cô sẽ chẳng có nơi nào để đến. Lựa chọn duy nhất của cô là ở trong nhà và hy vọng tránh được sự sự chú ý.
“Đi ra ngoài hoặc làm bất kỳ điều gì khác có thể mạo hiểm tính mạng của chúng tôi”, người phụ nữ này nói./.