Ngày 9/5, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer thông báo quyết định của Chính quyền Mỹ về việc sa thải Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) James Comey. Đây được coi là quyết định không mấy bất ngờ bởi những đồn đoán về các cuộc điều tra do FBI đang tiến hành liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào cuối năm ngoái.

james_comey_uwtb.jpg
Cựu Giám đốc FBI. Ảnh: AP.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đi đến quyết định nói trên theo đề nghị của Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions với lý do “uy tín của Cục Điều tra Liên bang dưới sự lãnh đạo của James Comey đã ảnh hưởng nặng nề trong những năm qua” và “phải tìm một người lãnh đạo mới, phục hồi sự tín nhiệm và tin tưởng của công chúng vào sứ mệnh thực thi pháp luật của FBI”.

Quyết định sa thải do chính ông Donald Trump trực tiếp thông báo cho Giám đốc FBI và có hiệu lực ngay lập tức.

Một trong những lý do khiến ông Comey mất chức được nêu ra là do cách FBI tiến hành điều tra về việc xử lý thông tin mật của bà Hillary Clinton tại Bộ Ngoại giao Mỹ.

Tuy nhiên, ý kiến một số nhà phân tích chính trị cho rằng nguyên nhân sâu xa là do sự can thiệp của FBI đối với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua và việc cách chức ông Comey là nhằm gây khó khăn cho quá trình điều tra những cáo buộc về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tại Mỹ.

Việc Giám đốc FBI bị sa thải đã gây bất bình đối với nhiều chính trị gia Mỹ.

“Thật là một sự xúc phạm”, Thượng nghị sĩ Mark Warner bức xúc. “Ý tôi là tôi không còn bất ngờ với chính quyền này nữa. Tôi bị sốc vì những gì ngài Tổng thống đã làm. Tôi cũng bị sốc vì ý tưởng của ngài Thứ trưởng Bộ Tư pháp đổ lỗi cho ông Comey do các hoạt động điều tra về bà Clinton.”

Quyết định cách chức Giám đốc FBI James Comey được đưa ra rất chóng vánh. Thậm chí các quan chức cấp cao của FBI cho biết họ còn không được cảnh báo trước hay được biết trước về việc sa thải lãnh đạo của mình.

Trong khi đó, một số nghị sĩ Mỹ cho rằng các quan chức Nhà Trắng và Bộ Tư pháp Mỹ “đã làm việc để tạo nên một vụ việc chống lại ông Comey từ tuần trước”.

Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions cùng Thứ trưởng Rhode Rozenstayn “đã được giao nhiệm vụ nghĩ ra những lý do để sa thải Comey” và việc làm này là nhằm cứu vãn sự nghiệp chính trị của chính Bộ trưởng Tư pháp Mỹ sau những nghi ngờ về mối quan hệ của ông này với Chính quyền Nga.

Nhiều nhà phân tích chính trị và các nghị sĩ Mỹ đã đặt dấu hỏi về thời điểm sa thải ông Comey khi FBI đang tiến hành điều tra những can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Trong đó có việc điều tra những cáo buộc về mối liên hệ giữa chiến dịch vận động tranh cử của ông Donald Trump với Nga.

Nhà Trắng đã không đưa ra câu trả lời về những nghi vấn này, nhưng bà Kellyanne Conway, cố vấn của Tổng thống Mỹ đã ngay lập tức khẳng định rằng việc sa thải "không phải là một vụ che đậy" và "không liên quan gì" tới Nga.

Việc sa thải ông Comey đã gây ra những lo ngại về khả năng tìm người thay thế vị trí quan trọng này.

“Tôi nghĩ việc sa thải như vậy sẽ tạo ra những mối quan ngại đối với Giám đốc FBI kế nhiệm”, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Bob Casey nhận định. “Khi bạn biết rằng chính quyền bổ nhiệm bạn có thể sa thải bạn vì họ không thích cách bạn tiến hành các cuộc điều tra.”

Sau khi người đứng đầu FBI bị sa thải, hiện dư luận Mỹ quan tâm đến việc ai sẽ là người người kế nhiệm và liệu cơ quan này có tiếp tục tiến hành các cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử 2016 hay không./.