Khi các ngoại trưởng Ấn Độ và Trung Quốc đồng ý giảm căng thẳng ở khu vực biên giới tranh chấp, có tới 3 nước – chứ không phải 2 – muốn được ghi nhận về bước đột phá này.
“Chúng tôi rất vui khi có thể tạo được một nền tảng để Nga, Trung Quốc và Ấn Độ có được cuộc gặp có hiệu quả mà mục tiêu của nó là ổn định tình hình biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói với báo chí địa phương sau các cuộc đối thoại diễn ra bên lề cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Moscow đầu tháng này.
Trong khi các chuyên gia hoài nghi về việc thỏa thuận giữa Trung Quốc và Ấn Độ có thể đi đến đâu khi mà tới nay hàng nghìn binh sỹ ở biên giới vẫn nằm trong tầm bắn của đối phương, thì đối với Nga, những hình ảnh xung quanh cuộc gặp được xem như một chiến thắng.
Các nhà quan sát cho rằng, việc Nga tích cực tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại giữa Ấn Độ và Trung Quốc có thể được xem như động thái mới nhất nhằm nâng cao vị thế của Moscow ở Nam Á.
Theo nhà phân tích Alexey Kupriyanov của IMEMO - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Moscow, “Nga đang trở lại Nam Á vì nhiều lý do”. Quan trọng nhất trong số đó dường như là mong muốn giành lại ảnh hưởng mà Moscow đã mất trong thập kỷ thất bại 1980 và 1990 sau quyết định đưa quân tới Afghanistan và tiếp theo đó là sự tan rã của Liên Xô cùng một cuộc khủng hoảng kinh tế.
Kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin lên nắm quyền năm 2000, Nga thể hiện rõ sự “tiếc nuối” khi mất vị thế ảnh hưởng và đã nỗ lực để giành lại điều đó, bắt đầu ở Tây Á, châu Phi, và giờ là Nam Á.
Cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cùng thỏa thuận hạ nhiệt căng thẳng dọc biên giới tranh chấp được xem như một trong những chiến thắng ngoại giao quan trọng của Nga trong những năm gần đây.
Sau cùng, nước này dường như đã thành công ở nơi mà Mỹ thất bại – khi cả Trung Quốc và Mỹ trước đó đều từ chối đề nghị đứng ra làm trung gian của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Với ông P.S. Raghavan, Chủ tịch Ủy ban Cố vấn an ninh Quốc gia Ấn Độ, từng là Đại sứ Ấn Độ tại Nga từ 2014-2016, “Sự can dự của Nga vào Nam Á có cả yếu tố chiến thuật và chiến lược”.
Một khu vực Á-Âu lớn hơn
Theo ông Raghavan, Nga muốn hiện thực hóa tầm nhìn của ông Putin về việc mở rộng vai trò của Nga trong các vấn đề toàn cầu với vị thế “lãnh đạo” của một cộng đồng các quốc gia “Á-Âu rộng lớn hơn”. Để làm được điều này, Nga cần hợp tác với các nước đã từng là đối thủ. Và tất nhiên, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều quan trọng.
Ông Raghavan nhận định rằng, Nga đã nhận thức được tham vọng bành trướng của Bắc Kinh từ những năm 1960, 1970. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu đã đẩy Nga vào “vòng tay” của Trung Quốc.
Trong khi đó, mối quan hệ của Nga với Ấn Độ được coi trọng là vì họ nhận ra rằng, “nếu không có New Delhi, sẽ không có đối tác Á-Âu”.
Như một phần của tầm nhìn về khu vực Á-Âu rộng lớn hơn, Nga đã tiếp cận với hầu hết các nước Nam Á khác, trừ Bhutan - nước không có quan hệ ngoại giao với cả 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Ở Bangladesh, nước vốn không lạ gì cuộc xung đột Trung-Ấn, Nga dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Rooppur, gần Dhaka. Theo một thỏa thuận 3 bên, Ấn Độ cũng sẽ tham gia huấn luyện nhân sự và chia sẻ kinh nghiệm.
Tương tự, ở Sri Lanka, một thỏa thuận hợp tác hạt nhân ký với Ấn Độ năm 2015 có thể được mở rộng với sự tham gia của Nga, theo giới chức ở New Delhi.
Với Nepal, Nga hy vọng hợp tác lĩnh vực thủy điện và đã cung cấp trực thăng M-17 phù hợp với địa hình vùng núi của nước này. Hai bên cũng đang khai thác các kênh đầu tư và liên doanh trong lĩnh vực liên quan đến năng lượng.
“Sự hiện diện của Nga ở Nam Á luôn mạnh mẽ và tập trung xung quanh Ấn Độ”, theo cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Kanwal Sibal. Ông cho rằng, Ấn Độ lâu nay là khách hàng lớn nhất mua vũ khí Nga và 2 nước cũng thường xuyên tiến hành tập trận chung trên bộ, trên biển cũng như các cuộc gặp thượng đỉnh hàng năm kể từ năm 2000. Năng lượng cũng là một trong những lĩnh vực đang mở rộng hợp tác.
Các nhà lãnh đạo Nga coi thế kỷ 21 là thế kỷ châu Á có thể đem lại những cơ hội lớn để làm ăn kinh doanh và đầu tư vào Nam Á và ngược lại, theo nhà phân tích người Nga Kupriyanov.
Yếu tố Pakistan
“Yếu tố mới hiện nay là mối quan hệ của Nga với Pakistan”, theo cựu ngoại trưởng Sibal.
Những năm gần đây, hai nước đã bắt đầu cải thiện quan hệ song phương, vốn đã bị hủy hoại khi Pakistan đóng vai trò đáng kể trong mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc những năm 1970. Mối quan hệ này càng trở nên gay gắt hơn những năm 1980 khi Islamabad được cho là kích động các phần tử thánh chiến chống lại binh sỹ Liên Xô ở Afghanistan.
Nga và Pakistan hy vọng mối quan hệ song phương có thể trở lại như giai đoạn 1965, khi Moscow bảo trợ hòa bình ở Tashkent sau chiến tranh Ấn Độ-Pakistan và có tham gia vào nhiều dự án cơ sở hạ tầng tại Pakistan.
Moscow và Islamabad đang đối thoại về việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt giữa Lahore và Karachi với chi phí 10 tỷ USD. Nga đã bán cho Pakistan nhiều trực thăng để sử dụng trong cuộc chiến chống khủng bố.
Cựu ngoại trưởng Ấn Độ Sibal nói rằng, động cơ của Nga trong mối quan hệ với Pakistan cũng là một phần nhằm cân bằng với mối quan hệ Mỹ-Ấn cũng như việc New Delhi đang tăng cường mua vũ khí Mỹ.
Nga cũng tiến hành các cuộc tập trận quân sự với Pakistan và tuyên bố rằng sự hợp tác với Pakistan sẽ giúp ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố lan rộng về hướng Tây từ Afghanistan tới Trung Á.
Một số quan điểm khác ở Ấn Độ cho rằng, hợp tác vũ khí giữa Nga và Ấn Độ không thể so sánh với mối hợp tác tương tự giữa Nga và Pakistan. Theo họ, tên lửa BrahMos do Nga và Ấn Độ phát triển có thể tấn công bất cứ thành phố nào của Pakistan, hệ thống phòng không S-400 mà Ấn Độ mua của Nga cũng có thể đánh chặn bất cứ tên lửa, máy bay hay UAV nào từ không phận Pakistan và cho New Delhi lợi thế rõ ràng trước đối thủ lâu năm.
Ấn Độ - một đồng minh tự nhiên?
Theo nhà phân tích Kupriyanov, Nga sẽ muốn có một vị thế cân bằng trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc - sự đối đầu vốn được xem là một cuộc chiến tranh lạnh mới. Theo ông, để làm được điều đó, Nga cần thiết lập quan hệ đối tác với các nước khác không thuộc Tây Bán cầu hoặc sẵn sàng trở thành “chư hầu” của Trung Quốc.
“Ấn Độ được xem như một đồng minh tự nhiên vì các lý do này”, ông Kupriyanov nói.
Tuy nhiên, với các lợi ích lớn của cả Mỹ và Trung Quốc trong khu vực, cân bằng không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.
Trung Quốc đặc biệt dấy lên “thách thức chiến lược”, theo ông Raghavan, đặc biệt là với Sáng kiến Vành đai và Con đường với mạng lưới cơ sở hạ tầng ở Á-Âu.
Trong khi đó, Mỹ có mối liên kết quan trọng với Ấn Độ trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà nhiều người tin là nhằm kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Raghavan cho rằng những mối liên kết này không mở rộng tới phần lớn vùng đất Á-Âu.
“Đây là nơi Nga chớp lấy cơ hội. Chúng tôi ở chung một vùng đất rộng lớn”, ông nói.
Theo ông Raghavan, dù Nga cam kết cung cấp cho Ấn Độ các công nghệ quân sự mới nhất, họ cũng thận trọng để điều này không phá hỏng quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc. Dù Nga coi 2 mối quan hệ này là có lợi lẫn nhau, theo ông, thì họ cũng không muốn được làm là đối tác nhỏ của Trung Quốc.
Mối quan hệ của Nga với Ấn Độ nhấn mạnh vai trò của Moscow như một người chơi độc lập trong khu vực “không bị ràng buộc bởi các sợi dây ràng buộc với Trung Quốc”./.