Trụ cột chính trong doanh thu tài chính của Điện Kremlin là dầu. Dầu đã giúp nền kinh tế Nga trụ vững bất chấp các lệnh cấm xuất khẩu, các lệnh trừng phạt của phương Tây và việc đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương.
Các đồng minh châu Âu của Mỹ có kế hoạch tuân theo chính quyền Tổng thống Joe Biden và thực hiện các bước để ngừng sử dụng dầu của Nga vào cuối năm nay. Một số nhà kinh tế cho rằng động thái này có thể khiến nguồn cung dầu trên thế giới giảm và đẩy giá dầu lên tới 200 USD/thùng.
Tiếp tục tung vũ khí nhằm vào dầu Nga
Mỹ và các đồng minh muốn hình thành nhóm có hành động chung để buộc Nga chấp nhận giá dầu thấp hơn thị trường. Nhóm G7 đã dự kiến đồng ý hỗ trợ giới hạn giá dầu của Nga. Nói cách khác, các nước tham gia sẽ đồng ý mua dầu của Nga với giá thấp hơn thị trường. Động thái này được cho là nhằm ngăn Nga được hưởng lợi từ giá năng lượng tăng cũng như chặn giá dầu tăng vọt.
Nga chưa đưa ra phản ứng trước động thái này song Moscow cũng có lựa chọn đáp trả bằng cách đưa dầu của mình ra khỏi thị trường. Điều này có thể sẽ khiến thị trường năng lượng trở nên hỗn loạn hơn.
Chi phí năng lượng cao đang gây áp lực cho các nền kinh tế và có nguy cơ gây ra rạn nứt giữa các quốc gia phản đối Nga về chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Tổng thống Biden đã chứng kiến tỷ lệ ủng hộ thấp tới mức có thể ảnh hưởng đến cơ hội của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Anh, Đức và Italy đang phải đối mặt với tình huống nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng do cố gắng từ bỏ khí đốt tự nhiên và dầu mỏ của Nga.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hiện đang công du các nước Ấn Độ - Thái Bình Dương để vận động cho đề xuất giới hạn giá dầu Nga. Tại Nhật Bản ngày 12/7, Bộ trưởng Yellen và Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Suzuki Shunichi cho biết trong một tuyên bố chung rằng hai nước đã đồng ý xem xét “tính khả thi của việc giới hạn giá dầu Nga vào thời điểm thích hợp”.
Kế hoạch giới hạn giá dầu Nga đã nhận được sự ủng hộ của một số nhà kinh tế hàng đầu thế giới. Nhà kinh tế học Jason Furman cho rằng kế hoạch này được thực hiện sẽ tác động đến cả hai bên khi vừa tối đa hóa thiệt hại cho cỗ máy chiến tranh Nga, vừa giảm thiểu thiệt hại cho phần còn lại của thế giới.
Nếu việc giới hạn giá không được thực hiện, giá dầu chắc chắn sẽ tăng đột biến do quyết định cấm gần như toàn bộ dầu từ Nga của EU. EU cũng có kế hoạch cấm các công ty bảo hiểm bán bảo hiểm cho các tàu chở dầu Nga trên khắp thế giới.
“Nếu không có kế hoạch giới hạn giá dầu để giảm doanh thu của Nga thì sẽ có nhiều rủi ro hơn khi nguồn cung của Nga tung ra thị trường. Điều đó có thể khiến giá dầu cao hơn nữa”, ông Adeyemo nói.
Vào tháng 6, công ty điều hành dịch vụ tài chính Barclays cảnh báo rằng lệnh cấm vận dầu mỏ Nga của EU và các hạn chế khác có thể khiến giá dầu Nga tăng lên 150 USD/thùng hoặc thậm chí 200 USD/thùng nếu các hoạt động xuất khẩu bằng đường biển của Moscow bị gián đoạn.
Giá dầu thô Brent ghi nhận hôm 12/7 là chưa tới 100 USD/thùng.
2 nhân tố quan trọng trong kế hoạch giới hạn giá dầu
Tuy nhiên, Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia vẫn duy trì mối quan hệ kinh doanh với Nga trong thời gian xảy ra cuộc chiến, sẽ cần phải tham gia vào kế hoạch này. Một số nước cho rằng Trung Quốc và Ấn Độ, đã mua dầu từ Nga với giá chiết khấu, có thể sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch giới hạn giá dầu Nga.
“Chúng tôi nghĩ rằng cuối cùng các quốc gia trên thế giới hiện đang mua dầu của Nga sẽ quan tâm đến việc trả ít tiền nhất có thể”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo nói với AP.
James Hamilton, nhà kinh tế tại Đại học California, San Diego, cho biết, sự tham gia của Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là điều quan trọng để thực hiện bất kỳ kế hoạch giới hạn giá nào.
“Nếu Mỹ ngừng mua dầu của Nga, nhưng Ấn Độ và Trung Quốc vẫn tiếp tục mua với giá cao, thì điều này sẽ không có tác động gì đến doanh thu của Nga. Nga càng thu được ít doanh thu từ việc bán dầu thì họ càng có ít tiền để đầu tư vào cuộc chiến ở Ukraine”, chuyên gia Hamilton nói.
Theo số liệu từ trang web của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 8,4 triệu tấn dầu thô từ Nga trong tháng 5, tăng khoảng 3 triệu tấn so với 5,4 triệu tấn của cùng kỳ năm ngoái. Con số này tương đương với việc Trung Quốc nhập khẩu từ Nga khoảng 1,98 triệu thùng dầu/ngày, tăng từ 1,59 triệu thùng/một ngày vào tháng 4.
Reuters dẫn nguồn cơ quan thương mại Ấn Độ cho biết, nhập khẩu dầu Nga của Ấn Độ đã tăng vọt lên mức kỷ lục, khoảng 950.000 thùng/ngày vào tháng 6, chiếm gần 1/5 tổng lượng dầu nhập khẩu của nước này.
Trong một cuộc họp hôm 11/7, Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, cho biết: “Nếu các quốc gia đang áp đặt giới hạn giá của riêng mình và điều đó làm sụt giảm đáng kể doanh thu của Nga trong việc bán dầu, thì đó không phải là sự thất bại của các lệnh trừng phạt. Đó thực sự là thành công của áp lực kinh tế vì nó đang làm giảm doanh thu của Nga”.
Trong khi đó, Nga có thể đáp trả kế hoạch này và đưa hoàn toàn dầu của mình ra khỏi thị trường. Theo nhà kinh tế Christiane Baumeister tại Đại học Notre Dame, trong trường hợp đó, câu hỏi đặt ra là liệu các quốc gia có đủ thời gian để tìm kiếm các giải pháp thay thế dầu của Nga để ngăn chặn việc tăng giá ồ ạt hay không.
Chỉ còn hơn 5 tháng nữa là tới cuối năm 2022, thời điểm các lệnh cấm của EU bắt đầu có hiệu lực. Kế hoạch giới hạn giá dầu Nga có thể sẽ cần được áp dụng và hoạt động hiệu quả để tránh giá xăng dầu tăng vọt, gây ảnh hưởng tới các tài xế Mỹ./.