Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hôm 8/5 và tuyên bố áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran và những quốc gia có quan hệ thương mại với Iran. Với các biện pháp trừng phạt cứng rắn, chính phủ Mỹ khẳng định sẽ triệt tiêu nguồn thu từ dầu mỏ của Iran, điều mà giới chức nước này xem như một cuộc chiến tranh kinh tế.
Căng thẳng Mỹ-Iran đẩy nền kinh tế Iran đến bờ vực thẳm? Ảnh: Dailystar |
Mỹ có hai gói trừng phạt đối với Iran trong 90 ngày và 180 ngày. Gói trừng phạt thứ nhất có hiệu lực vào ngày 6/8/2018. Theo đó Iran sẽ bị cấm mua hoặc mua lại USD, kinh doanh vàng cùng các kim loại quý khác, cũng như than chì, than, nhôm và thép. Lệnh trừng phạt còn bao gồm cả lĩnh vực ô tô, xuất khẩu thảm, thực phẩm và một số giao dịch tài chính liên quan, đồng thời thu hồi giấy phép đặc biệt để bán máy bay chở khách thương mại, các thiết bị và dịch vụ liên quan.
Theo các chuyên gia, đây không phải là lần đầu tiên Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran. Từ hơn 35 năm trước, Mỹ đã có các hành động tương tự mà Iran gọi là “thù địch”. Nhưng các lệnh trừng phạt lần này xảy ra trong bối cảnh khác khi mà Iran đang phải đối mặt với nhiều thách thức nội bộ và bên ngoài, trong đó có khủng hoảng kinh tế, lạm phát, đồng Riyal mất giá, các cuộc biểu tình leo thang, sẽ gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới địa chính trị và nhất là kinh tế của nước này.
Iran đang khủng hoảng khi đồng Riyal gần đây giảm đến mức thấp nhất so với đồng USD (40%), khiến nhiều người Iran rút tiền tiết kiệm từ ngân hàng và mua USD vì sợ đồng Riyal suy giảm hơn. Lệnh trừng phạt cũng ảnh hưởng mạnh mẽ tới ngành dầu mỏ của Iran. Nếu việc xuất khẩu dầu bị ngưng trệ và không tiếp tục xuất khẩu hơn 2 triệu thùng dầu thô mỗi ngày hoặc giá dầu giảm hơn 70 USD một thùng thì Iran sẽ thiếu nguồn tiền để trả lương cho công chức, nhiều nhà máy đóng cửa, hơn 16 triệu người thất nghiệp sẽ thất nghiệp.
Lạm phát và cuộc khủng hoảng USD sẽ làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo ở Iran cũng như tăng nạn đói và làn sóng tăng giá. Một chuyên gia kinh tế và giảng viên Khoa Kinh tế tại Đại học Tehran cho rằng, nền kinh tế Iran đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất ở tất cả các giai đoạn lịch sử. Các chuyên gia cho rằng với tình hình hiện nay người dân sẽ mất dần niềm tin vào tất cả mọi thứ và sẽ có khủng hoảng kinh tế. Iran có thể sẽ phải đối mặt với bất kỳ cuộc biểu tình bạo lực ngoài tầm kiểm soát trong tương lai.
Dự báo của IMF về tăng trưởng kinh tế của Iran trong năm nay khoảng 4%, nhưng những gì xảy ra khiến mức tăng trưởng có thể giảm tới dưới 2%.
Gói trừng phạt tiếp theo vào ngày 4/11 sẽ mạnh hơn khi Mỹ tái áp dụng biện pháp trừng phạt đối với ngành năng lượng, các tuyến vận chuyển, các giao dịch với ngân hàng trung ương. Theo các chuyên gia, khi đó nền kinh tế Iran sẽ khủng hoảng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, các quan chức Iran cho biết, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến nền kinh tế nước này. Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định: "Ngay cả trường hợp xấu nhất cũng đã được chuẩn bị, theo đó, người dân Iran vẫn sẽ được đáp ứng các nhu cầu cơ bản. Iran có đủ đường, lúa mì, dầu ăn, và có đủ ngoại tệ mạnh để bơm trên thị trường". Ông Rouhani nói thêm rằng, Washington sẽ phải trả một cái giá cao.
Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt của Mỹ không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế Iran mà nhiều công ty châu Âu, châu Á cũng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các công ty làm ăn trong lĩnh vực dầu khí, đầu tư, thương mại với Iran.
Iran trước ngày Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt
Những tác động tiêu cực đối với khu vực và thế giới
Căng thẳng Mỹ và Iran không chỉ tác động tiêu cực tới hai nước này mà còn tác động tới các nước trong khu vực và thế giới về vấn đề an ninh và kinh tế, nhất là thị trường dầu mỏ. Bởi Iran đứng thứ hai trên thế giới về trữ lượng khí tự nhiên, đứng thứ tư về trữ lượng dầu thô. Iran sản xuất 4 triệu thùng dầu mỗi ngày, hơn một nửa trong số đó được xuất khẩu ra nước ngoài trong khi phần còn lại tiêu thụ trong nước.
Đó là chưa kể tới vị trí chiến lược của nước này trong quản lý eo biển Hormuz, bởi khoảng 1/3 số lượng dầu trên thế giới phải đi qua eo biển này. Do đó khi lệnh trừng phạt Mỹ có hiệu lực sẽ dẫn đến khủng hoảng kinh tế phức tạp của nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ và các nước châu Âu, châu Á đang nhập khẩu dầu và khí đốt của Iran.
Trong năm qua, giá dầu đã tăng khoảng 50% lên 80USD/thùng như hiện nay và có thể còn biến động mạnh mẽ khi các nhà sản xuất dầu không có khả năng bù đắp khoản thâm hụt khoảng 2,7 triệu thùng mỗi ngày nếu Iran ra khỏi thị trường dầu mỏ toàn cầu. Trong trường hợp này, giải pháp có thể là sử dụng dự trữ chiến lược của Mỹ, nhưng các chuyên gia cho rằng đó là một giải pháp không khả thi.
Khi các lệnh trừng phạt Iran có hiệu lực, khoảng 50 công ty lớn của châu Âu và quốc tế đang làm ăn với Iran trong ngành thác khí đốt tự nhiên, xuất xưởng máy bay, ô tô sẽ bị ảnh hưởng. 10 đối tác kinh doanh hàng đầu với Iran sẽ bị ảnh hưởng là Trung Quốc, UAE, EU, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Nga và Singapore. Các hợp đồng đầu tư, phát triển các mỏ dầu và khí đốt của Iran, nhập khẩu máy móc và giao thông vận tải, máy bay dân dụng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.
Căng thẳng còn khiến cho tình hình an ninh ở khu vực thêm bất ổn khi mà Iran có vai trò và ảnh hưởng lớn ở khu vực nhất là ở Syria, Lebanon, Yemen. Đó là chưa kể tới mối lo Iran làm giàu uranium sẽ được nối lại và căng thẳng Iran-Israel, Iran-Saudi Arabia có thể sẽ bùng phát, Trung Đông trở thành chảo lửa nếu căng thẳng không được các bên kìm chế.
Iran ra điều kiện đàm phán với Mỹ
Liệu có đẩy vào vòng xoáy chiến tranh?
Theo các chuyên gia, căng thẳng này khó có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh hay chiến tranh hạt nhân. Dù trước đó Tổng thống Mỹ cảnh báo Iran về những hậu quả mà ít người đã thấy trong lịch sử. Còn Tổng thống Iran Hassan Rowhani tuyên bố, bất kỳ nỗ lực nào để tấn công Iran sẽ là tồi tệ nhất trong các cuộc chiến tranh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi mới đây đã bác bỏ khả năng chiến tranh xảy ra và nói rằng trong tình hình thế giới hiện tại, không một quốc gia nào có thể thực hiện những hành động như vậy. Các chuyên gia vấn đề Trung Đông cũng cho rằng, thứ nhất, Mỹ không có kế hoạch chính thức để tấn công Iran mà chỉ sử dụng các phương tiện truyền thông và chiến tranh kinh tế chống lại Iran, gây sức ép đối với nước này. Tuy nhiên, Iran khẳng định sẵn sàng đối phó với bất kỳ sự khiêu khích nào và tổn thất lớn nhất là Mỹ và các đối tác của nước này ở khu vực.
Thứ hai, chắc chắn những căng thẳng này sẽ đẩy hai nước vào vòng xoáy mới. Vấn đề mà cộng đồng quốc tế quan tâm chính là căng thẳng sẽ đi tới đâu, tác động tới tình hình khu vực và quốc tế như thế nào. Các chuyên gia nhận định căng thẳng sẽ là cuộc chiến tranh về kinh tế và dầu mỏ. Kịch bản có thể sẽ xảy ra như những lần trừng phạt trước đó nhưng lần này Iran lại có được sự ủng hộ rộng rãi hơn của các nước, nhất là các đối tác châu Âu, nhóm P5+1 trừ Mỹ. Do đó, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ sẽ khó thành công nhằm cô lập Iran hay ngăn cản nước này phát triển tên lửa đạn đạo.
Thứ ba, thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, và Đức đến thời điểm này vẫn được bảo toàn dù Mỹ đơn phương rút. Đó cũng là lý do khiến các nước xem xét lại quan hệ với Mỹ hơn là ủng hộ hành động chống Iran. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và hành động đơn phương của nước này cũng ảnh hưởng lớn tới nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong duy trì thỏa thuận hạt nhân, nhất là khi Mỹ tiếp tục gây sức ép lên các nước EU và đe dọa "bất kỳ nước nào giúp Iran trong việc tìm kiếm vũ khí hạt nhân có thể bị trừng phạt nặng nề".
Thứ tư, việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran được cho là nhằm bảo vệ các đồng minh Israel và Saudi Arabia cũng như ngăn chặn ảnh hưởng của Iran ở khu vực. Điều này cũng là để hài lòng cử tri Mỹ của ông Donald Trump trước khi tranh cử cũng như tạo hình ảnh trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới./.
Ngoại trưởng Pompeo nêu 12 điều kiện cho cuộc gặp Mỹ-Iran
Cứu thỏa thuận hạt nhân liệu có tránh được xung đột Mỹ-Iran?