Iran hôm nay (7/11) bắt đầu bơm khí urani vào các máy ly tâm tại cơ sở hạt nhân ngầm Fordow, chính thức nối lại hoạt động làm giàu urani. Với bước đi mới nhất này, dư luận lo ngại Iran đang có ý định dứt bỏ hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân lịch sử đã kí với các cường quốc năm 2015.

iran_rivp.jpg
 Iran liệu sẽ dứt bỏ hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân lịch sử đã kí với các cường quốc năm 2015 khi bắt đầu bơm khí urani vào các máy ly tâm ngày 7/11? Ảnh: Reuters

Tổ chức Năng lượng Hạt nhân Iran (AEOI) trong tuyên bố xác nhận, sau các hoạt động chuẩn bị thành công, việc bơm khí urani vào các máy ly tâm đã bắt đầu. Tất cả tiến trình đều được các thanh sát viên Liên Hợp Quốc giám sát.  Dự kiến các thanh sát viên của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế sẽ thăm địa điểm một lần nữa vào cuối tuần và mức làm giàu uranisẽ đạt được là 4,5%.

Đây là bước đi mới nhất của Iran nhằm giảm các cam kết theo điều khoản thỏa thuận hạt nhân đã kí năm 2015. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron  hôm qua (6/11) cảnh báo, động thái này là dấu hiệu cho thấy ý định của Iran rời bỏ thỏa thuận hạt nhân lịch sử: “Tôi nghĩ rằng quyết định của  Iran  là nghiêm trọng. Lần đầu tiên Iran đã quyết định một cách rõ ràng và thẳng thừng để rời khỏi thỏa thuận hạt nhân, đánh dấu một sự thay đổi lập trường  sâu sắc so với cách tiếp cận của nước này trong vài tuần qua. Tôi sẽ có cuộc thảo luận trong những ngày tới với Iran, nhưng tất cả chúng ta đều phải thừa nhận rằng tất cả sẽ đối mặt với hậu quả nếu Thỏa thuận hạt nhân này sụp đổ”.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 6/11 cũng bày tỏ lo ngại các diễn biến xung quanh thỏa thuận hạt nhân, kêu gọi Iran thực hiện đầy đủ các điều khoản của thỏa thuận. Ông Lavrov cho rằng bước đi của Iran là hậu quả của việc Mỹ rút khỏi văn kiện và tái áp đặt trừng phạt chống lại quốc gia Hồi giáo này: “Chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát hành động của các bên, tuân thủ thỏa thuận hạt nhân đã kí. Chúng tôi kêu gọi Iran tuân thủ các điều khoản này, mặc dù chúng tôi nhận thức rõ tại sao Iran phải đưa ra những hành động như vậy”.

Theo một cuộc khảo sát gần đây cho thấy phần lớn người dân Iran được hỏi đều cho rằng nên rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015, vì Mỹ đang cố gắng gia tăng sức ép để hủy hoại nền kinh tế của họ. Tuy nhiên dư luận quốc tế cho rằng, Iran có thể giảm các cam kết theo thỏa thuận, nhưng sẽ là tốt hơn cho thế giới cũng như chính Iran nếu quốc gia này không từ bỏ hoàn toàn thỏa thuận.Cựu Đại sứ Iran tại Na Uy Abdolreza Faraji-Rad cho rằng, những bước đi mới nhất của Iran là rất đáng lo ngại đối với số phận của Thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên đây đều là những hành động nằm trong khuôn khổ khung thỏa thuận và dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc. Ông cũng cho rằng Iran không nên từ bỏ hoàn toàn thỏa thuận. Một số nhà ngoại giao cũng nhận định, Iran sẽ không hoàn toàn từ bỏ thỏa thuận vì lợi ích của chính quốc gia Hồi giáo này.

Nghị sỹ Aleksandr Sherin thuộc Ủy ban Quốc phòng Duma (Nga) nhận định, các bước từ chối tuân thủ điều khoản trong thỏa thuận là phản ứng của Iran trước sức ép của Mỹ, là một nỗ lực nhằm đạt được nhượng bộ từ phương Tây. Với việc dứt bỏ hoàn toàn thỏa thuận, hướng đến con đường tạo ra bom nguyên tử hay vũ khí hạt nhân sẽ tạo ra căng thẳng trong khu vực, gia tăng nguy cơ đối đầu với Israel, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho chính Iran. Nghị sĩ Nga khẳng định, bất kỳ nước nào, dù thậm chí đang trong tình trạng rất khó khăn, đều không muốn bắt đầu một cuộc chiến tranh với những hậu quả đắt đỏ và Iran cũng vậy. Do đó các bên sẽ cố gắng đảm bảo để tình hình không vượt ngoài tầm kiểm soát./.