Theo Reuters, trong bản dự thảo ngân sách tài khóa 2020 (bắt đầu từ tháng 10/2019) mà Tổng thống Donald Trump dự kiến trình lên Quốc hội trong ngày 11/3 (giờ Washington) bao gồm 8,6 tỷ USD cho dự án xây tường biên giới giữa Mỹ và Mexico.

trump_tuong_bien_gioi_nidv.jpeg
Tổng thống Trump thị sát tường biên giới ở San Diego. Ảnh: Globe Post

Con số này cao hơn gấp 6 lần so với số tiền 1,375 tỷ USD mà Quốc hội Mỹ phân bổ cho các dự án an ninh biên giới trong tài khóa 2018 và 2019, và cao hơn 6% so với số tiền mà ông Trump huy động để xây tường biên giới bằng sắc lệnh tình trạng khẩn cấp cuối tháng 2 vừa qua.

Trong khi đó, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói với Fox News rằng sẽ có một cuộc chiến về ngân sách nếu Tổng thống Trump đưa ra đề xuất. Tuy nhiên, ông Kudlow cũng nhấn mạnh, ông chủ Nhà Trắng sẽ vẫn kiên định với kế hoạch xây tường biên giới.

Đảng Dân chủ, vốn cho rằng việc xây bức tường biên giới là không cần thiết và vô nhân đạo, chắc chắn sẽ không để đề xuất của ông Trump được thông qua dễ dàng. Hiện đảng Dân chủ chiếm đa số tại Hạ viện và có 47/100 ghế tại Thượng viện.

Bức tường biên giới 1.162 km

Đề xuất của Tổng thống Trump là nhằm tiếp nối kế hoạch năm 2017 được Cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới thúc đẩy, theo đó xây hoặc thay thế 1.162 km hàng rào dọc biên giới Mỹ-Mexico, có tổng chi phí ước tính 18 tỷ USD.

Theo giới chức Mỹ, tới nay, mới chỉ có 179km (111 dặm) tường đã và đang được xây. Trong tài khóa 2017, mới chỉ có 341 triệu USD được chi cho 64km tường biên giới. Tài khóa 2018, Quốc hội Mỹ đồng ý chi thêm 1,375 USD cho 132km tường biên giới nữa.

Năm tài khóa 2019, Tổng thống Trump đề xuất 5,7 tỷ USD cho ngân sách xây tường biên giới, nhưng cũng chỉ được Quốc hội thông qua 1,375 tỷ USD. Sự bất đồng giữa Tổng thống và Quốc hội khi đó chính là nguyên nhân khiến chính phủ Mỹ đóng cửa suốt 35 ngày, lâu nhất trong lịch sử xứ cờ hoa.

Không nhận được số tiền mong muốn cho dự án đã cam kết với các cử tri, Tổng thống Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để huy động tổng cộng 8,1 tỷ USD cho bức tường biên giới (trong đó có 3,6 tỷ từ ngân sách xây dựng của Bộ Quốc phòng). Động thái này vấp phải sự phản đối không chỉ của đảng Dân chủ mà cả một số thành viên đảng Cộng hòa.

Hiện chưa rõ với số tiền được Quốc hội phê duyệt và số tiền huy động được thông qua sắc lệnh tình trạng khẩn cấp, sẽ có thêm bao nhiêm km tường biên giới nữa được xây. Chi phí trung bình cho mỗi dặm (1,6km) tường biên giới là 25 triệu USD.

Số tiền 8,6 tỷ USD đề xuất cho ngân sách xây tường biên giới trong tài khóa 2020 có thể sẽ bao gồm 5 tỷ từ ngân sách của Bộ an ninh nội địa và 3,6 tỷ từ ngân sách xây dựng quân sự của Lầu Năm Góc.

Chuẩn bị cho tái tranh cử 2020?

Tổng thống Trump đang đối mặt với những thách thức không chỉ về mặt chính trị mà cả về pháp lý sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp để có tiền xây bức tường biên giới. Nhiều nghị sỹ đã cáo buộc ông hành động vượt quá giới hạn cho phép trong hiến pháp khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp để có tiền xây bức tường.

Một liên minh 16 bang do California dẫn đầu thậm chí đã nộp đơn kiện Tổng thống Trump về quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp để xây dựng bức tường ở biên giới Mexico.

Cuối tháng 2 vừa qua, Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết ngăn chặn sắc lệnh khẩn cấp của Tổng thống Trump. Nghị quyết được thông qua với 245 phiếu thuận, 182 phiếu chống. Trong 245 lá phiếu ủng hộ việc chặn lệnh khẩn cấp quốc gia có 13 của các thành viên đảng Cộng hòa.

Nhiều khả năng Thượng viện sẽ tiến hành cuộc bỏ phiếu tương tự trong tuần này. Tuy nhiên, kịch bản ở Hạ viện chưa chắc sẽ lặp lại ở Thượng viện bởi viện này do đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump nắm đa số. Để thông qua nghị quyết chặn lệnh khẩn cấp quốc gia, cần phải có đủ 2/3 số phiếu ủng hộ. Trong khi đó, đảng Cộng hòa có tới 53 ghế tại Thượng viện.

Tổng thống Trump cũng đã cảnh báo các Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa không bỏ phiếu thông qua nghị quyết chặn lệnh tình trạng khẩn cấp, đồng thời nói rằng nếu làm điều đó, họ sẽ rơi vào thế nguy hiểm chính trị với các cử tri.

Dự luật chi tiêu cho tài khóa 2020 cần phải được Quốc hội thông qua trước ngày 1/10/2019, nếu không kịch bản chính phủ đóng cửa sẽ lặp lại thêm lần nữa.

Bất chấp những thách thức đang gặp phải, Tổng thống Trump dường như vẫn kiên quyết “không buông tay” với dự án xây tường biên giới mà ông đã cam kết với các cử tri.

Theo giới quan sát, việc tiếp tục đưa ra đề xuất ngân sách mới có thể sẽ giúp ông Trump củng cố thêm sự ủng hộ của cử tri trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống 2020.

“Xây bức tường” là một trong những cam kết mà ông Trump đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống năm 2016. “Hoàn tất bức tường” sẽ là cam kết tái tranh cử của ông vào năm 2020./.