Chính phủ Mỹ đóng cửa từ ngày 22/12/2018 do những bất đồng giữa Tổng thống Trump và Quốc hội Mỹ về dự luật chi tiêu chính phủ, trong đó có cả đề xuất ngân sách xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico do ông đề xuất. Việc chính phủ đóng cửa đã buộc 800.000 nhân viên liên bang phải nghỉ việc, các cơ quan liên bang phải hoạt động hạn chế.

trump_pelosi_nyp_tnhs.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Ảnh: New York Post

Bức tường biên giới Mỹ-Mexico gây tranh cãi

Tổng thống Donald Trump yêu cầu khoản tiền hơn 5 tỷ USD để xây bức tường biên giới với Mexico, nhưng đảng Dân chủ không đồng ý, cho rằng biện pháp này không hiệu quả và chỉ tạo ra khủng hoảng nhân đạo cho những người di cư dễ bị tổn thương.

Vấn đề ngân sách cho bức tường biên giới đã gây chia rẽ kể từ khi đảng Cộng hòa còn nắm quyền kiểm soát cả 2 viện của Quốc hội Mỹ. Kể từ sau khi “tiếp quản” Hạ viện ngày 3/1, đảng Dân chủ đã cam kết những nỗ lực để chính phủ sớm hoạt động trở lại. Tuy nhiên, những bất đồng sâu sắc giữa Tổng thống Trump và phe Dân chủ trong Quốc hội vẫn chưa thể hóa giải.

Các cuộc đối thoại gần đây nhất vẫn bế tắc khi Tổng thống Trump “đập bàn và bỏ đi” khỏi cuộc họp vì Chủ tịch hạ viện Nancy Pelosi vẫn từ chối ngân sách cho bức tường biên giới mà ông đề xuất. Tổng thống Trump sau đó đã nói trên Twitter rằng, các cuộc đối thoại là phí thời gian và ông không còn gì để nói thêm.

Tổng thống Trump cũng không ngừng đề cập tới khả năng ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để huy động ngân sách xây tường biên giới Mỹ-Mexico mà không cần quốc hội thông qua. Tuy nhiên, các nhà quán sát nhận định động thái này sẽ vấp phải nhiều thách thức pháp lý và sự phản đối mạnh mẽ từ các nghị sĩ Dân chủ.

Kỷ lục về tình trạng chính phủ đóng cửa

Lần đóng cửa hiện nay của chính phủ Mỹ là lần thứ 21 kể từ năm 1974. Trước đó, chính quyền Bill Clinton từng đóng cửa 21 ngày do những bất đồng giữa tổng thống và quốc hội, kéo dài từ tháng 12/1995 tới tháng 1/1996.

Ông Trump là Tổng thống duy nhất khiến các nhân viên liên bang phải nghỉ phép trong khi đảng của Tổng thống vẫn đang kiểm soát cả 2 viện Quốc hội. 2 lần đóng cửa trước đó của chính quyền Tổng thống Trump trong năm 2018 cũng diễn ra khi đảng Cộng hòa vẫn kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện. Đảng Dân chủ chỉ chính thức nắm quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ từ ngày 3/1 vừa qua..

Đây là lần 3 chính phủ Mỹ đóng cửa kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức. Ông Trump là tổng thống có số lần chính phủ đóng cửa nhiều thứ 3 trong lịch sử hiện đại của Mỹ, sau Tổng thống Jimmy Carter với 5 lần và Tổng thống Ronald Reagan với 8 lần.

Về thời gian, Tổng thống Trump đứng thứ 4 về tổng số ngày (tính tới ngày 12/1), sau Tổng thống Carter với 67 ngày và Tổng thống Bill Clinton và Reagan cùng 28 ngày.

Thế bí của Tổng thống Trump

Tình trạng chính phủ đóng cửa dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài khi không có bất cứ cuộc gặp nào giữa quan chức Nhà Trắng và các nghị sỹ được lên kế hoạch. Trong khi đó những tác động của việc chính phủ đóng cửa đang ngày càng trở nên đáng chú ý hơn.

Việc đóng cửa chính phủ hiện nay chỉ là một phần bởi Hạ viện đã thông qua dự luật ngân sách cho một số bộ như Bộ Quốc phòng và Bộ Năng lượng từ tháng 9/2018, tuy nhiên có nhiều cơ quan đang phải đóng cửa như Bộ Nông nghiệp, Bộ Thương mại, Bộ Tư Pháp, Bộ An ninh Nội địa, Bộ Nội vụ, Giao thông, Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị.

Khoảng 420.000 nhân viên ở các bộ kể trên là rất thiết yếu và vì thế những người này vẫn đang phải làm việc mà không được trả lương trong thời gian chính phủ đóng cửa. Ngoài ra 380.000 nhân viên khác phải nghỉ phép, hoặc nghỉ việc không lương.

Các nhân viên thiết yếu sẽ được trả lương ngay sau khi tình trạng chính phủ đóng cửa chấm dứt. Quốc hội ngày 11/1 đã thông qua dự luật cho phép các nhân viên đang phải nghỉ phép được trả lương ngay khi chính phủ hoạt động trở lại, Tuy nhiên, ong Trump sẽ cần phải ký thông qua dự luật này.

Việc chính phủ đóng cửa còn ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh của đời sống. An ninh sân bay và sự quan toàn các chuyến bay đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Công viên quốc gia đóng cửa khiến động vật hoang dã gặp nhiều nguy cơ. Hàng núi rác thải không người dọn dẹp. Hỗ trợ cho người thu nhập thấp bị đóng băng, Hoạt động kiểm duyệt thực phẩm của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm đang phải tạm dừng, làm dấy lên nguy cơ bùng phát tình trạng ngộ độc thực phẩm. Cơ quan kiểm lâm Mỹ không thể chuẩn bị cho mùa cháy rừng sắp tới…

Phe Dân chủ tuyên bố chỉ đồng ý cấp một khoản tiền nhỏ nhằm tăng cường an ninh biên giới như một thỏa thuận với Tổng thống Trump để chính phủ hoạt động trở lại ngay lập tức, còn vấn đề bức tường biên giới có thể đàm phán sau. Tuy nhiên ông Trump đã thẳng thừng bác bỏ đề nghị này.

Việc cả 2 bên đều không sẵn lòng nhượng bộ đang khiến những bế tắc càng khó tháo gỡ. Và khi Tổng thống Trump chưa thoát khỏi thế bí hiện nay, thì chính người dân Mỹ lại đang phải gánh chịu hậu quả./.