Hai tháng sau cuộc tổng tuyển cử liên bang, chính trường Đức đang rơi vào một tình huống hiếm thấy: không có chính phủ liên minh nào được thành lập, và sinh mệnh chính trị của nữ Thủ tướng Angela Merkel, người chỉ vài tháng trước còn được ngợi ca như một “biểu tượng không tuổi” trong nền chính trị châu Âu hiện đại, bỗng chốc bị đe dọa nghiêm trọng.

merkel_zizh.jpg
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Reuters

Nguyên nhân là thất bại trong các cuộc mặc cả liên minh. Đảng Xã hội Cơ đốc giáo CSU không nhường đảng Xanh trong các chủ đề nhập cư và môi trường, còn đảng Dân chủ tự do FDP lại bất đồng với đảng Dân chủ Cơ đốc giáo CDU về các vấn đề liên quan đến việc giảm thuế cũng như chính sách tài chính ở cấp độ Liên minh châu Âu.

Mức độ nghiêm trọng của các bất đồng này không chỉ được thể hiện qua việc các cuộc đàm phán đã kéo dài gần 2 tháng mà vẫn bế tắc, mà còn ở tuyên bố của Christian Lindner, Chủ tịch FDP: “thà không lãnh đạo còn hơn lãnh đạo một cách yếu kém”.

Đây là một tình huống chính trị hiếm có tại Đức. Chính xác là từ năm 1949 khi CHLB Đức (Tây Đức) ra đời đến nay, chưa khi nào sự ra đời của một chính phủ mới tại Đức lại khó khăn đến thế.

Trước mắt người Đức sẽ là những ngày, thậm chí những tuần, những tháng… khó khăn, khi bộ máy hành pháp hoạt động cầm chừng, thậm chí tê liệt. Đó sẽ là tin xấu không chỉ với nước Đức, mà còn cả châu Âu. Câu hỏi, vì thế, là đâu có thể sẽ là các lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay? 

Bầu cử lại không phải ưu tiên         

Trong ngày 20/11, bà Angela Merkel đã gặp Tổng thống Đức, Frank-Walter Steinmeier để tìm giải pháp và tuyên bố sau đó của Tổng thống Đức, Steinmeier cho thấy kịch bản bầu cử lại không được ưu tiên.

Lý do là vì truyền thống chính trị nước Đức vốn luôn ưu tiên quyền lực của Nghị viện cũng như sự ổn định và thoả hiệp mà nếu bầu cử lại thì đồng nghĩa với việc phải giải tán Nghị viện Liên bang mới được bầu ra.

Nhưng, lí do lớn nhất nằm ở việc, hầu hết các đảng phái ở Đức đều không muốn phải bầu cử lại do lo ngại việc đảng cực hữu, dân tuý AfD sẽ tiếp tục thăng tiến. Các cuộc thăm dò dư luận và phân tích chính trị ở Đức cho thấy, trong trường hợp nước Đức phải tổ chức lại tổng tuyển cử liên bang, đảng AfD có thể sẽ giành nhiều phiếu hơn.

Trong cuộc bầu cử ngày 24/9, AfD giành 12,6% số phiếu. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 13-14,5% nếu một cuộc bầu cử mới được tổ chức đầu năm 2018. Đó là một kịch bản mà ngoài AfD, không một đảng phái nào tại Đức mong muốn.

Đó là lí do mà Tổng thống Đức, Steinmeier đã liên tục nhắc đến tính nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng hiện nay và kêu gọi các đảng phái cần phải thể hiện trách nhiệm của mình và quay lại bàn đàm phán. Nhưng nếu mọi lời kêu gọi đều vô ích, sẽ đến lúc ông Steinmeier phải dùng đến Hiến pháp, hay còn gọi là Luật cơ bản của Đức.

Điều 68 Hiến pháp Đức quy định, Tổng thống Đức có 21 ngày để giải tán Bundestag, tức Nghị viện Liên bang, và tổ chức một cuộc bầu cử trước thời hạn. Nhưng vướng mắc nằm ở chỗ: việc giải tán Bundestag phải xuất phát từ đề nghị của Thủ tướng Đức và chỉ sau khi Bundestag từ chối một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm do Thủ tướng đưa ra.

Mà vào thời điểm này bà Angela Merkel lại chưa được Bundestag bỏ phiếu vào cương vị Thủ tướng nhiệm kỳ mới, và do đó, không thể đưa ra yêu cầu Tổng thống Đức giải tán Nghị viện.

Vì vậy, nếu vũ khí Hiến pháp buộc phải dùng đến, thì điều 63, phụ lục 4, có thể sẽ được dùng trước. Điều này quy định Tổng thống Đức được phép bổ nhiệm một Thủ tướng và để Nghị viện bỏ phiếu.

Khi đó, nhân vật được lựa chọn làm Thủ tướng có thể sẽ chỉ nhận được sự ủng hộ thiểu số và Tổng thống Đức sẽ lại phải quyết định: hoặc duy trì nhân vật đó, đồng nghĩa với việc duy trì sự bất ổn chính trị, hoặc giải tán Bundestag và tổ chức bầu cử lại trong vòng 2 tháng.

Lựa chọn đầu tiên, tức là duy trì một “chính phủ thiểu số”, không chỉ chưa từng có tiền lệ tại Đức, mà còn vô cùng rủi ro về mặt chính trị.         

Liên minh, với ai?

Xét về mọi mặt, giải pháp tốt nhất cho CDU-CSU cũng như bà Angela Merkel vẫn là tìm ra một con đường thoả hiệp để lập một chính phủ liên minh chiếm đa số trong Nghị viện. Vấn đề là liên minh với ai?

FDP đã rời bỏ các cuộc đàm phán đêm 19/11 nhưng việc lập liên minh chỉ có CDU-CSU-đảng Xanh là bất khả thi. Lý do là liên minh này sẽ thiếu 42 ghế để trở thành đa số tại Nghị viện, chưa kể việc các thành viên đảng CSU luôn công khai không muốn đứng chung hàng ngũ với đảng Xanh.

Còn một giải pháp, đã từng được thực thi trong quá khứ, nhưng hiện tại cũng bị xem là bất khả: tái lập “đại liên minh” CDU-CSU với đảng Dân chủ xã hội SPD.

Từ sau cuộc bầu cử vào tháng 9, các lãnh đạo của SPD như Martin Schulz, Chủ tịch SPD, luôn khẳng định sẽ không tiếp tục liên minh với CDU-CSU vì với chỉ 20,5% phiếu bầu vào tháng 9, SPD vừa gánh chịu thất bại bầu cử tệ hại nhất từ sau Chiến tranh thế giới II và nếu tiếp tục liên minh, đảng này bị đe doạ sẽ biến mất trong cái bóng của CDU.

Rốt cục, chỉ còn lại giải pháp vừa mới thất bại: thuyết phục FDP quay lại bàn đàm phán và đưa ra các nhân nhượng mới. Đó có thể sẽ là điểm then chốt của cuộc khủng hoảng hiện nay bởi thái độ cứng rắn của FDP hiện nay xuất phát từ bài học đau đớn của đảng này trong quá khứ khi Liên minh với chính CDU năm 2009 để rồi trở nên mờ nhạt và đến cuộc bầu cử năm 2013, thậm chí không giành nổi 5% số phiếu tối thiểu để có ghế trong Nghị viện liên bang.

Chỉ có điều, việc thuyết phục một đảng phái vừa chủ động rời bỏ cuộc mặc cả ròng rã suốt 2 tháng qua không chỉ cần một chiến lược mới mà cần cả những lá bài mới.

Trước mắt sẽ là quãng thời gian bất định và vô cùng khó lường, với không chỉ chính trường Đức, với sự ổn định của châu Âu mà còn với cả vận mệnh chính trị của bà Merkel.

Nếu mọi thứ tiếp tục bế tắc và một cuộc bầu cử mới được tổ chức, có thể châu Âu sẽ không còn được chứng kiến bà Angela Merkel trên cương vị một lãnh đạo hàng đầu như hơn 1 thập kỷ qua./.