Có gần 10.000 vụ tấn công khủng bố trong năm 2013, tăng 44% so với năm 2012, theo Báo cáo Chỉ số Khủng bố Toàn cầu 2014.
Báo cáo do Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) có trụ sở ở Australia soạn cho biết, gần 18.000 người chết vì các vụ tấn công khủng bố trong năm 2013.
Báo cáo lưu ý “Nạn khủng bố gia tăng không chỉ về cường độ mà cả về bề rộng”.
Steve Killelea, chủ tịch điều hành của IEP, nói với BBC rằng bước gia tăng mới nhất về số ca tử vong vì khủng bố chủ yếu là do nội chiến ở Syria nổ ra hồi năm 2011.
Ông Killelea nói: “Tình trạng bất ổn ở Syria, vốn đã lan sang Iraq, chính là nơi chúng ta cảm nhận được tình trạng khủng bố gia tăng đột biến”.
Báo cáo này điều tra xu hướng khủng bố từ năm 2000 đến 2013 và sử dụng dữ liệu từ Cơ sở Dữ liệu Khủng bố Toàn cầu đặt tại Mỹ.
Bản báo cáo bao gồm việc xếp hạng các nước dựa theo tác động của hoạt động khủng bố, dựa trên số vụ tấn công khủng bố, số nạn nhân chết và bị thương vì khủng bố, và thiệt hại đối với các tài sản.
Ấn Độ, Somalia, Philippines, Yêmn và Thái Lan là năm nước kế tiếp, với số ca tử vong chiếm 1-2,3% tổng số ca toàn cầu.
Mặc dù các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chỉ chiếm 5% trong số trường hợp chết vì khủng bố kể từ năm 2000, họ lại hứng chịu những cuộc tấn công đẫm máu nhất.
Các vụ này bao gồm loạt tấn công 11/9/2001 đối với nước Mỹ, loạt đánh bom tàu hỏa ở Madrid (Tây Ban Nha) năm 2004, vụ đánh bom London 2005, và vụ đánh bom và xả súng ở Na Uy ở 2012.
Trong năm 2013, Thổ Nhĩ Kỳ và Mexico là các nước OECD có số ca tử vong vì khủng bố cao nhất, 57 và 40 tương ứng.
Vì tôn giáo hay chính trị?
Báo cáo cho biết có 4 nhóm chính chịu trách nhiệm về 66% số người chết vì tấn công khủng bố trong năm 2013, đó là: al-Qaeda, Taliban, Boko Haram và nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Cả 4 nhóm này đều sử dụng “các ý thức hệ tôn giáo dựa trên cách giải thích cực đoan đối với đạo Hồi dòng Wahhabi”.
Báo cáo viết rằng, hệ tư tưởng tôn giáo không phải là động cơ duy nhất cho chủ nghĩa khủng bố.
Báo cáo nhấn mạnh: “Có nhiều nước yên bình với đa sống người Hồi giáo sinh sống không bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa khủng bố - như là Qatar, UAE, và Kuwait - cho thấy các nhân tố khác như xã hội, chính trị và địa chính trị đóng vai trò như thế nào”.
Ở nhiều nơi trên thế giới, khủng bố “được thúc đẩy nhiều hơn bởi các phong trào chính trị, dân tộc và ly khai”.
Bản báo cáo cho biết 3 nhân tố chính được phát hiện trên toàn cầu có tương tác với chủ nghĩa khủng bố là (1) tình trạng thù địch xã hội cao độ giữa các nhóm sắc tộc, tôn giáo và ngôn ngữ; (2) sự hiện diện của bạo lực do nhà nước tài trợ như là các vụ giết người bất hợp pháp và các lạm dụng nhân quyền; và (3) mức độ cao của bạo lực nói chúng, như là chết do xung đột có tổ chức hay mức độ cao tội phạm bạo lực.
Ông Killelea cho hay các nhân vật tôn giáo tại một số nước Sunni ôn hòa đã lên tiếng chống lại chủ nghĩa cực đoan.
Ông này nói thêm rằng, rất khó để các nước phương Tây chống lại được hệ tư tưởng tôn giáo cực đoan. Tuy nhiên, “phương Tây có thể chắc chắn ủng hộ nỗ lực tạo cơ chế giám sát tốt hơn… cũng như xử lý một số vấn đề sâu xa gây ra khổ đau cho các tập thể”.
Báo cáo này chỉ sử dụng các dữ liệu cho đến cuối năm 2013.
Ông Killelea nói: “Tôi không muốn dự báo kết quả cho năm 2014, nhưng chắc chắn khó tưởng tượng mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn”.
Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh rằng dù tình trạng khủng bố gia tăng, điều quan trọng là phải đặt các con số trong bối cảnh. Khoảng 50% các vụ tấn công khủng bố không gây tổn thất sinh mạng, theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc cho năm 2012./.
>> Xem thêm: Chủ nghĩa can thiệp nuôi dưỡng chủ nghĩa khủng bố