Quan chức APEC “tiến thoái lưỡng nan” vì vụ khủng bố ở Paris

Theo AP, Tổng thống Mỹ Barack Obama và lãnh đạo các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Mexico sẽ cùng với 7.000 quan chức, các CEO và các khách mời tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) khai mạc vào ngày 18/11 tới trên Vịnh Manila (Philippines) trong tình trạng an ninh thắt chặt hơn bao giờ hết sau vụ khủng bố kinh hoàng tại Paris.

apec_ocvq.jpg
An ninh tại Manila (Philippines) được thắt chặt trước thềm Diễn đàn APEC. Ảnh AP

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tham dự Diễn đàn lần này do phải tập trung điều hành vụ điều tra tai nạn máy bay Nga rơi ở Ai Cập ngày 31/10 vừa qua. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev sẽ đi thay.

Tống thống Indonesia Joko "Jokowi" Widodo cũng sẽ vắng mặt do phải giải quyết một số vấn đề trong nước.

Nhiều người từng lên tiếng chỉ trích rằng, APEC thường không đạt được những kết quả cụ thể do cơ chế “không ràng buộc của mình”. Cơ chế này, theo họ khiến APEC thường bị mỉa mai là: A Perfect Excuse to Chat (tạm dịch Diễn đản “Hoàn hảo nhất để bàn chuyện phiếm).

Để đáp lại, Bộ trưởng Tài chính Philippines Cesar Purisima lại khẳng định rằng: “Đó mới chính là vẻ đẹp thực sự của APEC, bạn không phải lo ngại mình bị ràng buộc vào bất kỳ điều gì. Điều này khiến các nhà lãnh đạo có quyền tự do đưa ra những ý tưởng mới”.

Dự kiến, Diễn đàn APEC năm nay sẽ tập trung vào những vấn đề kinh tế và thương mại, bao gồm những lo ngại về mức độ chậm tăng trưởng của châu Á.

Mặc dù vậy, các vấn đề phức tạp về an ninh và địa chính trị như sự căng thẳng Mỹ- Trung ở Biển Đông và mới đây nhất là vụ khủng bố ở Paris (Pháp) vẫn sẽ trở thành trọng tâm trên bàn đối thoại.

Vụ khủng bố nói trên sẽ khiến giới ngoại giao APEC “tiến thoái lưỡng nan”. Họ đang bị chia rẽ trong việc có nên ra một tuyên bố chính thức về vụ khủng bố này hay không hay sẽ để cho các nhà lãnh đạo tự nêu ra ý kiến của mình.

Cuối cùng, họ đề ra một giải pháp nhượng bộ rằng, tuyên bố chính thức của APEC sẽ có một đoạn nói về chủ nghĩa khủng bố.

An ninh ở Pháp được đặt ở mức cao nhất sau vụ khủng bố đẫm máu ở Paris. Ảnh AFP

Một nhà ngoại giao Đông Nam Á bày tỏ không muốn vụ tấn công khủng bố kinh hoàng này được đưa vào tuyên bố chính thức của APEC vì lo ngại điều này sẽ khiến IS “chú ý” đến Diễn đàn này.

Nhà ngoại giao này cũng cho biết, ngược lại, Mỹ rất muốn APEC đưa ra một tuyên bố chính thức với những lời lẽ mạnh mẽ nhằm vào các nhóm khủng bố. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng về phản ứng của APEC có thể sẽ thay đổi khi các nhà lãnh đạo nhóm họp.

Trước đó, các nhà lãnh đạo APEC đã từng ra tuyên bố lên án hành động khủng bố ngày 11/9 tại Mỹ trong thời gian nhóm họp tại Thượng Hải (Trung Quốc) năm 2001 và khẳng định sẽ chung tay chiến đấu tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố.

Có thể dẫn sang vấn đề tranh chấp ở Biển Đông

Việc đưa bất kỳ vấn đề an ninh nào vào bàn thảo chính thức tại APEC cũng là một điều hết sức “nhạy cảm” bởi Trung Quốc lo ngại rằng, điều này có thể “mở đường” cho việc bàn về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Hinh ành một bãi đá ở Biển Đông bị Trung Quốc cải tạo phi pháp. Ảnh AFP

Bắc Kinh từng nhiều lần khẳng định rằng, đây là vấn đề riêng của Trung Quốc và các nước có liên quan, và những nước không liên quan như Mỹ “không nên chõ mũi vào”.

Thậm chí, Trung Quốc còn cử Ngoại trưởng Vương Nghịsang Philippines vào tuần trước để đề nghị nước chủ nhà “không nêu vấn đề này” lên Diễn đàn APEC nhằm không gây ảnh hưởng đến sự hiện diện của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn.

Trung Quốc tỏ ra “yếu thế” trước Mỹ trong vấn đề Biền Đông?

Tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á cũng khiến quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc xấu đi rất nhiều. Nhiều nhà phân tích nhận định, Diễn đàn APEC sẽ là “đấu trường” để Mỹ và Trung Quốc thể hiện ưu thế của mình so với đối thủ. Việc ông Tập Cận Bình đến Philippines trước khi Diễn đàn này diễn ra, được coi là để “giành thế thượng phong” trước Tổng thống Mỹ Obama.

“Hình ảnh của Mỹ trong khu vực đang trở nên rõ nét hơn trong khi của Trung Quốc đang nhạt nhòa dần sau những hành vi hiếu chiến của nước này ở Biển Đông cũng như với thực tế là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang giảm mạnh, ông Malcolm Cook thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore nhận định.

Hành động cải tạo phi pháp các bãi đá phi pháp thành các đảo nhân tạo ở Biển Đông của Trung Quốc nhằm xây dựng các căn cứ quân sự tại đó đã khiến nhiều nước trong khu vực hết sức quan ngại và bị Mỹ cùng nhiều đồng minh lên tiếng chỉ trích.

Tuần trước, Mỹ đã điều 2 pháo đài bay B-52 bay gần các đảo nhân tạo nói trên mà không vấp phải bất kỳ phản ứng nào của phía Trung Quốc.

Ngoài ra, việc Mỹ hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 nền kinh tế thuộc khu vực Vành đai Thái Bình Dương cũng khiến vị thế của Tổng thống Mỹ Barack Obama tăng lên đáng kể.

Với hành trang được chuẩn bị kỹ lưỡng của mình, Tổng thống Mỹ Obama có thể tự tin với chuyến công du châu Á lần này. Ảnh AP

“Tổng thống Obama và Nhà Trắng đã làm mọi điều có thể để chuẩn bị cho một chuyến công du châu Á thành công. Ông Obama sẽ được chào đón tại Manila như một nhà lãnh đạo Mỹ “chiếm được cảm tình của châu Á” và có thể mang lại lợi ích lâu dài cho nước Mỹ”, ông Ernie Bower, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) kết luận./.