Hội nghị Cấp cao an ninh châu Á lần thứ 10 (còn được gọi là cuộc "Đối thoại Shangri-la") kết thúc hôm 5/6 tại Singapore được đánh giá là thành công về mặt ngoại giao khi tập hợp được số lượng đông đảo nhất đại diện các nước đến tham dự từ trước đến nay.

Hội nghị cũng đạt được sự nhất trí về yêu cầu đối thoại đa phương để giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, cần có những hành động cụ thể bên cạnh các cam kết về mặt lý thuyết thì mới có thể đảm bảo an ninh trên các vùng biển châu Á - Thái Bình Dương nói chung, biển Đông nói riêng.

thanh.jpg

Đại tướng Phùng Quang Thanh: Việt Nam luôn coi an ninh quốc gia của mình gắn liền với an ninh khu vực và thế giới

Trong quan hệ quốc tế, mỗi quốc gia luôn nỗ lực bảo vệ cho những lợi ích riêng của đất nước họ. Nhưng trong thời đại hội nhập và phụ thuộc lẫn nhau chặt chẽ hiện nay, như lời khẳng định của Thủ tướng Malaysia Najib Razak tại Đối thoại Shangri-la, “Lợi ích quốc gia đang dần trở thành lợi ích chung, và nhiệm vụ của chúng ta là phản ánh lợi ích đó trong các nỗ lực đa phương”.

Về an ninh biển, trong bài phát biểu được đánh giá cao tại cuộc đối thoại, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam nêu rõ: “Nói đến biển trong thế kỷ 21, chúng ta đều có nhận thức chung đó là không gian sống còn, phát triển và là tương lai của thế giới hiện đại đối với cả các nước có biển và không có biển, tại những khu vực có tuyên bố chủ quyền, hay không tuyên bố chủ quyền”. Điều này có nghĩa là tất cả các quốc gia đều ít nhiều can dự và có những lợi ích “chiến lược, sống còn” liên quan đến biển, do đó, phải cùng chia sẻ trách nhiệm tham gia giải quyết các tranh chấp biển nảy sinh.

Xét riêng khu vực biển Đông, không phải chỉ những quốc gia có biển mới liên quan mà việc cùng chung tay giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển đảo là cần thiết đối với tất cả các nước trong khu vực vì an ninh chung. Và mặc dù tranh chấp với Trung Quốc trên biển Đông chỉ liên quan đến một số quốc gia thành viên ASEAN như Philippines, Việt Nam, Brunei, Indonesia, Malaysia, song rất cần có tiếng nói chung của ASEAN - với tư cách là một khối thống nhất đang hướng tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng an ninh chung.

Và để đạt một kết quả công bằng, các nỗ lực đa phương giải quyết các tranh chấp biển đảo không nên phụ thuộc vào sự tập hợp lực lượng một cách ngẫu hứng giữa các quốc gia, càng không thể trông đợi vào một nước lớn nào trong cuộc chơi. Bài học điển hình là khi Mỹ và Trung Quốc gạt bớt bất đồng vì lợi ích song trùng của họ, Mỹ đã phần nào dịu giọng hơn khi nói về những vi phạm của Trung Quốc trong vùng biển thuộc chủ quyền của một số quốc gia Đông Nam Á. Hay một ví dụ khác, Thủ tướng Malaysia Najib Razab tại Đối thoại Shangri-la đã nhấn mạnh: “ASEAN không cần thiết phải lựa chọn giữa Ấn Độ và Trung Quốc” mà có thể thúc đẩy hợp tác với cả hai nước trong những diễn đàn mà ASEAN đóng vai trò trung tâm.

Cuối cùng, nguyên tắc bất di bất dịch cho việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển đảo là phải luôn dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau theo hướng đối thoại và hợp tác, tránh đối đầu. Cụ thể, trong trường hợp biển Đông, Công ước của LHQ về Luật Biển quốc tế năm 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) phải được coi là các căn cứ pháp lý đảm bảo công bằng cho việc phân xử các tranh chấp. Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh hải với “Đường 9 điểm”, hay còn gọi là “Đường Lưỡi bò”, chiếm  tới 80% diện tích biển Đông, là không thể chấp nhận được.

Đại tướng Phùng Quang Thanh, khẳng định: Việt Nam luôn coi an ninh quốc gia của mình gắn liền với an ninh khu vực và thế giới; chính sách quốc phòng của Việt Nam là hoà bình và tự vệ. Việt Nam luôn chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác với quân đội các nước trong và ngoài khu vực, tăng cường hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, phối hợp trong các hoạt động nhằm đối phó với các mối đe dọa an ninh chung, trong đó có an ninh biển./.