Cuối tuần qua, mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda giành quyền kiểm soát thành phố chiến lược Falluja, miền Tây Iraq và tuyên bố thành lập "Nhà nước Hồi giáo". Đây là diễn biến nguy hiểm, cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa khủng bố tại khu vực Trung Đông đầy biến động và ẩn chứa nhiều nguy cơ.

Chính phủ Iraq hôm qua khẳng định quyết tâm giành lại thành phố chiến lược Falluja bị rơi vào tay tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda một ngày trước đó. Theo một quan chức an ninh Iraq, khi người dân sơ tán hoàn toàn, quân đội sẽ phát động một cuộc tấn công quy mô nhằm truy quét khủng bố tại Falluja, thuộc tỉnh miền Tây Al-Anbar nơi có đông người Hồi giáo dòng Sunni sinh sống.

chien%20binh%20bo%20lac%20kiem%20soat%20ramadi.jpg
Chiến binh bộ lạc ở Ramadi (ảnh: Reuters)

Từ một năm nay, đây là điểm nóng của làn sóng phản đối chống chính phủ do người Shiite đứng đầu.

Cuối tuần qua, nhóm chiến binh Nhà nước Hồi giáo ở Iraqvà Cận Đông (ISIL) - một nhóm cực đoan người Sunni có liên hệ với al-Qaeda, giành quyền kiểm soát thành phố Falluja và nhiều khu phố ở thành phố Ramadi. Đây là lần đầu tiên al-Qaeda trực tiếp giành quyền kiểm soát các khu vực đô thị của Iraq kể từ sau khi Mỹ đưa quân vào quốc gia Trung Đông này dẫn tới tới sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Saddam Hussein năm 2003.

Cả hai thành phố Falluja và Ramadi đều từng là căn cứ địa của các tay súng nổi dậy có liên hệ với mạng lưới al-Qaeda và hiện nay là nhóm "Nhà nước Hồi giáo" ở Iraq và Cận Đông. Không chỉ tại Iraq, nhóm khủng bố này cũng đang hoạt động mạnh tại những quốc gia láng giềng như: Syria, Liban...

Có thể thấy, gần 3 năm sau khi trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt, bóng ma của trùm khủng bố này vẫn là mối đe dọa lớn cho cả Trung Đông và Bắc Phi. Từ chỗ là mục tiêu bị săn đuổi gắt gao, al-Qaeda đã hồi sinh với tư cách là một "quyền lực đang lên" trong khu vực địa chính trị quan trọng này.

Sự hồi sinh của al-Qaeda, dưới vỏ bọc của Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông, không khác gì một thứ "trái đắng" mà Mỹ và phương Tây phải nếm trải sau hàng chục năm hao tiền tốn của để xóa sổ tổ chức khủng bố này. Những bất ổn chính trị, như làn sóng biểu tình chống chính phủ tại Trung Đông và Bắc Phi càng tạo điều kiện cho những chi nhánh mới của al-Qaeda phát triển.

Trong phát biểu hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, nhân chuyến thăm Trung Đông, bày tỏ lo ngại về những diễn biến tại Iraq, đồng thời khẳng định, chính phủ Mỹ sẽ giúp Iraq trong cuộc chiến chống lại các chiến binh có liên hệ với al-Qaeda. Ông Kerry tin tưởng "Chính phủ Iraq có thể đánh bại các chiến binh al-Qaeda".

Ông Kerry nói: "Chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ Iraq. Chúng tôi cũng đã tiếp xúc với các lãnh đạo bộ lạc ở tỉnh Al- Anbar, những con người dũng cảm khi quyết tâm đẩy lùi hoàn toàn chủ nghĩa khủng bố khỏi thành phố của họ. Chúng tôi tin tưởng chính phủ của Thủ tướng Iraq có thể đánh bại các chiến binh al-Qaeda. Mỹ sẽ ủng hộ Chính phủ Iraq, nhưng không có kế hoạch đưa bộ binh trở lại quốc gia này. Đây là cuộc chiến của họ".

Ngay sau tuyên bố của Mỹ, nước láng giềng Iran - quốc gia có đông người Shiite sinh sống - cũng tuyên bố hỗ trợ trang thiết bị quân sự và cố vấn cho Iraq trong cuộc chiến chống lực lượng al-Qaeda.Rõ ràng, khi lực lượng khủng bố quốc tế al-Qaeda trở lại, không nước nào có thể đứng ngoài cuộc. Bởi điều này không chỉ gây ảnh hưởng tới các lợi ích an ninh, kinh tế, chính trị của một số quốc gia mà còn đối với hòa bình và sự ổn định của toàn thế giới. Chính vì thế mà từ những nước "đặc biệt quan tâm tới khu vực" như Mỹ hay các nước láng giềng "không thể đứng ngoài" như Iran đều lập tức tuyên bố sự ủng hộ của mình đối với cuộc chiến chống khủng bố của chính quyền Iraq./.