Trong tuần này, Mỹ dự kiến thực hiện đầy đủ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran theo lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và các cường quốc P5+1. Iran và các nước châu Âu cũng bắt đầu lên phương án để đối phó với các tác động lệnh trừng phạt của Mỹ.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran dự kiến bắt đầu có hiệu lực vào lúc 11 giờ trưa 7/8 (giờ Việt Nam). Phát biểu với các phóng viên sau chuyến thăm châu Á, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Nhà trắng sẽ đưa ra chi tiết các biện pháp trừng phạt trong ngày 6/8. Đây là một phần quan trọng trong nỗ lực của Mỹ thúc đẩy các hoạt động chống lại Iran.
Bất chấp sự phản đối của các đồng minh châu Âu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015. Với vòng trừng phạt đầu tiên bắt đầu từ tuần này, chính phủ Iran sẽ bị cấm mua đồng USD, chặn giao dịch về vàng, các kim loại khác, than và phần mềm liên quan đến công nghiệp. Ngoài ra, Mỹ cũng ngừng nhập khẩu các mặt hàng thảm và thực phẩm của Iran, chặn một số giao dịch tài chính của nước này. Hoạt động xuất khẩu dầu của Iran, nguồn thu ngoại tệ chủ lực của nước này, được dự báo cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khi vòng trừng phạt thứ 2 dự kiến bắt đầu vào tháng 11 tới, với việc Mỹ yêu cầu các nước phải dừng nhập khẩu dầu của Iran hay đối mặt với các biện pháp trừng phạt tài chính của Mỹ.
“Mỹ đang đưa ra các sức ép ngoại giao và tài chính nhằm ngăn chặn nguồn tài chính đổ vào túi của Iran. Chúng tôi cần phải có nghĩa vụ gia tăng sức ép tối đa lên chính phủ Iran. Trung tâm của chiến dịch này là tái áp đặt các biện pháp trừng phạt vào ngành ngân hàng và năng lượng. Mỹ cũng tập trung hợp tác với các nước nhập khẩu dầu của Iran, yêu cầu các nước này dừng mua dầu của Iran vào ngày 4/11 tới”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói.
Trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ, Iran và các doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại quốc gia Hồi giáo này đang chuẩn bị các biện pháp ứng phó. Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuần trước cho biết, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân là bất hợp pháp và Iran sẽ không khuất phục trước chiến dịch của Mỹ bóp nghẹt hoạt động xuất khẩu dầu của nước này.
Liệu kinh tế của Iran có đến vực thẳm?
Ngay trước ngày Mỹ tái áp đặt trừng phạt, chính phủ Iran cho biết sẽ nới lỏng các quy định về tỷ giá hối đoái nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của đồng nội tệ Riyal, đã mất một nửa giá trị kể từ tháng 4 vừa qua do lo ngại các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Trước đó, một cơ quan nhà nước đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm mua bán ngoại tệ theo các tỷ giá trôi nổi. Theo đó, cho phép các cơ quan hối đoái bán ngoại tệ theo các tỷ giá thị trường không chính thức phục vụ các mục đích như đi ra nước ngoài.
Trong một thông điệp cứng rắn gửi tới Mỹ trong bối cảnh căng thẳng leo thang, quân đội Iran xác nhận đã tiến hành tập trận rầm rộ tại vùng Vịnh nhiều ngày qua, như một biện pháp chuẩn bị đối phó những mối đe dọa tiềm tàng.
Mặc dù vòng trừng phạt thứ nhất của Mỹ chưa gây ra tác động nghiêm trọng như đợt trừng phạt vòng 2 vào tháng 11 tới, nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Iran vốn đang gặp nhiều khó khăn. Điều đáng lo ngại nhất là trước sức ép của Mỹ, Iran buộc phải phá vỡ các cam kết về phát triển vũ khí hạt nhân, gia tăng đối đầu quân sự với Mỹ, tạo ra một mối lo ngại thực sự trong khu vực cũng như trên thế giới. Khủng hoảng kinh tế của Iran cũng có thể dẫn đến dòng người tị nạn và di cư đổ vào châu Âu giống như cuộc chiến tại Syria vừa qua.
“Trong bối cảnh hiện nay, nước Mỹ đang đối mặt với nhiều vấn đề trong các mối quan hệ quốc tế, từ Trung Quốc đến các nước châu Âu cũng như Nga. Với quyết định trừng phạt Iran, Mỹ sẽ đối mặt với những thách thức mới. Chắc chắn các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ làm Iran bị tổn hại. Tuy nhiên, chính nước Mỹ cũng bị suy yếu trước quốc tế”, Edmund Ghaeeb, chuyên gia phân tích chính trị Trung Đông đánh giá tác động về biện pháp trừng phạt đối với Iran và cả Mỹ.
Nhiều doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Iran cũng bắt đầu lên kế hoạch ứng phó với các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" xảy ra đối với một số tập đoàn đang có các hợp đồng dang dở tại quốc gia Hồi giáo này và đang cố gắng đàm phán với Mỹ để giảm thiệt hại. Để đảm bảo hoạt động của mình trước biện pháp trừng phạt của Mỹ, một số tập đoàn cũng đã quyết định ngừng các hoạt động tại Iran, trong khi một số hãng dự định vẫn tiếp tục hoạt động nhưng sẽ thu hẹp lại./.
Cứu thỏa thuận hạt nhân liệu có tránh được xung đột Mỹ-Iran?