Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Reuters ngày 11/12, khi được hỏi có can thiệp vào trường hợp bắt giữ Giám đốc tài chính tập đoàn Huawei hay không, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói: “Bất cứ điều gì có lợi cho nước Mỹ, tôi sẽ làm. Nếu tôi nghĩ điều đó tốt cho thỏa thuận thương mại lớn nhất từ trước tới nay (giữa Mỹ và Trung Quốc), hay bất cứ điều gì tốt cho an ninh quốc gia, tôi chắc chắn sẽ can thiệp nếu cần thiết”.

trump_tap_cbn_vewg.jpg
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp tại Buenos Aires, Argentina ngày 1/12. Ảnh: CBS News

Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho thấy vụ bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu ở Canada có thể đóng vai trò lớn trong quá trình đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là sau cuộc gặp giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 1/12 ở Buenos Aires, Argentina. Nhiều người thậm chí cho rằng, Huawei sẽ trở thành con át chủ bài của ông Trump các cuộc đàm phán với Trung Quốc.

Sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ

Theo các nhà quan sát, đòn thuế quan của chính quyền Trump đang trở thành “vai phụ” trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Trọng tâm thực sự của cuộc chiến đang nhằm vào ngành công nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc. Hiện tại Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao. Tất nhiên, Huawei không phải là kẻ ngoài cuộc.

Huawei là tập đoàn hàng đầu Trung Quốc về điện thoại thông minh (smartphone) và viễn thông, hiện đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đưa công nghệ 5G của Trung Quốc ra thế giới. Tuy nhiên, để làm được điều này, Huawei cần các đối tác từ Mỹ. Hơn 1/3 các nhà cung cấp công nghệ cho Huawei là các công ty Mỹ. Nếu phải đối mặt với các lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ, đây chắc chắn sẽ là thảm họa đối với Huawei.

Bài học của ZTE vẫn còn nguyên giá trị khi chính ông Tập Cận Bình phải can thiệp để cứu nguy cho công ty này khỏi “án tử” bị cấm cửa với các thiết bị công nghệ cao của Mỹ.

Trung Quốc đang yếu thế?

Hãy nhìn vào phản ứng của Bắc Kinh sau vụ bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu. Dù gọi vụ việc này là vi phạm nhân quyền, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục hướng tới những cam kết đạt được trong cuộc gặp Trump-Tập ở Buenos Aires ngày 1/12.

Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh sẽ thực hiện các thỏa thuận về nông nghiệp, năng lượng và ô tô. Dù bản chất thật sự của những thỏa thuận này không được tiết lộ, nhưng Trung Quốc sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với ô tô do Mỹ sản xuất.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lục Khảng ngày 10/12 dù lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ Huawei, nhưng cũng không liên kết trực tiếp vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu với các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Ông Lục Khảng cũng nhấn mạnh Trung Quốc và Mỹ sẽ vẫn tiếp tục liên lạc chặt chẽ trong quá trình đàm phán thương mại.

Phản ứng của Trung Quốc về vụ bắt giữ bà Mạnh dường như mới chỉ dừng lại ở cấp Bộ. Lãnh đạo 2 nước chưa hề trao đổi trực tiếp về vấn đề này. Theo tiết lộ của Tổng thống Trump với Reuters ngày 11/12, ông vẫn chưa trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu. “Họ vẫn chưa gọi cho tôi. Họ có nói với các quan chức của tôi, nhưng họ vẫn chưa gọi cho tôi”, Tổng thống Trump cho biết.

Giới phân tích cả Mỹ và Trung Quốc đều cho rằng vụ bắt giữ lãnh đạo cấp cao của Huawei sẽ không làm chệch hướng các cuộc đàm phán thương mại. “Chúng ta vẫn phải tiếp tục đàm phán thương mại. Vụ bắt giữ bà Mạnh chỉ là một trường hợp cá nhân. Thương mại mới là vấn đề lớn”, ông Wu Xinbo, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Trung Quốc nhận định.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như cũng có ý muốn tập trung vào những cam kết đạt được trong cuộc gặp với Tổng thống Trump. Trung Quốc đã khá chật vật với những đòn thuế quan của Mỹ, và hậu quả có thể nhìn thấy trước nếu bị cắt nguồn cung cấp công nghệ Mỹ là lý do vô cùng hợp lý để Trung Quốc mong muốn đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Át chủ bài hay con dao hai lưỡi?

Hoàn toàn dễ hiểu khi Mỹ muốn “đánh” vào Huawei và coi đây là át chủ bài, là đòn bẩy trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Bởi Huawei là “con cưng” trong kế hoạch đầy tham vọng “Made in China 2025” của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Mỹ cũng cần phải “tỉnh táo” và thận trọng. Trung Quốc mặc dù nhìn bề ngoài có vẻ “yếu thế” hơn, nhưng không phải không có cách đáp trả.

Hiện một loạt tập đoàn Mỹ chọn Trung Quốc làm nơi đặt nhà máy sản xuất sản phẩm, lắp ráp linh  kiện, trong đó có Apple, Cisco, Dell, Ford… Tất nhiên, nếu Mỹ không muốn “buông tha” Huawei, Trung Quốc có thể sẽ đáp trả tương tự với những tập đoàn của Mỹ tại nước này./.