Ngày 13/5 tại Washington, Mỹ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh giữa Mỹ và Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), được cho là sẽ tập trung thảo luận vấn đề hạt nhân Iran và cuộc nội chiến ở Yemen. Tuy nhiên, có đến hơn một nửa lãnh đạo các nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh vắng mặt tại hội nghị lần này, trong đó có Quốc vương Salman của Saudi Arabia, nước dẫn đầu khu vực.
Trong số 6 nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh gồm Saudi Arabia, Kuwait, Qatar, Oman, Baranh và các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, chỉ có lãnh đạo Kuwait và Qatar đến Washington lần này. Các nhà phân tích và giới chức ngoại giao ở Trung Đông miêu tả việc Quốc vương Saudi Arabia quyết định không tham dự Hội nghị thượng đỉnh ngày 12/5 là một động thái thể hiện sự lạnh nhạt với chính quyền của Tổng thống Barack Obama.
Tuy nhiên, Nhà Trắng cho rằng, điều này sẽ không ảnh hưởng đến chương trình nghị sự. Thư ký báo chí của Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, chính phía Saudi Arabia đã khẳng định lý do Quốc vương thay đổi kế hoạch không liên quan đến vấn đề cốt lõi của hội nghị này mà vì ông muốn ở lại trong nước để giám sát việc thực thi lệnh ngừng bắn để tạo điều kiện cho viện trợ nhân đạo ở Yemen.
Ông cũng cho biết, Tổng thống Obama chưa nói chuyện với Quốc vương Salmansau quyết định trên nhưng hai nhà lãnh đạo sẽ có cơ hội trao đổi trước thềm hội nghị này: “Không có bất cứ mối quan ngại nào từ các đối tác Saudi Arabia bất kể là trước hay sau khi Quốc vương thay đổi kế hoạch tham dự hội nghị ở Mỹ. Tôi biết đã có những đồn đoán rằng sự thay đổi này là một nỗ lực nhằm gửi thông điệp cho Mỹ. Nếu như vậy thì chúng tôi không nhận được thông điệp đó vì tất cả những phản hồi mà chúng tôi nhận được từ Saudi Arabia đều rất tích cực”.
Hoàng thái tử Mohammed bin Nayef, người có quan hệ mật thiết với các tổ chức chính trị và an ninh của Mỹ sẽ đại diện cho phái đoàn Saudi Arabia tham dự hội nghị kéo dài 2 ngày này. Ngoài ra còn có Hoàng tử Mohammed bin Salman, Bộ trưởng Quốc phòng của Saudi Arabia. Ông Josh Earnest bày tỏ tin tưởng rằng các quan chức cấp cao đại diện cho Saudi Arabia không chỉ đưa ra quan điểm bảo vệ lợi ích của nước này mà còn được trao quyền để thực hiện những quyết sách đưa ra tại hội nghị.
Mỹ đang rất cần sự ủng hộ của các nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh đối với tiến trình đàm phán hạt nhân Iran để chứng tỏ với Quốc hội đang đầy hoài nghi rằng, thỏa thuận này cũng có thể nhận được sự đồng tình của các nước trong khu vực bất chấp sự phản đối kịch liệt của Israel. Tổng thống Obama sẽ không dễ dàng từ bỏ nỗ lực đàm phán hạt nhân với Iran bởi thỏa thuận với Tehran được kỳ vọng trở thành một trong những di sản của Tổng thống Obama trước khi kết thúc nhiệm kỳ cuối cùng của ông vào năm sau.
Về cơ bản, Quốc vương Saudi Arabia Salman ủng hộ thỏa thuận khung mà Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) đạt được hồi tháng trước. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng thỏa thuận này phải đảm bảo không gây ra bất cứ mối đe dọa nào với các nước láng giềng của Iran.
Thực tế, Saudi Arabia lo ngại rằng, sau khi đạt được thỏa thuận với các cường quốc và được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, Iran sẽ tài trợ mạnh mẽ hơn cho những cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng với Saudi Arabia ở khắp Trung Đông. Cụ thể, Saudi Arabia cáo buộc, Iran đang hỗ trợ phiến quân ở Lebanon, Syria, Iraq và Yemen, làm suy yếu các chính phủ trong khu vực để gây bất ổn, đẩy căng thẳng leo thang và làm nảy sinh nhiều phần tử thánh chiến dòng Hồi giáo Sunni.
Chính quyền Mỹ đã phải tìm cách xoa dịu các đồng minh Arab với việc nhắc đi nhắc lại những cam kết kiểm soát chặt chẽ hoạt động hạt nhân của Iran. Cùng với đó, Washington cũng cung cấp vũ khí mới cho các nước vùng vịnh Arab, thậm chí ủng hộ liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu không kích Yemen để chống lại phiến quân Houthi được cho là đang nhận sự hậu thuẫn của Iran, bất chấp việc chiến dịch này gây một số tai tiếng vì để nhiều dân thường thương vong.
Trong bối cảnh đàm phán hạt nhân Iran diễn ra chậm chạp, nội chiến ở Yemen, phiến quân Hồi giáo tự xưng (IS) hoành hành ở Iraq và Syria, hội nghị thượng đỉnh lần này đáng lẽ phải là thời điểm hoàn hảo để Mỹ và các nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh thảo luận về các vấn đề khu vực. Nhưng sự vắng mặt của 4 lãnh đạo cấp cao nhất trong tổng số 6 nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh đã dội một gáo nước lạnh vào những kỳ vọng về kết quả của hội nghị./.