Sau gần 1 tháng họp bàn và thảo luận, với sự tham gia của đại diện của 193 nước thành viên LHQ, Hội nghị Liên Hợp Quốc về Hiệp ước buôn bán vũ khí đã kết thúc cuối tuần qua mà không đạt được một thỏa thuận nào.

Như vậy, một Hiệp ước được kỳ vọng sẽ có hiệu lực pháp lý mạnh mẽ trên toàn cầu đã không thể thống nhất. Trong bối cảnh bạo lực và xung đột diễn ra ngày càng mạnh mẽ, hơn bao giờ hết, sự thất bại này khiến người ta đặc biệt lo ngại cho nền hòa bình thế giới đang rất mong manh.        

vu-khi.jpg
Diễn ra trong bối cảnh bạo lực, xung đột càng càng leo thang tại nhiều nơi trên thế giới như Syria, Iraq, Mali hay Sudan, Hội nghị LHQ về buôn bán vũ khí được xem là sáng kiến quan trọng nhất về điều chỉnh buôn bán vũ khí thông thường trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc, đây cũng được kỳ vọng là cơ hội để các nước trên toàn cầu cùng thống nhất đưa ra các hành động hiệu quả ngăn chặn các hoạt động mua bán súng đạn phi pháp và tuồn vào các khu vực xung đột.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng nhấn mạnh: Hiệp ước buôn bán vũ khí là một sân chơi bình đẳng đối với các bên tham gia vận chuyển vũ khí quốc tế, qua đó mang lại lợi ích và an ninh cho toàn thế giới. Với mục đích như vậy, Hội nghị dường như đã thu hút sự chú ý và nóng ngay từ những ngày đầu khai mạc.

Thế nhưng, như người ta đã thấy, cái nóng của Hội nghị xuất phát chính lại từ nguyên nhân khác. Đó là sự bất đồng giữa các quốc gia có liên quan đến lợi ích của từng nước đã hiện hữu ngay từ những ngày họp đầu tiên.

Tại Hội nghị, đại diện của Mỹ - nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm gần 50% doanh số vũ khí thông thường của thế giới, đã bày tỏ mong muốn Hiệp ước sẽ không bao gồm những hạn chế về các thương vụ mua bán đạn dược. Trong khi đó, đại diện Trung Quốc lại đề xuất loại trừ danh mục các vũ khí loại nhỏ ra khỏi Hiệp ước. Bởi đây là một trong những hàng hóa chủ yếu mà nước này xuất khẩu sang các nước đang phát triển.

Nhìn vào các con số thực tế mới thấy sự “khủng khiếp” mà buôn bán vũ khí mang lại cho các ông lớn. Một con số chung nhất là gần 2 tỷ USD đã được chi ra mỗi ngày chỉ dành riêng cho việc mua bán súng đạn. Trong đó, Mỹ, Nga, Anh, Italy, Đức, Thụy Điển luôn nằm trong các quốc gia xuất khẩu nhiều vũ khí nhất thế giới. Cho nên, mặc dù tại Hội nghị, các nước như Anh, Pháp, Đức và Thụy Điển đã đưa ra lời kêu gọi các nước thành viên LHQ “nỗ lực kiên quyết” để quản lý hoạt động mua bán vũ khí theo các qui định quốc tế, nhưng rõ ràng, đó chỉ là lời kêu gọi mà thôi.

Thực tế là các nước trên và tất cả các đại diện còn lại tham gia Hội nghị đã không thể cùng đưa ra một giải pháp chung khả thi nào. Những điều này thậm chí đã được dự đoán ngay khi nó chưa diễn ra, với những cuộc gặp trù bị cũng đã gặp thất bại.

Bên cạnh đó, văn bản dự thảo của Hội nghị sau khi kết thúc cũng thể hiện quá nhiều kẽ hở pháp lý để có thể hình thành một Hiệp ước buôn bán vũ khí có tính khả thi và có hiệu lực cao. Ví dụ như vấn đề các loại đạn dược chưa được đề cập, hay những quy định về việc thẩm định rủi ro mà các nước cần thực hiện trước khi cấp phép cho việc buôn bán vũ khí...

Với những kết quả rất hạn chế như vậy, rõ ràng, Hội nghị Liên Hợp Quốc về buôn bán vũ khí đã chưa thể tìm được một tiếng nói chung, bởi lợi ích thiệt - hơn của các nước tham gia đàm phán vẫn còn là bài toán khó giải.

Thời gian tới, quá trình đi tìm tiếng nói chung ấy vẫn còn vô cùng gian nan. Một khi dòng chảy buôn bán vũ khí, đạn dược chưa thể kiểm soát, con số 75.000 người chết do xung đột và bạo lực mỗi năm mà tổ chức “Kiểm soát vũ khí” đưa ra có lẽ sẽ phải tăng lên theo cấp số nhân.

Bên cạnh đó, với hàng nghìn tỷ USD chi cho quốc phòng mỗi năm, trong đó, quốc gia đứng ra trao giải Nobel Hòa bình Nauy vẫn đứng thứ 14 về nhập khẩu vũ khí, Hy Lạp với nguy cơ vỡ nợ nhiều năm nay cũng đứng thứ 8 về nhập khẩu vũ khí, tình trạng nghèo khổ, đói khát, ốm đau… của hàng trăm triệu người trên toàn thế giới sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Có thể thấy rằng, vũ khí là tác nhân chính làm cho các cuộc xung đột, bạo loạn trên toàn cầu trở nên nóng bỏng và nguy hiểm hơn rất nhiều. Rõ ràng, một Hiệp ước chung nhằm đưa ra những qui định pháp lý chung để kiểm soát và hạn chế việc mua bán hợp pháp cũng như bất hợp pháp là điều vô cùng quan trọng. Thế nhưng, một khi “mỏ lợi nhuận vũ khí” không được chia đều thì một Hiệp ước chung như thế vẫn chỉ là một ảo tưởng, khó lòng đạt được trong một sớm một chiều./.