Sự việc này không chỉ gây tổn hại mối quan hệ đồng minh giữa Anh và Mỹ mà còn dẫn đến việc Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch phải tuyên bố từ chức. Vụ việc đã gây chia rẽ mạnh mẽ trên chính trường Anh, nhất là giữa 2 ứng cử viên cuối cùng trong cuộc đua trở thành Thủ tướng Anh tương lai - Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt và cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson.
Vụ rò rỉ điện tín ngoại giao gây chia rẽ mạnh mẽ trên chính trường Anh, nhất là giữa 2 ứng viên cuối cùng trong cuộc đua trở thành Thủ tướng. Ảnh: Reuters |
Trong một tuyên bố đưa ra hôm qua, cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson – người có triển vọng sẽ trở thành Thủ tướng Anh tương lai đã kịch liệt chỉ trích ông Kim Darroch. Ông Johnson cũng từ chối ủng hộ Đại sứ Anh tại Mỹ trong cuộc tranh cãi ngoại giao này giữa Anh với Mỹ.
“Tôi đã nghe được thông tin là ông Kim Darroch từ chức. Tôi lấy làm tiếc về quyết định này bởi ông ấy là nhà ngoại giao lớn của Anh. Tôi đã làm việc với ông ấy trong nhiều năm. Tuy nhiên tôi cho rằng, bất cứ ai làm rò rỉ các tài liệu mật đều làm mất uy tín của những người làm công bộc cho dân, nhất là khi người ấy giữ vai trò cố vấn cho các Bộ trưởng.”
Trái với phản ứng của ông Johnson, Ngoại trưởng Anh Jeremy Huntđã nói rằng, các chính trị gia Anh cần bảo vệ các nhà ngoại giao trong nước khi họ phải hứng chịu những lời chỉ trích từ chính phủ của nước sở tại.
“Tôi cho rằng, điều cần thiết khi các nhà ngoại giao của chúng ta thực hiện vai trò của họ ở nước ngoài, đó là chúng ta cần bảo vệ họ bởi sau Mỹ và Trung Quốc, chúng ta có mạng lưới ngoại giao lớn thứ 3 trên thế giới. Điều quan trọng đối với nước Anh cũng như để bảo vệ các giá trị mà nước Anh ủng hộ như tự do báo chí, trong tình huống mà Đại sứ Darroch đang gặp phải, chúng ta cần bảo vệ ông ấy.”
Cùng quan điểm với Ngoại trưởng Anh, phát biểu tại một phiên họp Quốc hội Anh hôm qua (10/7), Thủ tướng Anh Theresa May đã lấy làm tiếc về quyết định từ chức của ông Darroch. Theo bà May, các quan chức cần có quyền đưa ra những lời khuyên đầy đủ và thẳng thắn.
Đại sứ Darroch là một trong những nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm nhất của Anh. Ông từng làm Cố vấn An ninh quốc gia cho cựu Thủ tướng Anh David Cameron và là đại diện hàng đầu của Anh tại Liên minh châu Âu. Ông đảm nhiệm chức Đại sứ Anh tại Mỹ từ tháng 1/2016, trước khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và được đánh giá cao sau chuyến công du của Tổng thống Trump tới Anh hồi tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên, vụ rò rỉ đã khiến Tổng thống Mỹ tức giận, trong khi chính phủ Anh thì bối rối. Các quan chức Anh đã tỏ ra lúng túng trước sự cố trên, đồng thời tìm cách kiểm soát căng thẳng trong mối quan hệ với Mỹ./.
Anh tranh cãi về vụ rò rỉ báo cáo “nói xấu” Tổng thống Trump