Động thái này cho thấy, cả hai bên đều biết đối đầu không chỉ mang lại tổn hại cho lợi ích của chính hai quốc gia mà còn đi ngược lại mong muốn của người dân hai miền Triều Tiên. Tuy nhiên, sẽ không dễ dàng để tạo bước đột phá trong quan hệ liên Triều nếu cả hai bên không xây dựng được lòng tin lẫn nhau.
Cuộc gặp này được thực hiện khi cả Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đều chính thức đưa ra những tín hiệu nhượng bộ lẫn nhau. Đặc biệt, ngày 1/3, trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 90 năm ngày người dân CHDCND Triều Tiên nổi dậy chống thực dân Nhật, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak cũng đã khẳng định "để thực sự hòa giải và hợp tác, miền Bắc và Nam Triều Tiên phải giải quyết những vấn đề tồn đọng thông qua đối thoại". Theo đánh giá từ phía Hàn Quốc, đây là dấu hiệu tốt để cải thiện mối quan hệ liên Triều.
Không quá khó hiểu khi mà CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc đều đã vượt qua chính mình để có thể đi đến đàm phán cùng nhau, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi những diễn biến gần đây trên bán đảo Triều Tiên đang gặp nhiều bế tắc: từ việc CHDCND Triều Tiên cắt đứt thoả thuận ngừng bắn với Hàn Quốc, rút khỏi vòng đàm phán 6 bên đến việc nối lại chương trình hạt nhân bất chấp lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế.
Trước sức ép của cộng đồng quốc tế xung quanh các vụ thử tên lửa gần đây, đặc biệt là sự bao vây cấm vận của Mỹ, việc ngừng các nguồn viện trợ của Hàn Quốc, Nhật Bản, nền kinh tế CHDCND Triều Tiên đang trở nên khó khăn. Trong bối cảnh đó, Bình Nhưỡng cần tìm lại sự hậu thuẫn của Hàn Quốc, ít nhất là về kinh tế để giúp nước này thoát khỏi khủng hoảng lương thực hiện nay.
Trong khi đó, Hàn Quốc cũng sẽ được hưởng lợi không ít khi hoà giải được với CHDCND Triều Tiên. Nếu như vấn đề cốt lõi của giải pháp cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là quan hệ giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên thì những gì xảy ra sau đó lại cho thấy mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên mới là nhân tố quyết định. Đã đến lúc, Hàn Quốc muốn có phần mình trong mọi khả năng giải pháp nhưng lại không muốn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc đối đầu giữa Mỹ, Nhật Bản và CHDCND Triều Tiên.
Tuy nhiên, sẽ không thể dễ dàng thực hiện được điều này khi mà giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên vẫn tồn tại những nghi kỵ lẫn nhau. Việc tìm lời giải cho bài toán hoà giải hai miền triều tiên trở nên khó khăn hơn khi cả Bình Nhưỡng và Seoul không ai nhường ai. Chính vì vậy, theo các nhà phân tích, để quan hệ liên Triều thực sự được hoà giải, Hàn Quốc và Phương tây cần phải có chính sách mềm dẻo hơn đối với CHDCND Triều Tiên. Bởi nếu sử dụng biện pháp mạnh cũng đồng nghĩ Bình Nhưỡng sẽ tẩy chay vĩnh viễn các cuộc đàm phán về hạt nhân và cơ hội hoà giải giữa hai miền Triên Tiên sẽ không có điểm đích./.