taliban1.jpg
Thủ lĩnh Taliban Hakimullah Mehsud (Ảnh: AFP)
Quan hệ giữa Mỹ và Pakistan đang có dấu hiệu căng thẳng trở lại sau vụ không kích mới đây của Mỹ tại Pakistan khiến thủ lĩnh của Taliban là Hakimullah Mehsud thiệt mạng. Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Chaudhry Nisar Ali Khan ngày 2/11 tuyên bố sẽ xem xét lại mối quan hệ với Mỹ. Bộ Ngoại giao Pakistan hôm 2/11 đã triệu đại sứ Mỹ Richard Olson tới để phản đối về vụ không kích của Mỹ tại Pakistan.Thủ lĩnh Taliban Hakimullah Mehsud đã bị tiêu diệt trong vụ không kích do Mỹ thực hiện tối 1/11 tại khu vực bộ tộc Bắc Waziristan, phía Tây Bắc Pakistan. Sau cái chết của Hakimullah Mehsud, phiến quân Taliban tuyên bố sẽ tiến hành một lọat vụ đánh bom liều chết để báo thù cho cái chết của viên thủ lĩnh này.Sở dĩ vụ không kích giết chết Hakimullah Mehsud vấp phải phản ứng gay gắt từ phía Pakistan bởi chính phủ Pakistan cho rằng vụ việc làm phương hại nghiêm trọng đến tiến trình hòa bình mới được nhen nhóm giữa chính phủ Pakistan và lực lượng Taliban.Theo các nhà phân tích, vụ không kích lần này dường như “lợi bất cập hại” bởi nó không chỉ đẩy mối quan hệ Mỹ - Pakistan xuống một vực sâu mới mà còn “chọc giận” tổ chức Taliban khiến tình hình khu vực có thể còn bất ổn hơn trước.
Chương trình nghe lén của NSA đang đẩy Mỹ vào trung tâm "cơn bão" ngoại giao (Ảnh: AFP)
Tuần qua, dự luận tiếp tục nóng lên với những bê bối nghe lén của Mỹ tiếp tục được công bố. Những chỉ trích đối với Mỹ càng trở nên gay gắt hơn khi những thông tin do cựu điệp viên Edward Snowden tiết lộ nói rằng, tình báo Australia - thông qua các Đại sứ quán ở thủ đô nhiều nước châu Á hợp tác với Mỹ theo dõi các nước châu Á-Thái Bình Dương.Ngày 31/10, Trung Quốc đã đề nghị Mỹ đưa ra lời giải thích về việc các Đại sứ quán của Australia, kể cả tại thủ đô Bắc Kinh, đang bị lợi dụng để phục vụ một chương trình gián điệp do Washington đứng đầu.Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cùng ngày cũng lên tiếng phản đối và cho rằng, việc Washington theo dõi các cuộc gọi điện thoại và mạng lưới thông tin liên lạc từ Đại sứ quán Mỹ tại Jakarta là không thể chấp nhận được.Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Ahmad Zahid Hamidi nói rằng, chính phủ nước này coi những cáo buộc nêu trên là vấn đề nghiêm trọng và sẽ điều tra xem liệu Đại sứ quán Mỹ ở Kuala Lumpur có bị sử dụng để do thám hay không.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 1/11 đã thừa nhận rằng các hoạt động do thám của Mỹ đã đi “quá xa” sau khi Wasshington phải hứng chịu những lời chỉ trích gay gắt từ nhiều quốc gia về các hoạt động này, đặc biệt là các đồng minh châu Âu.Washington đã cam kết sẽ xem xét lại các hoạt động do thám, như một phần của các nỗ lực nhằm kiểm soát hậu quả của các hậu quả này. Tuy nhiên, nhiều quốc gia cho rằng Mỹ có thể sẽ vẫn tiếp tục các hoạt động do thám của mình.
Các tàu chiến của Nhật Bản gần Nagasaki (Ảnh: Telegraph)
Quan hệ Nhật - Trung tiếp tục có dấu hiệu xấu đi khi liên tiếp trong thời gian gần đây, cả hai bên đều có những tuyên bố cứng rắn về tranh chấp lãnh thổ đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Ngày 1/11, Nhật Bản bắt đầu cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn với 34.000 quân, tàu khu trục, máy bay chiến đấu, nhằm biểu dương sức mạnh và quyết tâm bảo vệ lãnh thổ. Cuộc tập trận kéo dài hai tuần có khoa mục đổ bộ, tái chiếm một hòn đảo xa xôi không người ở bị quân địch chiếm giữ trái phép. Trong khi đó, hải quân Trung Quốc đang thực hiện cuộc diễn tập nhiều tuần ở tây Thái Bình Dương với sự tham gia của cả 3 hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải.Trung Quốc và Nhật Bản liên tiếp lời qua tiếng lại theo kiểu ăn miếng trả miếng. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera ngày 29/10 chỉ trích cách hành xử của Trung Quốc ở biển Hoa Đông gây tổn hại cho hòa bình khu vực. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinhtuyên bố nếu Nhật Bản bắn hạ máy bay không người lái của Trung Quốc thì đó là “hành động chiến tranh”. Mặc dù phát biểu của đôi bên đều "căng thẳng”, những nhiều chuyên gia tin rằng, tranh chấp sẽ khó bùng phát thành xung đột quân sự. Bắc Kinh và Tokyo đều hiểu rõ cái giá rất đắt của xung đột quân sự. Nếu xảy ra xung đột thì nền kinh tế Nhật Bản vừa gượng dậy sau suy thoái kéo dài sẽ tụt dốc không phanh. Trong khi đó, công cuộc chấn hưng dân tộc và giấc mơ siêu cường của Trung Quốc sẽ tan biến.
Quan chức Ngoại giao, Quốc phòng Nga - Nhật Bản trước khi tiến hành cuộc hội đàm ở Tokyo ngày 2/11 (Ảnh: AP)
Trong khi quan hệ với Trung Quốc xấu đi thì quan hệ giữa Nhật Bản và Nga lại có dấu hiệu được cải thiện. Ngày 1/11 hai nước đã có cuộc thảo luận quốc phòng đầu tiên trong 10 năm qua, theo đó hướng tới bình thường hóa quan hệ sau gần 70 năm lạnh  nhạt.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera ngày 1/11 đã hội đàm tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản, trước thềm cuộc gặp “2+2” giữa 2 nước.Tại vòng hội đàm ngoại giao và quốc phòng cấp cao đầu tiên tại Tokyo ngày 2/11, hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác giữa quân đội 2 nước trong bối cảnh còn nhiều quan ngại về an ninh tại khu vực.Kết thúc hội đàm, hai bên ra tuyên bố, quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Nga và Nhật Bản nhằm hưởng tới hòa bình, ổn định tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và không ảnh hưởng đến các liên minh hiện có.Cuộc hội đàm về ngoại giao-quốc phòng lần này được đánh giá là cột mốc đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ Nga - Nhật.

Thủ tướng Iraq Maliki (trái) trong cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Obama (Ảnh: Reuters)
Ngày 1/11, Thủ tướng Iraq Maliki trong chuyến thăm Mỹ đã kêu gọi hỗ trợ quân sự để đối phó với bạo lực tại Iraq. Ông cũng đưa ra một danh sách mới các loại vũ khí, trong đó gồm cả các máy bay trực thăng chiến đấu, nhằm đề nghị Mỹ cung cấp để giúp lực lượng vũ trang Iraq nâng cao sức mạnh trong cuộc chiến chống lại các nhóm vũ trang nổi dậy, trong đó có các phần tử thuộc nhóm khủng bố al-Qaeda.Thủ tướng Maliki nhấn mạnh, làn sóng bạo lực sắc tộc đang bùng phát tại Iraq, trong khi mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda và nhiều nhóm nổi dậy khác đang mở rộng thêm các chân rết trong khắp khu vực.Về phần mình, Tổng thống Mỹ Obama một lần nữa yêu cầu Iraq phải nỗ lực hơn nữa để chấm dứt việc cho phép Iran chuyên chở vũ khí cung cấp cho quân đội của Tổng thống Syria Syria Bashar al-Assad. Tổng thống Obama cũng cho biết, Mỹ muốn giúp Irắc loại bỏ bạo lực và trở thành đất nước hội nhập, thịnh vượng.

Iraq đang chứng kiến làn sóng bạo lực tồi tệ nhất trong 5 năm qua. Những vụ tấn công đẫm máu xảy ra gần như mỗi ngày đẩy Iraq trở lại thời kỳ bạo lực kinh hoàng những năm 2006-2007. Nhiều chuyên gia lo ngại Iraq sẽ lại một lần nữa có nguy cơ rơi vào cuộc nội chiến mới.

Hai nhà lãnh đạo Iran và Mỹ  (Ảnh Fox News)
Một dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa Mỹ và Iran có thể được cải thiệntrong thời gian tới là thủ đô Tehran của Iran đã gỡ bỏ các tấm poster có nội dung chống Mỹ trên các đường phố. Hành động tuy nhỏ nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt khi một lần nữa cho thấy thiện chí của Iran muốn khép lại những căng thẳng kéo dài suốt 3 thập kỷ qua giữa Iran và phương Tây, đặc biệt là với Mỹ.Mối quan hệ giữa hai bên chỉ thực sự được cải thiện thời gian gần đây, kể từ khi Iran có Tổng thống mới, một người theo đường lối ôn hòa. Chính quyền mới của Iran đã thể hiện quyết tâm theo đuổi chính sách ngoại giao mềm mỏng nhằm xoa dịu căng thẳng với Mỹ và phương Tây, trong nỗ lực thoát khỏi các lệnh trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.Vòng đàm phán mới đây nhất giữa Iran và nhóm P5+1 diễn ra ngày 15 và 16/10 vừa qua được các bên đánh giá là tích cực. Vòng đàm phán tiếp theo dự kiến diễn ra trong 2 ngày 7-8/11 tới tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ.
Vụ khủng bố diễn ra ngay tại trung tâm thủ đô Bắc Kinh (Ảnh: Weibo)
Ngày 28/10, ít nhất 5 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương khi một chiếc ôtô đâm vào những người đi bộ tại quảng trường Thiên An Môn.Ngày 31/10, chính phủ Trung Quốc đã thông báo vụ đâm ô tô tại quảng trường Thiên An Môn ngày 28/10 là “vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng”.Trung Quốc cũng cáo buộc phong trào Hồi giáo Đông Turkmenistan đứng đằng sau vụ khủng bố ở quảng trường Thiên An Môn.Hiện an ninh tại quảng trường Thiên An Môn nói riêng và toàn thành phố Bắc Kinh nói chung vẫn đang được tăng cường. Vụ khủng bố xảy ra ngay tại quảng trường Thiên An Môn-nơi được coi là trung tâm đầu não của Trung Quốc khiến giới chức Bắc Kinh hết sức lo ngại, cho thấy công tác phòng chống khủng bố của Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều thách thức./.