Phát biểu trước Hạ viện Bỉ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker bày tỏ thất vọng khi thấy một trong những chủ thể chính của châu Âu rời bỏ liên minh. Ông nhấn mạnh trước các nghị sĩ Bỉ rằng Brexit là một cuộc khủng hoảng liên lụy đến tất cả châu Âu.
Ông Juncker một lần nữa nhắc lại với Anh rằng để có thể tiếp tục hưởng các lợi ích từ thị trường nội địa của EU, nước này phải tôn trọng "bốn tự do" là tự do hàng hóa, đi lại, luân chuyển vốn và dịch vụ:
Chủ tịch nói: “Đó sẽ là một cuộc đàm phán khó khăn, có thể mất tới 2 năm để tìm được tiếng nói chung về các điều khoản khi Anh rời EU và để nhất trí về mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU, chúng ta cũng sẽ cần tới nhiều năm. Người Anh cần phải biết rằng sẽ không có chuyện họ không phải trả giá. Anh sẽ phải tôn trọng cam kết mà họ có liên quan. Vì thế, họ sẽ phải trả một cái giá đắt, thậm chí là rất đắt”.
Theo nhiều nguồn tin, EU có thể yêu cầu Anh một khoản chi phí lên tới 60 tỉ euro cho việc rời khỏi khối này, tương đương với mức mà Anh đã cam kết đóng góp cho ngân sách của EU. Tuy nhiên, đến nay EC vẫn từ chối khẳng định về một con số cụ thể.
Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Juncker, EU giải quyết vụ việc này không phải với “trái tim hận thù” mà trên cơ sở nhận thức rõ ràng rằng lục địa đã nợ nước Anh rất nhiều.
Không có cố Thủ tướng Anh Winston Churchill, châu Âu sẽ không được như ngày hôm nay và không ai được quên điều đó. Tuy nhiên người châu Âu cũng không thể tỏ ra ngây thơ trước sự kiện Brexit. Những người bạn Anh phải hiểu rằng Liên minh châu Âu mong muốn tiếp tục phát triển công cuộc hội nhập tại châu Âu.EU: Các cuộc đàm phán Brexit có thể kéo dài hơn 2 năm
Tuyên bố của Chủ tịch EC đưa ra trong bối cảnh, trước đó 1 ngày, Thượng viện Anh đã bắt đầu xem xét dự luật về khởi động Brexit, vốn được thủ tướng Anh Theresa May mong muốn kích hoạt trước cuối tháng 3 tới.
Trước đó, đầu tháng này, dự luật đã được Hạ viện thông qua với số phiếu thuận áp đảo. Tuy nhiên, lộ trình thông qua của dự luật Brexit tại Thượng viện có thể sẽ không trơn tru như của đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May mong muốn. Thượng viện nhiều khả năng muốn có những chỉnh sửa cụ thể trong dự luật, trong khi đảng Bảo thủ của bà May lại không chiếm đa số ghế trong Thượng viện.
Lãnh đạo phe đối lập tại Thượng viện, bà Baroness Smith thuộc Công đảng cho biết: “Chúng tôi sẽ không cố ngăn chặn dự luật này. Cho dù quan điểm cá nhân của chúng tôi, sự bất mãn, và lo ngại lớn trước tương lại, thì đây không phải là vai trò của Thượng viện. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã nói rằng, không nên để cho chính phủ có toàn quyền quyết định. Sẽ là vô trách nhiệm khi để chính phủ có toàn quyền đàm phán về tương lai của đất nước mà không có sự tham gia của Quốc hội. Nếu chủ quyền là điều quan trọng, thì nó phải đồng nghĩa với trách nhiệm của Quốc hội”.
Hiện các thượng nghị sĩ Anh đang đề xuất những thay đổi với dự luật, kể cả những biện pháp nhằm bảo đảm quyền lợi cho các công dân EU ở Anh và xác định cách thức Quốc hội sẽ bỏ phiếu cho thỏa thuận Brexit cuối cùng trước khi bước vào đàm phán.
Các phiên thảo luận tại Thượng viện sẽ tiếp tục kéo dài trong tuần tới và phiên thảo luận cuối cùng về dự luật dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 7/3. Nếu Thượng viện bỏ phiếu thuận cho những yêu cầu chỉnh sửa nội dung dự luật, Hạ viện sẽ tiếp tục bàn bạc thêm. Nếu tình huống này xảy ra, không khó để hình dung về quá trình phức tạp và lâu dài của việc thông qua dự luật với chính phủ của bà Theresa May./.