Ngày 1/4, các tay súng nổi dậy đã bắt đầu rời khỏi thị trấn Douma, thành trì cuối cùng ở "điểm nóng" Đông Ghouta, gần thủ đô Damascus của Syria. Cùng ngày, truyền thông nhà nước Syria thông báo nhóm nổi dậy chính Jaish al Islam đang kiểm soát Douma đã đạt được thỏa thuận sơ tán do Nga làm trung gian.

syria1_mdkc.jpg
Tổng thống Nga Putin (giữa) trong một chuyến thăm tới Syria. Ảnh: Reuters.

Thỏa thuận sơ tán các tay súng nổi dậy khỏi Douma đạt được sau nhiều ngày đàm phán để chấm dứt tình trạng đổ máu tại đây. Theo thỏa thuận, các tay súng của Jaish al-Islam cùng thân nhân và dân thường sẽ được sơ tán đến các khu vực quân nổi dậy chiếm giữ tại tỉnh Aleppo, miền Bắc Syria. Lực lượng quân cảnh của Nga sẽ tiến vào thị trấn Douma, trong khi chính quyền Syria sẽ quay lại khu vực trên.

Thỏa thuận còn bao gồm việc thiết lập một hội đồng địa phương được Chính phủ Syria chấp thuận ở Douma. Hội đồng này sẽ hoạt động sau khi phiến quân rút khỏi.

Trước đó, hai thỏa thuận tương tự cũng đã đạt được tại hai vùng khác của Đông Ghouta với hơn 45.000 người được sơ tán đến tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria.

Hôm 31/3, quân đội Syria tuyên bố đã giải phóng hoàn toàn khu vực Đông Ghouta ở ngoại vi thủ đô Damascus. Đây được coi là thắng lợi lớn nhất của Syria trước khủng bố kể từ khi giành lại quyền kiểm soát Aleppo năm 2016.

Đã đến lúc Mỹ và phương Tây phải chấp nhận ông Assad?

Lực lượng thường được phương Tây mô tả như là phe đối lập vũ trang chính thống ở Syria đã bị vắt kiệt hy vọng sau đòn tấn công toàn diện của lực lượng Chính phủ với sự hậu thuẫn của Nga và Iran. Trong khi phe nổi dậy vẫn kiểm soát các khu vực thuộc tỉnh Idlib ở phía Tây Bắc, tỉnh Daraa ở miền Nam và một số vùng nông thôn thì dường như tham vọng của họ lật đổ chế độ của Tổng thống Assad đã không còn là viễn cảnh có thể xảy ra.

Phải hứng chịu đòn đánh dồn dập từ phía lực lượng của ông Assad trong hơn 5 tuần trở lại đây, phe nổi dậy không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ bên ngoài. Họ chỉ có hai lựa chọn: hoặc là giơ tay xin hàng vô điều kiện để đổi lấy việc được phép di chuyển về phía bắc hoặc chết vì bom đạn và thiếu lương thực.

Với tình hình hiện tại ở Syria, Mỹ chỉ có thể cay đắng thừa nhận rằng chính sách của họ phải dựa trên một thực tế là ông Assad tiếp tục cầm quyền trong nhiều năm tới. Đây rõ ràng không phải là kịch bản mà Washington mong muốn nhưng chính quyền của ông Trump cũng chẳng có nhiều lựa chọn.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hồi đầu năm nay, khi còn đương chức từng phác thảo chính sách của Mỹ ở Syria, trong đó một phần của chính sách này bao gồm việc sử dụng sự hiện diện của quân đội Mỹ để làm đòn bẩy, hướng tới một tiến trình chính trị. Tuy nhiên, chính sách này đã đổ bể với những gì diễn ra trên thực địa.

Giới phân tích cho rằng, sở dĩ chính sách Syria của Mỹ thất bại vì không có một quá trình ngoại giao nghiêm túc, mang tính xây dựng để thúc đẩy những gì đã được hoạch định. Trong khi đó, sẽ là điên rồ khi hy vọng Tổng thống Assad chấp nhận đàm phán và có những nhượng bộ về tương lai chính trị của mình khi lực lượng của ông đang có bước tiến mạnh mẽ trên chiến trường.

Ai là người chiến thắng trong cuộc chiến ở Syria?

Sau 7 năm xung đột, con số thương vong ở Syria vẫn tiếp tục tăng lên, thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần của người dân nước này khó có thể đong đếm. Theo ước tính gần đây của Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), 5 triệu người dân Syria đã phải rời bỏ đất nước đi lánh nạn, hàng trăm nghìn người thiệt mạng vì chiến tranh.

Ông Alexey Khlebnikov thuộc Hội đồng các vấn đề Quốc tế Nga nói rằng, sự can thiệp của Nga đã thành công trong mục tiêu hỗ trợ chế độ của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad và "loại bỏ những kẻ khủng bố được ủy nhiệm”.

Theo các quan chức quân đội Nga, kể từ khi Moscow chính thức can dự vào tình hình Syria, họ đã giúp Chính phủ nước này giành lại khoảng 85% lãnh thổ bị các nhóm đối lập chiếm giữ.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) và Tổ chức Ân xá Thế giới cho rằng, tất cả các bên trong cuộc xung đột Syria đều có những hành động vi phạm nhân quyền nhưng Chính phủ Syria phải chịu phần lớn trách nhiệm.

Khi được hỏi liệu có phải Chính quyền của Tổng thống Syria đang đi đến chiến thắng hay không, phóng viên chiến trường ở Syria, ông Rami Jarrah nhận định: “Tôi nghĩ chúng ta sẽ không có người chiến thắng nếu đi tìm ai đó đáp ứng được nguyện vọng của người dân Syria”.

Bà Karlin, người từng là quan chức cấp cao tại Lầu Năm Góc dưới thời Tổng thống Obama cáo buộc: “Quân đội Nga đã cố sử dụng Syria như chiến trường chiến thuật và triển khai các hoạt động kiểm tra vũ khí của họ ở đó”.

Tuy nhiên, ông Khlebnikov kịch liệt bác bỏ cáo buộc này. “Kể từ khi Nga can thiệp quân sự vào Syria cũng đồng thời bắt đầu tiến trình hòa giải ở nước này”, ông Khlebnikov nói và dẫn chứng những cuộc đàm phán được tổ chức ở thủ đô Astana của Kazakhstan.

Nhìn chung, thế giới vẫn luôn tồn tại những bất công và bất đồng. Việc đổ lỗi hoàn toàn về “mớ hỗn độn” ở Syria cho Nga trong khi vẫn bảo lưu quyền được lựa chọn tấn công các nhóm khủng bố khác nhau bị Mỹ cáo buộc là đe dọa đến lợi ích của nước này có lẽ là cách tốt nhất mà chính quyền của ông Trump có thể lựa chọn và vì thế, những tranh cãi liên quan đến cuộc chiến ở Syria vẫn sẽ là một câu chuyện dài./.