Có 2 con đường địa chính trị mà Tổng thốngđắc cửMỹ Donald Trump có thể đi sau khi nhậm chức: Thúc đẩy căng thẳng giữa phương Tây, Nga và Trung Quốc hoặc lựa chọn con đường êm ái hơn nhiều – một thế giới đa cực không có đế chế nào.

donald_trump_1_pdok.jpg
Ông Donald Trump tại một sự kiện ở Manchester, bang New Hampshire, Mỹ vào tháng 2/2016. Ảnh: AFP.

Nhận định trên do tác giả người Pháp sống ở Mỹ Gilbert Mercier nói với hãng tin Sputnik của Nga mới đây.

Nhà báo Mercier đã chia sẻ với Sputnik về chiến thắng ngỡ ngàng của ông Trump, lời hứa của ông điều tra bà Hillary Clinton cũng như cáo buộc về sự dính líu của George Soros trong các cuộc biểu tình chống Trump.

Có vô vàn câu hỏi về nhân vật Donald Trump, một trong số đó là sau khi nhậm chức, ông sẽ thực hiện những động thái đầu tiên nào trên trường quốc tế.

Ông Mercier, đồng thời là Tổng biên tập của tờ News Junkie Post, phỏng đoán những động thái đó sẽ là các cuộc gặp trực tiếp với các lãnh đạo thế giới để giảm căng thẳng hiện nay trong quan hệ giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Nhà báo gốc Pháp nhấn mạnh: “Chương trình nghị sự của ông ấy cần có một nỗ lực ngoại giao nhằm làm giảm bớt nỗi lo sợ thế giới đang bên bờ vực của Thế chiến thứ 3. Việc đối thoại có thể diễn ra trong khuôn khổ một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt G20 chẳng hạn. Tổng thống đắc cử Trump là người ngoại đạo, nên ông ấy có điều kiện thuận lợi để tư duy và hành động sáng tạo, tránh những lối mòn”.

Trong bài viết mới về chính trị trên tờ News Junkie Post, nhà báo này chỉ ra rằng tân Tổng thống Mỹ cần xác định ông cần theo mô hình nào trong lịch sử Mỹ. Ông Trump có thể trở thành Tổng tư lệnh “hàn gắn” giống Abraham Lincohn – Tổng thống vào cuối Nội chiến Mỹ. Ông cũng có thể vào vai Franklin Delano Roosevelt, người đã nỗ lực đưa nước Mỹ ra khỏi cuộc Đại khủng hoảng thập niên 1930 (của thế giới tư bản – ND).

Ông Mercier cho biết thêm: “Kịch bản thứ 3 là Richard Nixon, vị Tổng thống hay bị người đời chê trách. Ông Nixon đương nhiên là gắn liền với vụ bê bối Watergate, nhưng ông ấy đã đạt được một số thành tựu đối ngoại lớn như là rút quân đội Mỹ khỏi bãi lầy chiến tranh Việt Nam... Chính quyền Trump có thể sử dụng phương án này để chấm dứt cuộc chiến của nước Mỹ ở Afghanistan nơi mà tất cả các đế chế đều biết là không thể giành chiến thắng được”.

Kịch bản mới: Thế giới đa cực không đế chế

Liệu chính sách bá quyền toàn cầu của Mỹ có tiếp tục tồn tại dưới thời Trump hay ông sẽ tập trung chú ý vào các vấn đề nội địa của Mỹ?

Ông Mercier trả lời về vấn đề này: “Lịch sử chứng minh các nước từng là đế chế thường có xu hướng nhớ nhung về thời đã qua. Nhưng tất cả các đế chế đều có ngày chấm dứt tồn tại. Theo ý kiến của tôi, đã đến lúc đế chế phương Tây do Mỹ lãnh đạo hiểu được ý niệm này.”

Nhà báo Mercier nhấn mạnh: “Ngay lúc này tôi nghĩ tới 2 khả năng về con đường địa chính trị: Hoặc là cùng quay lại tình hình Chiến tranh Lạnh, với phương Tây (gồm Mỹ, EU và Canada) ở một bên và Nga, Trung Quốc ở bên kia. Hoặc kịch bản khác tốt hơn nhiều: Một thế giới đa cực không đế chế”.

Theo tác giả Mercier, học thuyết bá quyền của Mỹ đã thất bại. Nhiều người dân Mỹ ý thức được đâu là điều quan trọng hơn.

Cảnh sát Mỹ xịt hơi cay vào những người biểu tình phản đối ông Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ, vào ngày 12/11 ở bang Oregon, Mỹ. Ảnh: Reuters.

Thời gian sẽ chỉ rõ liệu chính sách “thống trị” của Mỹ có tiếp diễn hay không nhưng việc bổ nhiệm các vị trí chủ chốt trong nội các Mỹ sẽ là một “phong vũ biểu” quan trọng dự báo về điều này.

Ông Mercier phân tích: “Một số cái tên đã được xem xét cho vị trí trong nội các mới, một số không được hay lắm như nhân vật cứng rắn John Bolton. Thay cho cái tên này, vì mục đích hài hòa lưỡng đảng, ông Trump có thể giữ lại ông John Kerry (Ngoại trưởng Mỹ) hoặc bổ nhiệm ai đó giống như Ron Paul – một đảng viên Cộng hòa với quan điểm rõ rệt là tự do, không can thiệp”.

Nhà báo người Pháp phân tích tiếp: “Thay vì tập trung vào phát động các cuộc chiến tranh trên toàn cầu để phục vụ các tổ hợp công nghiệp-quốc phòng và những người hưởng lợi từ chiến tranh ở Phố Wall, chính quyền Trump nên tập trung vào tái thiết cơ sở hạ tầng của nước Mỹ, và tôi nghĩ đây sẽ là lựa chọn của ông Trump”.

Ông nhấn mạnh: “Các thỏa thuận thương mại như là NAFTA của ông Bill Clinton đã khiến cho ngành sản xuất của Mỹ tan tành. Detroit, Michigan vốn là các nơi kinh tế phát triển mạnh, nay “nhờ” NAFTA, chỗ này trở thành vùng đất hoang đô thị. Cái gọi là “vành đai han gỉ” (ám chỉ các vùng kinh tế suy giảm của Mỹ) đóng vai trò quan trọng trong thắng lợi của ông Trump. Các lao động cổ cồn xanh thấm thía những gì toàn cầu hóa gây ra cho họ”.

Chiến binh đơn côi?

Liệu có nhiều người ủng hộ ông Trump bên trong nước Mỹ và các thể chế chính trị/tài chính châu Âu hay ông ấy chỉ là một chiến binh đơn côi? Liệu “ngôi nhà của ông Trump được xây dựng trên cát?”

Nhà báo Mercier nhấn mạnh rằng ông Trump là một ứng viên chống lại các thể chế và đây chính là lý do vì sao ông lại trúng cử.

Tuy nhiên tổng thống mới đắc cử của Mỹ sẽ cần có các cố vấn kinh nghiệm để ông thực hiện được lời hứa.

Ông Mercier nhận xét: “Tổng thống Trump không quen với các thủ thuật ở Washington, nhưng lại có một số chính trị gia cực kỳ giàu kinh nghiệm giúp ông luồn lách qua các vùng nước mập mờ”.

Ông Mercier cho rằng “Người sẽ canh lưng cho Tổng thống ở bên Quốc hội có thể sẽ là Newt Gingrich, một chính trị gia sáng láng và khôn ngoan vốn từng làm Chủ tịch Hạ viện. Ông Trump cũng có thể bổ nhiệm cựu thị trưởng New York là Rudolf Guilliani làm Bộ trưởng Tư pháp trong nội các mới. Cả hai người này đã ủng hộ không mệt mỏi cho ông Trump trong chiến dịch tranh cử”.

Tuy nhiên, “đầm lầy tài chính” lại là một vấn đề nữa cho ông Trump, theo nhà báo Mercier.

“Việc chính quyền Trump chọn Bộ trưởng Tài chính sẽ là dấu hiệu về việc liệu Tổng thống mới có thực sự muốn hạn chế quyền lực của giới tài chính Phố Wall đối với các quan chức trúng cử hay không.

Người ta đề cập đến cái tên Steven Mnuchin, từng làm ở công ty Goldman Sachs, như là lựa chọn cho vị trí đứng đầu Bộ Tài chính – đây sẽ không phải là dấu hiệu tốt, theo quan sát của Mercier.

Nhà báo Pháp nhấn mạnh: “Ông Trump là một tỷ phú, nên sẽ là ngây thơ nếu nghĩ rằng ông ấy sẽ chống lại giới tinh hoa tài chính”.

Theo tác giả này, điều mà ông Trump thực sự cần làm là “nhấn mạnh đến việc giảm quyền lực chính trị của Phố Wall hay các cá nhân hoặc thể chế nhà nước có nhiều tiền đến mức họ nghĩ là mình có thể mua được các cuộc bầu cử”.

Chiến thắng của Donald Trump trở thành một nguồn lo lắng sâu sắc của các quan chức Liên minh châu Âu và các lãnh đạo châu Âu. Liệu giới tinh hoa nắm quyền hiện nay ở đây có bị một nhóm mới thay thế? Nếu điều đó xảy ra thì đó là các nhà chính trị theo phong cách nào?

Mercier trả lời: “Giới tinh hoa cả chính trị và tài chính đều dị ứng với sự thay đổi. Họ thích sự thoải mái của hiện trạng”./.