Đề xuất “chưa có tiền lệ” về công nghệ của Trung Quốc

Trung Quốc đã đưa ra một số đề xuất chưa từng có tiền lệ trong các cuộc đàm phán với Mỹ về một loạt các vấn đề, trong đó có việc ép buộc chuyển giao công nghệ khi 2 bên hợp tác để giải quyết những trở ngại còn lại nhằm hướng tới một thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại dai dẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới này, các quan chức Mỹ nhận định với Reuters ngày 27/3.

damphanmytrungtientriensaudexuatchuacotienlecuabackinh_dxlz.jpg
Đàm phán Mỹ-Trung liệu có đạt tiến triển sau đề xuất “chưa có tiền lệ” của Bắc Kinh? Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế lên 250 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc năm ngoái trong một động thái nhằm buộc Trung Quốc phải thay đổi cách làm ăn với phần còn lại của thế giới và có những điều chỉnh để nền kinh tế nước này cởi mở hơn với các công ty Mỹ.

Các đòi hỏi của Tổng thống Trump đều hướng tới việc khiến Trung Quốc chấm dứt các hoạt động vi phạm sở hữu trí tuệ và ép các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ.

Trung Quốc đã đưa ra các đề xuất, bao gồm cả vấn đề chuyển giao công nghệ trong các cuộc đàm phán đang có những tiến triển nhất định với Mỹ gần đây, một trong 4 quan chức cấp cao của chính quyền Nhà Trắng nhận định với Reuters.

Các cuộc đàm phán đã đạt được tiến triển nhất định về nội dung chi tiết của thỏa thuận nhằm giải quyết những lo ngại từ phía Mỹ.

"Nếu nhìn vào các nội dung cách đây một tháng so với hiện nay có thể thấy chúng tôi đã đạt được những bước tiến trong mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa đạt được những mục tiêu mà mình mong muốn", một quan chức giấu tên trong chính quyền Mỹ nhận định.

"Trung Quốc đang thảo luận về việc chuyển giao công nghệ bắt buộc theo cách mà họ chưa từng muốn thảo luận trước đó, cả trên tổng quan và cụ thể", quan chức này cho biết.

Trước đó, Reuters cho biết Mỹ và Trung Quốc đang thảo luận về các thỏa thuận bằng văn bản trên 6 khía cạnh: việc ép buộc chuyển giao công nghệ, đánh cắp dữ liệu mạng, quyền sở hữu trí tuệ, dịch vụ, tiền tệ, nông nghiệp và hàng rào thương mại phi thuế quan.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã đến Bắc Kinh ngày 28/3 để tham gia vòng đàm phán mới với các quan chức Trung Quốc về một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại kéo dài hàng tháng qua và khiến cả 2 bên đều thiệt hại hàng tỷ USD cũng như tác động xấu đến sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Các cuộc gặp sẽ diễn ra sau vòng đàm phán ở Washington tuần sau là những cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa 2 bên sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Trung dự kiến diễn ra vào cuối tháng 3/2019 giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình bị hoãn lại.

Các cuộc đàm phán này sẽ tiếp nối những tiến triển đã đạt được về những vấn đề cốt lõi giữa Mỹ và Trung Quốc.

"Nó có thể là tháng 5, tháng 6, không ai biết trước được. Nó cũng có thể diễn ra vào tháng 4, chúng tôi không biết", một quan chức Nhà Trắng cho biết.

“Hai bên vẫn còn nhiều khác biệt về vấn đề sở hữu trí tuệ và việc thỏa thuận sẽ được thực hiện như thế nào", người này cho biết.

Mỹ không dỡ bỏ mọi loại thuế với Trung Quốc

Trung Quốc muốn Mỹ dỡ bỏ một số loại thuế quan như một phần của thỏa thuận. Tuy nhiên, Washington, vốn hiểu rõ các loại thuế này được sử dụng để gây sức ép nhằm đảm bảo Bắc Kinh tuân theo các cam kết, tỏ ra lo ngại về việc dỡ bỏ chúng ngay lập tức.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khẳng định vào tuần trước rằng Mỹ sẽ dỡ bỏ thuế quan với hàng hóa Trung Quốc trong một "thời gian đáng kể" để đảm bảo Bắc Kinh tuân thủ các cam kết.

"Một số loại thuế quan vẫn sẽ giữ nguyên. Sẽ có một số loại thuế được dỡ bỏ nhưng chúng tôi sẽ không loại bỏ mọi loại thuế. Chúng tôi không thể làm vậy", quan chức Mỹ nhận định.

Chủ đề này được cho là sẽ được giải quyết trong các cuộc đàm phán sắp tới giữa Mỹ và Trung Quốc.

"Rõ ràng vẫn còn các vấn đề chúng ta cần giải quyết và đó sẽ là một phần quan trọng trong thỏa thuận cuối cùng", quan chức Nhà Trắng cho biết.

Từ tháng 7/2018, Mỹ đã áp thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, trong đó 50 tỷ USD hàng hóa công nghiệp và công nghệ chịu mức thuế 25% và 200 tỷ USD các sản phẩm khác như đồ dùng và vật liệu xây dựng chịu mức 10%.

Trung Quốc cũng đáp trả động thái trên của Mỹ khi áp thuế lên 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ gồm mặt hàng đậu nành và một số hàng hóa khác.

Quan chức Mỹ khẳng định trọng tâm trong các cuộc đàm phán Mỹ - Trung đã thay đổi từ việc Trung Quốc mua thêm hàng hóa Mỹ sang các vấn đề mang tính cấu trúc lắt léo hơn khi mà Tổng thống Trump muốn đó là một phần trong một thỏa thuận "lớn".

Sự ủng hộ từ lưỡng đảng tại Mỹ cũng như cộng đồng doanh nghiệp về lập trường cứng rắn với Trung Quốc đã khuyến khích Tổng thống Trump thúc đẩy một thỏa thuận nhằm giải quyết những vấn đề dai dẳng về thương mại với Trung Quốc.

Một số quan chức bày tỏ lo ngại rằng ông Trump sẽ chấp nhận một thỏa thuận chủ yếu liên quan đến việc Trung Quốc mua thêm hàng hóa từ Mỹ và không thể giải quyết những vấn đề mang tính cấu trúc.

Dù vậy, quan chức giấu tên của Nhà Trắng cũng bày tỏ sự lạc quan về việc Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được một thỏa thuận.

"Cho đến khi bất kỳ thỏa thuận nào được hoàn tất thì điều gì cũng có thể xảy ra. Và Tổng thống Trump đã cho thấy, cả bằng ngôn từ và hành động, rằng ông sẽ từ chối các thỏa thuận nếu chúng không phải là những thỏa thuận tốt"./.