Dẫn đầu đoàn đàm phán của Israel là Bộ trưởng Tư pháp Israel Tzipi Livni và Đặc phái viên của Thủ tướng Netanyahu, ông Yitzhak Molcho.

Phái đoàn Palestine gồm hai thành viên cấp cao của đảng Fatah là Saeb Erekat và Mohammad Shtayyeh. Đây là cuộc đàm phán hòa bình sơ bộ đầu tiên giữa Israel và Palestine sau những nỗ lực ngoại giao con thoi trong suốt 5 tháng qua của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Đây cũng là cơ sở để các bên xúc tiến kế hoạch đàm phán chi tiết trong vòng 9 tháng tới.

Niềm vui hé mở

Cuối cùng thì các nỗ lực ngoại giao của ông Kerry cũng được đáp lại. Mỹ cũng đã đưa được cả Israel và Palestine xích lại gần nhau hơn và hy vọng đem lại hòa bình lâu dài cho khu vực và tín hiệu vui cũng đã xuất hiện: Một là, sau nhiều nỗ lực của ông Kerry, lãnh đạo hai nước chấp nhận nối lại đàm phán hòa bình sau 3 năm gián đoạn; hai là, quan hệ giữa Mỹ và Palestine đã có chuyển biến tích cực - mặc dù chưa công nhận Palestine là một “nhà nước”, nhưng Mỹ đã hứa sẽ triển khai gói hỗ trợ kinh tế khu vực tư nhân trị giá 4 tỷ USD; ba là, để mở đầu cho quá trình đàm phán, ngày 28/7 Israel đã thông báo trả tự do cho 104 tù nhân Palestine.

obama%20netanyahu%20tien%20trinh%20hoa%20binh.jpg
Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Israel Netanyahu (ảnh: thenational.ae)

Những tín hiệu vui ban đầu nêu trên là đáng khích lệ, mặc dù một giải pháp hòa bình lâu dài giữa Israel và Palestine cũng như cho cả khu vực Trung Đông không chỉ phụ thuộc vào các nỗ lực đơn phương của Mỹ, quyết tâm của Israel hay Palestine mà còn phụ thuộc vào vai trò của Liên Hợp Quốc, cùng với “nhóm bộ tứ” và cộng đồng quốc tế.

Sau 3 năm bị gián đoạn, các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông đã chính thức được nối lại bắt đầu vào ngày 30/7 tại Thủ đô Washington. Việc Israel thả 104 tù nhân Palestine (được xem như một điều kiện cơ bản để chính quyền Palestine trở lại bàn đàm phán) đã thể hiện sự “mềm dẻo” và “thiện chí” của Israel.

Bà Livni trưởng đoàn đàm phán Israel nói, chính phủ Israel “vì quyền lợi của nhân dân, sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để bảo đảm an ninh cho họ”, và rằng Israel “không có ý định tranh cãi về quá khứ, mà tập trung vào việc đưa ra quyết định cho tương lai”.

Ông Erakat, trưởng đoàn đàm phán Palestine cũng nói: ông “lấy làm hoan hỉ rằng tất cả các vấn đề về quy chế cuối cùng đang được mang ra bàn thảo và đã đến lúc người Palestine được sống một cuộc sống có nhân phẩm, trong một đất nước của riêng họ, tự do và có chủ quyền”. Ngoại trưởng Kerry thì cho rằng, các cuộc thảo luận trong tuần này rất “tích cực và xây dựng”, và ông tin chắc rằng hai bên có thể đi tới hòa bình.

Lòng tin vẫn thiếu

Tuy nhiên, trong khi Mỹ - nhà bảo trợ chính của tiến trình hòa bình Trung Đông đang tỏ ra lạc quan về sự khởi đầu tốt đẹp, thì người dân của cả hai bên Israel và Palestine– những người trực tiếp liên quan đến tiến trình hòa bình lại không mấy tin tưởng vào kết quả của việc tái khởi động con tàu hòa bình Trung Đông.

Rizek Jaradat – một người dân Palestine nói: “Kể từ năm 1967 đến nay, chúng tôi đã có quá nhiều các cuộc đàm phán mà chẳng đạt được kết quả gì”. Còn Micha Perry – một người dân Israel cũng chia sẻ: “Mặc dù biết đã đến lúc phải ngồi vào bàn đàm phán, song tôi không hề tin rằng đàm phán sẽ đạt kết quả. Bởi vì, dường như cả hai bên đều chưa sẵn sàng cho điều này”.

Còn các chuyên gia phân tích về Trung Đông lại tỏ ra hoài nghi về kết quả của vòng đàm phán lần này, khi họ cho rằng khó có thể dẫn đến một Hiệp ước hòa bình, chấm dứt hơn 60 năm xung đột giữa người Israel và người Palesstine, vì những vấn đề khó khăn như: biên giới, các khu định cư của người Do Thái ở bờ Tây, số phận người di cư Palestine, tương lai của thành phố Jerusalem… đều là những vẫn đề bất đồng rất sâu sắc, khó bề hóa giải.

Elliott Abrams, một giới chức cao cấp trong Hội đồng An ninh quốc gia thời Tổng thống George Bush, cũng nói: “Tôi không nhìn thấy khả năng hiện thực nào cho một hiệp định giải quyết hiện trạng có thể đạt được lúc này. Tôi chỉ hy vọng có 2 nhóm công tác của Bộ Ngoại giao: Một để làm việc về các cuộc thảo luận; một để bắt đầu kế hoạch cho khi thương thảo thất bại. Chúng ta không nên chỉ cố tránh việc “hạ cánh vội vã” mà xem liệu các cuộc nói chuyện có thể được tận dụng để thúc đẩy hợp tác kinh tế và an ninh giữa Israel và Palestine hay không”.

Khaled Elgindy – một chuyên gia về Trung Đông của Viện Brookings nói: “Tôi không nằm trong số những người coi chuyến đi của ông Kerry là một bước đột phá lớn. Tôi rất nghi ngờ vì không thấy có điều gì khác biệt một cách cơ bản”.

Các nhà phân tích cho rằng, thiếu lòng tin, thực sự là một cản trở lớn cho quá trình thương thảo, vì ai cũng muốn được nhiều hơn mất, thì thất bại là điều có thể dự đoán.

Vẫn còn nhiều chông gai

Sau các cuộc thảo luận kéo dài suốt buổi sáng ngày 30/7 tại Nhà Trắng với Tổng thống Barack Obama và tại Bộ Ngoại giao, Ngoại trưởng Kerry nói hai bên đã đồng ý rằng những vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất như vấn đề biên giới, người tỵ nạn và số phận của Jerusalem, có thể là những đề tài được mang ra thương thảo. Tuy nhiên, vấn đề đang đặt ra là, đàm phán sẽ đạt đến một hiệp định hòa bình toàn diện như thế nào, có bao gồm những vấn đề liên quan đến khu vực? Và điều gì sẽ xảy ra nếu mọi nỗ lực thương lượng trở nên vô ích?

Trước đó, ngày 29/7, ông John Kerry cho biết mục tiêu của ông là theo đuổi “những thỏa hiệp hợp lý” về một số vấn đề gai góc nhất của Trung Đông.

Ông nói: “Tôi biết các cuộc thương thảo sẽ khó khăn nhưng tôi cũng hiểu rõ nếu không nỗ lực thì hậu quả có thể tồi tệ hơn”.

Ông Kerry cam kết rằng hai bên sẽ dành cho các cuộc gặp gỡ ít nhất 9 tháng để khảo sát các ý tưởng của nhau mà không sợ đổ vỡ bất ngờ. Các nhà phân tích cho rằng, nếu nỗ lực lần này thất bại, thì còn lâu mới có thể nối lại cuộc đàm phán.

Như vậy, với chính sách Trung Đông mới của Tổng thống Obama, cùng với sự nỗ lực của Ngoại trưởng Mỹ Kerry, cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine đã có sự khởi đầu thuận lợi.

Tuy nhiên, con tàu hòa bình Trung Đông trên con đường đi tới còn có quá nhiều khó khăn, không chỉ phụ thuộc và hai bên đàm phán mà còn có quan hệ hữu cơ với toàn khu vực và nhất là lợi ích chiến lược của các nước lớn. Vì thế, dư luận khu vực và quốc tế đang dõi theo cuộc đàm phán một cách thận trọng./.