Ngày mai (14/3), cuộc đàm phán hòa bình Syria sẽ diễn ra tại Geneva. Một trong những vấn đề được quan tâm trong cuộc đàm phán là số phận của Tổng thống Syria al-Assad.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chủ đề đó vẫn đang vấp phải luồng ý kiến trái ngược từ các bên tham gia đàm phán. Điều này khiến kết quả cuộc hòa đàm tại Geneva lần này trở nên mong manh.
Ngoại trưởng Syria Muallem. Ảnh: Al-akhbar. |
Một ngày trước thềm đàm phán, Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem cho biết, chính phủ Syria sẽ không chấp nhận đối thoại về số phận của Tổng thống đương nhiệm al-Assad.
Ông cũng tuyên bố, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura "không có quyền" bàn về các cuộc bầu cử tổng thống trong tương lai của Syria.
Ngoại trường Muallem nhấn mạnh: "Ông Mistura hay bất kỳ ai đều không có quyền thảo luận về các cuộc bầu cử tổng thống. Quyền này chỉ dành riêng cho người dân Syria mà thôi. Do vậy khi mà ông Mistura nói sẽ áp đặt tất cả các văn kiện của Liên Hợp Quốc vào cuộc đàm phán này thì tôi nhắc lại rằng, Tổng thống al-Assad là tài sản của người dân Syria”.
Ông Muallem nhấn mạnh, nếu phe đối lập có ý định như vậy, họ “đừng nên tới tham dự hòa đàm”. Song song đó, Ngoại trưởng Syria xác nhận nước này gửi phái đoàn tới Geneva vào ngày hôm nay, đồng thời tìm mọi cách hạn chế thảo luận về bầu cử tổng thống trong chương trình nghị sự. Nhưng nếu phe đối lập không xuất hiện, họ sẽ quay về trong vòng 24 giờ.
Ông Muallem cũng phản đối các cuộc đàm phán về một đất nước Syria liên bang và ủng hộ sự thống nhất của Syria.
Những tuyên bố cứng rắn trên của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Syria được đưa ra sau khi Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Mistura nói rằng, toàn bộ người dân Syria phản đối việc phân chia Syria và chế độ liên bang có thể được thảo luận tại các cuộc thương lượng.
Ngoài ra, quan chức Liên Hợp Quốc này cũng tuyên bố cuộc bầu cử Quốc hội được Tổng thống al-Assad ấn định vào ngày 13/4 sẽ không có hiệu lực. Theo ông, cuộc bầu cử duy nhất có hiệu lực sẽ là cuộc bầu cử trên cơ sở quyết định của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Trong khi đó, Ủy ban đàm phán cấp cao của phe đối lập chính của Syria nói rằng quá trình chuyển đổi chính trị tại Syria chỉ có thể bắt đầu khi ông Assad không còn là Tổng thống Syria nữa.
Người phát ngôn của Ủy ban đàm phán cấp cao của phe đối lập, ông Mohamad Alloush nói: "Chúng tôi cho rằng giai đoạn chuyển tiếp bắt đầu bằng sự ra đi của ông al-Assad. Không thể bắt đầu giai đoạn này với sự hiện diện của chế độ và người đứng đầu chế độ hiện nay tại Syria”.
Các cuộc đàm phán hòa bình về vấn đề Syria từng được tổ chức cách đây hai năm, nhưng rồi không đạt được kết quả khi các bên liên quan không thống nhất được chương trình nghị sự. Phía chính phủ muốn tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố, trong khi phe đối lập yêu cầu thảo luận về một chính phủ chuyển giao.
Chính vì thế với những bất đồng ngay trước thềm đàn phán lần này có thể sẽ khiến cuộc đàm phán rơi vào bế tắc và rồi hy vọng chấm dứt cuộc nội chiến kéo hơn 5 năm tại Syria có thể tiếp tục bị kéo dài./.