Ba tấm chân dung lớn của lãnh tụ Liên Xô Joseph Stalin được trưng bày ở trung tâm thành phố Donetsk, thủ phủ của phe nổi dậy ở miền Đông Ukraine. Giới chức phe nổi dậy được cho là đang nuôi dưỡng trong lòng dân chúng nỗi nhớ về một thời Xô viết đã qua.
Bức chân dung Joseph Stalin trưng tại Donetsk, thủ phủ của phe nổi dậy tại miền Đông Ukraine. Ảnh: AFP. |
Yekaterina, một sinh viên 22 tuổi nói: “Tôi nghĩ rằng các bức chân dung của Stalin là điều tốt đẹp. Đó là lịch sử của chúng tôi và nhiều người quên mất việc ông ấy từng tồn tại”.
Với màn trưng bày này, các chiến binh đối lập ở Đông Ukraine muốn làm sống dậy các thông lệ một thời ở Liên Xô cũ nhằm củng cố chế độ mới của họ trong vùng này.
Các bức chân dung đều có kèm lời của vị lãnh tụ thời chiến tranh Vệ quốc: “Sự nghiệp của chúng ta là chính nghĩa. Kẻ thù sẽ bị đánh tan tác. Chúng ta nhất định chiến thắng”.
Lãnh đạo lực lượng nổi dậy Donetsk, Alexander Zakharchenko, đã kể cho AFP về việc ông nuối tiếc như thế nào trước sự sụp đổ của Liên Xô.
Vị cựu tư lệnh chiến trường 39 tuổi rất thích mặc đồ rằn ri này nói: “Liên Xô là một quốc gia vĩ đại. Sự sụp đổ của Liên Xô là một lỗi lầm lớn, do CIA và các cơ quan tình báo khác gây ra... Châu Âu và các nước khác thời đó khiếp vía trước chúng tôi.”
Ảnh Stalin khắp mọi nơi
Hiện nay các bức chân dung Stalin đã trở thành điều bắt buộc ở các văn phòng của các quan chức phong trào nổi dậy ở miền Đông Ukraine, nơi xung đột vũ trang đã khiến hơn 8.000 người thiệt mạng.
Biểu tượng búa liềm của Liên Xô cũ, xuất hiện tại thành phố Mariupol , vùng Donetsk ở miền Đông Ukraine. Ảnh: AFP. |
“Thứ trưởng Quốc phòng” của phe nổi dậy Donetsk đeo lên quân phục của mình một phù hiệu có chân dung Stalin.
Việc sử dụng nhiều hình ảnh của Stalin đã làm sống lại các ký ức ở Donetsk, một thành phố mỏ từng được biết đến với cái tên Stalino. Thành phố này được đổi tên vào đầu thập niên 1960 sau khi lãnh đạo mới của Liên Xô là Nikita Khrushchev có những phê phán đối với người tiền nhiệm.
Việc đề cao nhân vật Stalin hoàn toàn tương phản với thái độ của chính phủ Kiev thân phương Tây hiện nay.
Hồi tháng 5/2015, chính phủ Ukraine đã thông qua bộ luật coi việc phô bày các biểu tượng thời Xô viết là bất hợp pháp, tương tự như hình dấu thập ngoặc của Đức Quốc xã.
Luật này cũng kêu gọi kéo đổ các tượng đài cũng như đặt lại tên các con phố, thị trấn và xí nghiệp mang tên các nhân vật Xô viết trước đây.
Trên toàn lãnh thổ Ukraine, giới chức nước này đã cho kéo đổ vô số tượng Lenin – điều này gặp phải sự phẫn nộ từ phía lãnh đạo lực lượng nổi dậy.
Vasil Kiseliev, phó thị trưởng thành phố Stakhanov ở miền đông Ukraine, trả lời phỏng vấn của AFP. Trong văn phòng ông này có hình búa liềm và Stalin. Ảnh: AFP. |
Bộ trưởng Văn hóa của các chiến binh Donetsk, Alexander Paretsky, đã lên án “tệ phá hoại công trình văn hóa và tình trạng man rợ về mặt văn hóa”. Còn lãnh đạo khu vực nổi dậy Lugansk, Igor Plotnitsky, thì cảnh báo về một “cuộc diệt chủng đạo đức”.
Ở thị trấn Novoazovsk, các chiến binh đã tổ chức nghi lễ đưa một bức tượng Lenin lên bệ tượng sau khi họ giành được quyền kiểm soát đối với vùng này từ tay quân chính phủ Ukraine.
Mô hình Xô viết
Trong quá trình hình thành một bản sắc mới cho khu vực ly khai này, các chiến binh phần lớn tìm về quá khứ Xô viết.
Các lãnh thổ của họ được đặt tên là “các nước cộng hòa nhân dân”, na ná như tên của các quốc gia XHCN ở Đông Âu cũ (như là Bulgaria hay Romania).
Cộng hòa Nhân dân Lugansk có một “quốc huy” mới với hình bó ngũ cốc và một ngôi sao đỏ, giống như quốc huy của các nước cộng hòa trong Liên Xô cũ.
Quốc kỳ Liên Xô tại lễ khánh thành tượng Lenin ở thị trấn Novoazovsk thuộc nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng vào tháng 4/2015. Ảnh: AFP. |
Các chiến binh nổi dậy thậm chí còn đang nỗ lực làm hồi sinh mô hình đội thiếu niên tiền phong thời Xô viết.
Trong một động thái táo bạo hơn nữa, phe nổi dậy đã đặt tên cho cơ quan an ninh của mình là Bộ An ninh Quốc gia viết tắt là MGB – giống với tổ chức an ninh của Stalin giai đoạn 1946-1953.
Hệ thống tư pháp của họ cũng mô phỏng theo hệ thống Xô viết.
“Thời đó mọi thứ tốt đẹp hơn giờ”
Cũng ở Donetsk, một cuộc triển lãm tranh đã được tổ chức để tưởng nhớ anh hùng lao động Xô viết Alexei Stakhanov, người đã lập kỷ lục sản xuất than tại một hầm mỏ ở khu vực Lugansk vào những năm 1930.
Chiêm ngưỡng các bức tranh của thợ mỏ và công nhân nhà máy, cụ bà Galina 73 tuổi nhớ lại thời vàng son của Liên Xô: “Mọi thứ thời đó tốt hơn giờ. Cuộc sống thời đó hoàn toàn khác”./.
>> Xem thêm: Ukraine đang bắn đại bác vào quá khứ của chính mình?