Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Trung-Nhật vừa diễn ra vào ngày đầu tháng 11, sau hơn ba năm gián đoạn, được xem là một động thái tích cực mở ra một hy vọng mới cho quan hệ ba bên vốn chẳng mấy khi xuôi chèo mát mái.

Liệu những nỗ lực của các lãnh đạo có giúp ba cường quốc Đông Bắc Á gác lại những bất đồng hiện tại để cùng phát triển hay không? 

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye (giữa) bên cạnh Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (trái) và Thủ tướng Lý Khắc Cường tại Seoul. (Ảnh: AFP).

Ba cường quốc Đông Bắc Á

Có lẽ hiếm có khu vực nào trên thế giới tập trung nhiều cường quốc như Đông Bắc Á. Mỗi nước trong khu vực đều có thế mạnh đáng kể.

Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với tiềm năng mạnh mẽ. Cùng với sức mạnh kinh tế ngày càng tăng, nước này cũng ngày càng tỏ ra quyết đoán hơn trong việc thể hiện vai trò chính trị, quân sự của mình trên trường quốc tế. 

Nhật Bản hồi phục sau thời kì đình trệ không chỉ đang tìm cách phát triển kinh tế mà còn chủ động tìm kiếm vị thế chính trị tương xứng với tiềm năng kinh tế của mình. 

tokyo_qmwl_szvb.jpg
Kinh tế Nhật Bản đang phát triển nhanh chóng. (ảnh: KT).

Mặc dù chưa có vai trò trên trường chính trị quốc tế, Hàn Quốc lại là con hổ kinh tế đáng gờm trong khu vực và trên thế giới. Cũng phải nhắc tới việc Tổng thư ký Liên Hợp Quốc là người Hàn Quốc và việc làn sóng Hallyu (làn sóng văn hóa Hàn, đặc biệt là âm nhạc) đã phổ cập hình ảnh Hàn Quốc trên khắp thế giới. 

Nếu hợp tác chặt chẽ, ba nước sẽ tạo nên một khu vực có tổng GDP xấp xỉ Mỹ và EU và sức mạnh chính trị không thể xem nhẹ. Tuy vậy, quan hệ ba bên Hàn-Trung-Nhật lại thường xuyên trải qua sóng gió hoặc bị đóng băng do những mâu thuẫn trong quá khứ, lãnh thổ, quan hệ với Mỹ cũng như quan điểm về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Vấn đề lịch sử trong quá khứ và tranh chấp lãnh thổ

Hàn Quốc và Trung Quốc luôn luôn đòi hỏi Nhật Bản phải xin lỗi và bồi thường cho các hành vi của quân Nhật trong thời kì chiến tranh thế giới thứ Hai, đặc biệt là vấn đề “nô lệ tình dục”. Trong khi đó, Nhật luôn cố xoa dịu vấn đề bằng cách nói giảm nói tránh, như gọi đó là “phụ nữ giải trí” hay gọi thảm sát Nam Kinh là “tai nạn”. 

“Đến hẹn lại lên”, mâu thuẫn Trung- Nhật lại như bị “đổ thêm dầu vào lửa” mỗi khi quan chức cấp cao Nhật Bản vào dịp lễ lại thăm viếng đền Yasukuni, ngôi đền thờ những người lính tử trận trong chiến tranh, mà phía Trung Quốc coi là tội phạm chính trị. 

Bên cạnh đó, Nhật cùng lúc có tranh chấp chủ quyền đảo Takeshima/ Dokdo với Hàn Quốc và Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc. Tranh chấp lãnh thổ giữa bất cứ quốc gia nào cũng là vấn đề khó giải quyết, nhất là trong bối cảnh Nhật đang tìm cách khôi phục quân đội thường trực và Trung Quốc ngày càng cứng rắn hơn trong các tranh chấp lãnh thổ với láng giềng. 

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. (Ảnh: tofugu).

Quan hệ với Mỹ

Trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc là đồng minh thân cận của Mỹ tại khu vực Đông Bắc Á, có căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ thì Trung Quốc lại có mối quan hệ phức tạp vừa hợp tác vừa cạnh tranh với Hoa Kỳ. 

Các ràng buộc liên minh khiến Mỹ can thiệp vào gần như mọi va chạm trong quan hệ của hai nước này với Trung Quốc, khiến sự việc phức tạp hơn. Ngược lại, những biển đổi của quan hệ Trung-Mỹ, mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới, cũng tác động tới Nhật Bản, Hàn Quốc nói riêng và quan hệ quốc tế ở khu vực nói chung.

Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên

Trong khi Trung Quốc là nước hỗ trợ chủ yếu cho Triều Tiên thì Hàn Quốc và Nhật Bản lại ở bên kia chiến tuyến. Sự khác biệt về quan điểm và cách ứng xử đối với Triều Tiên cũng “góp phần” chia rẽ ba nước. 

Viễn cảnh hợp tác chặt chẽ, hay đơn giản là quan hệ hòa bình giữa ba nước lớn ở Đông Bắc Á cũng đủ khiến Mỹ và EU phải e dè với một đối thủ tiềm tàng.

Tuy nhiên, những tồn tại hiện thời khiến viễn cảnh này có vẻ xa xôi. Điển hình là tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh ít đề cập đến những vấn đề cốt lõi trong quan hệ giữa ba nước.

Sự tồn tại của ba cường quốc trong không gian địa chính trị Đông Bắc Á cũng có khả năng dẫn tới những tranh chấp về thương mại hay quyền lực. Vấn đề đặt ra đối với quan hệ ba bên là liệu họ có giải quyết được những khác biệt hiện tại cũng như những tranh chấp tiềm tàng để cùng phát triển hay không?./.