Dư luận bày tỏ lo ngại về tình hình bạo lực đang leo thang và cho rằng đối thoại là cách duy nhất để kiểm soát xung đột hiện nay.

Lực lượng an ninh Israel hôm qua đã bắn chết 2 thanh niên Palestine khi họ tham gia biểu tình dọc hàng rào biên giới của dải Gaza. Các cuộc biểu tình  kêu gọi sự đoàn kết của người dân Palestine tại khu  Bờ Tây bị chiếm đóng và Jerusalem.

dung_rfou.jpg
Cảnh sát Israel bắn chết người ở Gaza, dân Palestine đánh bom trả đũa. (ảnh: Reuters)

Người phát ngôn quân đội Israel cho biết, những người biểu tình ném đá vào binh lính Israel. Lực lượng an ninh đã bắn súng cảnh báo trước khi bắn vào những mà kẻ quá khích trong khu vực mà Israel tuyên bố là cấm đi lại .

Trong 11 ngày đẫm máu, 5 người Israel và 19 người Paklestin đã thiệt mạng tại Jerusalem, khu Bờ Tây bị Israel chiếm đóng và Gaza. Quân đội Israel hôm qua cũng triển khai thêm nhiều khẩu đội phòng thủ tên lửa Vòm Sắt tại các thành phố miền Nam sau khi xảy ra các vụ bắn rốckét qua biên giới Gaza.

Giới chức quân đội Israel lo ngại các vụ đụng độ giữa lực lượng Israel với người biểu tình Palestine có thể làm leo thang các vụ bắn rốckét qua biên giới từ Dải Gaza. Theo các quan chức y tế Gaza, một cuộc không kích của Israel nhằm vào mục tiêu Hamas tại dải Gaza hôm qua cũng làm 2 người Palestine thiệt mạng là một phụ nữ và một trẻ em.

Mỹ hôm qua bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình bạo lực giữa Israel và Palestine, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn các hành động khiêu khích có thể làm gia tăng căng thẳng. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nhấn mạnh: “Chúng tôi coi những hành động bạo lực như tấn công bằng dao hay giết người, đặc biệt tại Đông Jerusalem là một hành động khủng bố. Chúng tôi kêu gọi chấm dứt tất cả các hình thức bạo lực và khôi phục trật tự trong khu vực”.

Cả Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mamoud Apbas đều lên tiếng phản đối các hình thức bạo lực có thể làm gia tăng căng thẳng giữa hai bên. Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết, cơ quan an ninh nước này sẽ nhóm họp để xem xét các hành động gần đây của tổ chức Anh em Hồi giáo và Phong trào Hồi giáo, những tổ chức bị Israel quy kết là nhân tố kích động bạo lực trong những ngày vừa qua.

Thủ tướng Israel Netanyahu cũng đang phải đối mặt với làn sóng phản đối trong nước. Hàng trăm người Israel tại Jerusalem hôm qua đã biểu tình kêu gọi ông Netanyahu từ chức. Những người biểu tình cho rằng, bạo lực không phải là cách để giải quyết xung đột. Một số nghị sĩ trong quốc hội Israel cũng kêu gọi thủ tướng Israel nối lại đàm phán với Palestine.

Nghị sĩ Israel Ayman Odeh nhấn mạnh: “Thủ tướng Netanyahu có thể kiểm soát xung đột theo cách mà ông mong muốn nhưng cuối cùng có thể sẽ biến thành xung đột lớn. Vì vậy những gì cần thiết hiện không chỉ là kiểm soát xung đột mà còn tham gia các cuộc đàm phán thiết thực để chấm dứt sự chiếm đóng và thành lập một nhà nước Palestine độc lập theo đường biên giới năm 1967”.

Truyền thông Israel hôm qua dẫn kết quả một cuộc khảo sát cho thấy đa số người dân nước này thất vọng với cách giải quyết của Thủ tướng Netanyahu đối với làn sóng bạo lực gần đây. Gần 3/4 số người được hỏi tỏ thái độ "thất vọng" và "rất thất vọng", trong khi có tới 79% khẳng định không còn cảm thấy an toàn như trước./.