Tổng thống Donald Trump đang xem truyền hình hôm 15/4 khi ông nhìn thấy Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki R. Haley xuất hiện trên sóng với thông báo rằng Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga. Một quan chức giấu tên cho biết, vào thời điểm đó, ông Trump đã rất tức giận vì ông không có ý định làm điều này.

haley_jvqd.jpg
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki R. Haley. Ảnh: New York Times.

Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Trump phải hét lên vì chứng kiến những gì ông thấy bà Haley nói trên truyền hình. Tuy nhiên, lần này, câu chuyện dường như đã lan rộng, gây ra bất đồng trong đường lối ngoại giao khiến dư luận chú ý, không chỉ từ quan điểm cạnh tranh với Nga mà còn từ những vấn đề lớn hơn về tham vọng chính trị, sự ghen ghét, oán hận và lòng trung thành.

Vì sao bà Haley bị “việt vị”?

Nhà Trắng sau đó nói rằng tuyên bố của bà Haley về lệnh trừng phạt đối với Nga là “sự nhầm lẫn tạm thời”. Điều đáng nói là bà Haley đã phản bác lại khi cho rằng bà không hề “nhầm lẫn”. Bất đồng này làm dấy lên những quan ngại về chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump và những người đại diện cho chính quyền Mỹ.

Diễn biến mới nhất này cho thấy bộ máy của ông Trump vẫn chưa thể vận hành trơn tru trong bối cảnh không có Ngoại trưởng; cố vấn an ninh quốc gia vừa mới nhậm chức và chưa hoàn thiện được đội ngũ giúp việc của mình.

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải Ngoại trưởng Rex W. Tillerson hồi tháng trước, bà Haley là nhân vật hàng đầu chịu trách nhiệm về chính sách đối ngoại của chính quyền Washington. Một số quan chức cho biết, sở dĩ bà Haley bị “việt vị” vì Nhà Trắng đã không thông báo với bà về việc đã thay đổi lộ trình trừng phạt.

“Nó làm tổn thương lòng tin của bà ấy về tương lai phía trước và một lần nữa làm cho mọi người, bạn bè và đối thủ trở thành ‘cá mè một lứa’. Nó cũng đặt ra câu hỏi khi Mỹ nói một điều gì đó, chấp nhận điều gì, kêu gọi điều gì, phản đối điều gì thì đâu là sự thật?”, nghị sĩ đảng Dân chủ Gerald E. Connolly, người đồng thời là thành viên của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ nói.

Sự vênh nhau giữa ông Trump và bà Haley cũng gợi nhắc đến những gì đã diễn ra giữa Tổng thống Mỹ Trump và cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson. Khi ông Tillerson đưa ra ý tưởng đàm phán với Triều Tiên, Tổng thống Trump đã khuyến cáo ông trên Twitter rằng không nên lãng phí thời gian vô ích.

“Bà ấy đã làm công việc của mình rất tuyệt vời. Bà là một đại sứ làm việc hiệu quả nhưng có thể đã có một số nhầm lẫn tạm thời về điều đó”, Larry Kudlow, cố vấn kinh tế quốc gia của Tổng thống nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo ở Florida.

Vài giờ sau đó, bà Haley đã có cuộc trò chuyện với Dana Perino của hãng tin Fox News, trong đó bà nói: “Với sự tôn trọng đúng mực, tôi không hề nhầm lẫn”.

Video bà Haley khẳng định bà không nhầm lẫn. Nguồn: YouTube.

Sau lời khẳng định của bà Haley, ông Kudlow đã gọi cho bà để nói lời xin lỗi. “Bà ấy thực sự không bị nhầm lẫn”, Kudlow nói với tờ New York Times qua điện thoại. “Tôi đã sai khi nói như vậy – hoàn toàn sai”.

Ông Kudlow nói thêm: “Trong trường hợp này bà ấy đã dựa theo những gì mà bà ấy nghĩ là chính sách. Chính sách bị thay đổi và bà ấy không được thông báo về điều đó”.

"Việc phối hợp để đưa ra thông điệp của Chính phủ với những vấn đề như thế này rất quan trọng, vì vậy tốt nhất không được để tình huống tương tự lặp lại”, John Negroponte, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc nói, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng bà Haley hoàn toàn không muốn đi ngược lại quan điểm của Nhà Trắng.

Đối trọng hay đối địch với ông Trump?

Theo các quan chức chính quyền và những người trong cuộc, sự kiện mới đây nhất chỉ là một phần trong những căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Tổng thống và bà Haley. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc có lẽ có tiếng nói hiếu chiến nhất về Nga trong đội ngũ của ông Trump – người đã nhấn mạnh mong muốn cải thiện quan hệ với Tổng thống Vladimir V. Putin.

Gần đây, Tổng thống Trump đã nhìn thấy bà Haley xuất hiện trên truyền hình, chỉ trích mạnh mẽ việc Nga can thiệp vào Ukraine. “Ai đã viết cho bà ta?”, ông Trump hét lên giận dữ trong lúc xem tivi, những nguồn tin thân cận cho biết.

Mối quan hệ giữa ông Trump và bà Haley đang có vấn đề? Ảnh: mymag.

Nói gì thì nói, cựu Thống đốc bang Nam Carolina Nikki Haley đã đảm nhận vai trò nổi bật hơn hầu hết những người tiền nhiệm, đôi khi còn làm lu mờ vai trò của Ngoại trưởng. Với thực tế này, ông Trump dường như hoài nghi về tham vọng của bà, cho rằng bà đang nhằm đến vị trí Ngoại trưởng và ngày càng tự hỏi liệu bà có thực sự toàn tâm toàn ý cho công việc hiện tại của mình hay không.

Đã có những đồn đoán về viễn cảnh bà Haley và Phó Tổng thống Mike Pence sẽ liên minh trong cuộc chạy đua cho vị trí Tổng thống Mỹ năm 2020. Điều này nếu xảy ra đương nhiên sẽ làm Tổng thống Trump cảm thấy không vui bởi bản thân ông đã có kế hoạch tìm kiếm thêm một nhiệm kỳ Tổng thống.

Đồn đoán về liên minh Haley và Pence dường như càng có thêm cơ sở vững chắc khi trong những ngày gần đây, ông Pence đã chỉ định Jon Lerner – cấp phó của bà Haley làm cố vấn an ninh quốc gia mới của ông trong khi tiếp tục cho phép ông này vẫn giữ công việc hiện nay tại Liên Hợp Quốc.

Kế hoạch của ông Pence sụp đổ chỉ trong vòng 48 tiếng đồng hồ vì Tổng thống Trump đã rất giận dữ khi nghe các báo cáo rằng ông Lerner là người theo chủ nghĩa “Never Trump”, ám chỉ những người theo đảng Cộng hòa không ủng hộ ông Trump.

Những ý kiến trái chiều, những ánh mắt dèm pha là điều không thể tránh khỏi trên con đường chính trị của một người phụ nữ đầy cá tính như bà Haley.

“Nikki Haley có quan điểm hiếu chiến. Về cơ bản, bà ấy chỉ biết nhắc đi nhắc lại quan điểm của phe diều hâu như: chúng ta hãy ném bom Iran, chúng ta hãy chiến đấu chống lại một cuộc chiến tranh lạnh với Nga, chúng ta hãy dùng vũ lực trên khắp thế giới”, nghị sĩ đảng Dân chủ Ro Khanna nhận xét.

Trái ngược với quan điểm này, nghị sĩ Gerald E. Connolly mô tả Haley là đối trọng cần thiết với Tổng thống Trump.

“Bà ấy giống như một hòn đảo nhỏ của sự tỉnh táo trong Nhà Trắng đầy bất ổn, bất hợp lý trong chính sách đối ngoại. Bà ấy giờ đây đang phải làm thay công việc của Tillerson. Và có lẽ hòn đảo này sẽ bị nuốt chửng khi mực nước biển dâng cao”, Connolly mô tả đầy hình tượng./.