Ông Mahathir Mohamad đã gạt bỏ những hoài nghi về khả năng ông sẽ trở thành Thủ tướng tiếp theo của Malaysia sau khi Liên minh Hy vọng (Pakatan Harapan - PH) do ông lãnh đạo đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14 của Malaysia hôm qua (9/5).

malaysia1_lkye.jpg
Ông Mahathir Mohamad (giữa) đã gạt bỏ những hoài nghi về khả năng ông sẽ trở thành Thủ tướng. Ảnh: Reuters.

“Đây là một tình huống cấp bách, chúng ta cần thành lập Chính phủ ngay bây giờ”, ông Mahathir nói trong một cuộc họp báo, nơi ông nhấn mạnh rằng ông sẽ tuyên thệ nhậm chức trong ngày hôm nay (10/5).

Ông Mahathir Mohamad từng làm Thủ tướng Malaysia từ năm 1981-2003 và giờ đây, trong lần trở lại cương vị này ở tuổi 92, ông trở thành nhà lãnh đạo cao tuổi nhất trên thế giới.

Liên minh gồm 4 đảng dưới sự dẫn dắt của Mahathir đã đánh bại Liên minh Mặt trận quốc gia cầm quyền (Barisan Nasional - BN) của đương kim Thủ tướng Najib Razak – người từng được chính ông Mahathir bảo trợ nhưng sau này lại trở thành đối thủ “không đội trời chung” của ông.

Trước đó, ông Najib đã bày tỏ nghi ngờ rằng ông Mahathir có thể nhậm chức ngay lập tức vì không có đảng nào giành được đa số ghế trong Quốc hội gồm 222 thành viên và chiến thắng cuối cùng sẽ do Quốc vương của Malaysia quyết định.

Kết quả chính thức cho thấy, liên minh của ông Mahathir đã giành được 113 ghế, nhiều hơn số ghế cần thiết để có thể tuyên bố chiến thắng. Tuy vậy, phe của ông Mahathir vẫn chưa được đăng ký chính thức như một liên minh.

Nguồn video: Reuters.

Trong tâm trạng phấn khích, ông Mahathir đã bác bỏ mọi hoài nghi về việc ông sẽ làm Thủ tướng. “Tôi thức dậy muộn, rất nhiều người cũng thế”, ông trả lời khi được hỏi tại sao lại chậm trễ tuyên thệ nhậm chức và lưu ý rằng kết quả bầu cử chính thức mới chỉ được công bố vào 5h sáng nay.

Ông Mahathir cũng cho biết, ông đã nhận được cam kết ủng hộ từ một nhóm các đảng nhỏ để phe của ông có khoảng 135 ghế trong Quốc hội.

Ngân hàng trung ương Malaysia đã tổ chức cuộc họp chính sách thường kỳ đúng như dự kiến vào hôm nay (10/5) và giữ lãi suất không đổi ở mức 3,25%. Phải lưu ý rằng, ngày công bố chính sách của Ngân hàng trung ương Malaysia đã được ấn định từ trước khi kế hoạch bầu cử được công bố.

Tại cuộc họp báo, ông Mahathir nhắc lại cam kết bãi bỏ chính sách thuế hàng hóa và dịch vụ vốn do ông Najib giới thiệu và xem xét lại các khoản đầu tư nước ngoài, bao gồm các dự án cơ sở hạ tầng chính, vốn là một phần sáng kiến “Vành đai, con đường” của Trung Quốc.

Cơ quan xếp hạng toàn cầu Moody’s đánh giá, những cam kết trong chiến dịch tranh cử của ông Mahathir bao gồm việc loại bỏ thuế hàng hóa và dịch vụ; tái trợ cấp giá nhiên liệu có thể gây tác động tiêu cực đối với xếp hạng nợ quốc gia của Malaysia.

Tương lai nào chờ đợi ông Najib sau thất bại?

Liên minh BN của ông Najib chỉ giành được 79 ghế tại Quốc hội trong cuộc bầu cử lần này. Nó đánh dấu bước thụt lùi lớn nếu so sánh với con số 133 ghế mà liên minh này giành được trong cuộc bầu cử năm 2013.

Ông Najib Razak. Ảnh: AFP.

Rất ít người dám kỳ vọng vào chiến thắng của ông Mahathir trước một liên minh từ lâu đã khẳng định được vị thế vững chắc với sự hỗ trợ của cộng đồng người Mã Lai chiếm đa số ở Malaysia.

Tuy nhiên, ông Mahathir đã đi một nước cờ cao khi bắt tay với lãnh đạo chính trị hiện đang ngồi tù Anwar Ibrahim – người có nhiều duyên nợ với ông Mahathir. Cựu Phó Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim từng bị tống giam khi ông Mahathir còn đương nhiệm. Bộ đôi đặc biệt này tập trung khai thác vào sự bất ổn trong nội bộ đất nước liên quan đến chi phí sinh hoạt đắt đỏ cũng như bê bối tham nhũng của ông Najib.

“Cuộc bầu cử này đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng chúng ta đã vượt qua chính trị chủng tộc. Đó thực sự là sức mạnh của người dân thông qua lá phiếu”, Khoo Ying Hooi, giáo sư nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại Đại học Malaya nhận xét.

Theo ông Mahathir, sau khi nhậm chức, ông sẽ tìm cách xin Hoàng gia ân xá cho Anwar Ibrahim để ông này có thể sẵn sàng trở thành Thủ tướng thay ông sau 2 năm nữa, như lời hứa khi tranh cử. Tuy nhiên, ông Mahathir khẳng định, để trở thành Thủ tướng Malaysia, ông Anwar Ibrahim sẽ phải trải qua một cuộc bầu cử dân chủ.

Ông Anwar lần đầu tiên bị bỏ tù vì tội tham nhũng và quan hệ không trong sáng với cấp dưới khi ông Mahathir đang đương chức và được trả tự do vào năm 2004 nhưng lại tiếp tục bị tống giam dưới thời ông Najib vào năm 2015.

Mahathir và Najib từng là đồng minh, nhưng họ xung đột gay gắt liên quan tới những cáo buộc thất thoát hàng tỉ USD trong quỹ đầu tư phát triển đất nước 1MDB do chính phủ của ông Najib lập ra và quản lý.

Vụ việc 1MDB đang được ít nhất 6 quốc gia có liên quan điều tra mặc dù ông Najib đã từ chối công nhận bất kỳ hành vi sai trái nào. Ông Mahathir trong chiến dịch tranh cử đã cam kết sẽ điều tra về vụ bê bối này nếu chiến thắng và mang số tiền bị thất thoát về cho Malaysia. Sau khi thắng cử, ông Mahathir một lần nữa nhắc lại rằng nếu Najib làm bất cứ điều gì sai trái, ông ta sẽ phải “đối mặt với hậu quả”./.