Trung Quốc có thể sẽ thất bại trong nỗ lực tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là Hiệp định CPTPP nhưng động thái xin gia nhập hiệp định này của Bắc Kinh đã cho thấy sự thiếu sót về chính sách kinh tế của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, các nhà phân tích nhận định.
CPTPP là một hiệp định thương mại gồm 11 quốc gia được hình thành năm 2018 sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) 1 năm trước đó. Cựu Tổng thống Barack Obama từng đàm phán hiệp định TPP nhằm làm sâu sắc sự tham gia về kinh tế của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương và đối phó với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Để có thể trở thành thành viên thì đề nghị gia nhập CPTPP của Trung Quốc phải được 11 thành viên ký kết hiệp định này thông qua. Các quốc gia trong CPTPP gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Căng thẳng ngoại giao của Trung Quốc với một số quốc gia sẽ ảnh hưởng đến khả năng gia nhập hiệp định này. Bắc Kinh cũng đối mặt với một số khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu của hiệp định nhằm thiết lập một sân chơi bình đẳng trong các lĩnh vực kinh tế.
Ngoài Trung Quốc, Anh cũng đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP.
Lập trường của các đồng minh của Mỹ trong CPTPP
Các đồng minh của Mỹ trong CPTPP như Australia, Canada và Nhật Bản ngày càng coi Trung Quốc là một "mối đe dọa chiến lược" và có thể ngăn cản Bắc Kinh tham gia, các nhà phân tích thuộc công ty tham vấn rủi ro Eurasia Group cho hay.
"Bắc Kinh sẽ cần đưa ra những nhượng bộ lớn trong nhiều vấn đề để tái xây dựng thiện chí với những quốc gia này. Nếu Trung Quốc không có sự dịch chuyển quan trọng trong chính sách, sẽ không có gì chắc chắn về sự thông qua của 3 quốc gia trên", các nhà phân tích này nhận định.
Một trong những ứng viên tranh cử vị trí Thủ tướng kế nhiệm của Nhật Bản đã đặt câu hỏi về khả năng của Trung Quốc trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn của CPTPP. Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan cũng nhấn mạnh trong bài phát biểu hôm 22/9 rằng, bất kỳ quốc gia nào muốn gia nhập hiệp định thương mại này đều "phải tuân thủ tất cả các quy tắc và tiêu chuẩn".
Trung Quốc và Nhật Bản hiện đang có những căng thẳng ở biển Hoa Đông trong khi Australia đang bị Trung Quốc áp thuế nhập khẩu. Trong khi đó, Canada và Mexico đều có thể từ chối chấp nhận Trung Quốc tham gia vào thỏa thuận này theo quy định của Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA). Thỏa thuận thương mại này có một điều khoản được gọi là "viên thuốc độc", yêu cầu bất kỳ quốc gia nào trong 3 thành viên phải tham vấn các bên còn lại nếu muốn theo đuổi một thỏa thuận thương mại với một quốc gia "có nền kinh tế phi thị trường".
Nhiều nhà phân tích nhận định, điều khoản này có thể nhằm vào Trung Quốc. USMCA được đàm phán dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Trump, thay thế cho Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Đáp ứng các tiêu chuẩn của CPTPP
Ngoài những rào cản chính trị, Trung Quốc còn phải đối mặt với những khó khăn trong việc đáp ứng các điều khoản của CPTPP như thúc đẩy dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới, bảo vệ người lao động và môi trường cũng như các hạn chế với những công ty thuộc sở hữu nhà nước, các nhà phân tích đánh giá.
Các doanh nghiệp từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) là những bên thường phàn nàn về những hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc như trợ giá cho các công ty nhà nước, không đáp ứng việc bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ bắt buộc.
"Việc gia nhập vào hiệp định thương mại này sẽ yêu cầu Trung Quốc đồng ý với các quy định về các công ty nhà nước, môi trường và lao động. Đây sẽ là một sự dịch chuyển lớn so với lập trường hiện nay của nước này", các nhà kinh tế thuộc công ty tham vấn Capital Economics đánh giá.
Các chuyên gia cũng cho rằng: "Khó mà chứng kiến một cú hích thúc đẩy nền kinh tế tự cung tự cấp này điều chỉnh theo các yêu cầu của CPTPP nhằm xây dựng một sân chơi bình đẳng".
Tuy nhiên, các chuyên gia thương mại khác thì nhận định, sẽ không quá khó để Trung Quốc đáp ứng các yêu cầu của thỏa thuận thương mại này. Đó là bởi CPTPP ít tham vọng hơn so với TPP, đồng thời có "những ngoại lệ lớn và những lỗ hổng rộng" giúp Trung Quốc có thể "lách luật", Stephen Olson, học giả nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Hinrich - một tổ chức phi lợi nhuận nghiên cứu về các vấn đề thương mại cho hay.
Ngoại giao thông minh
Bất kể thành công ở mức độ nào, các nhà phân tích cho rằng nỗ lực của Trung Quốc nhằm tham gia CPTPP đã nhấn mạnh tới sự mở rộng ảnh hưởng về kinh tế của nước này ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong khi Mỹ chủ yếu tập trung vào các vấn đề an ninh ở khu vực.
Đáng chú ý, động thái của Trung Quốc diễn ra sau khi thông báo thành lập liên minh an ninh AUKUS gồm Mỹ, Anh và Australia được đưa ra.
"Động thái này là một chiến lược ngoại giao thông minh sau khi thông báo về AUKUS được đưa ra bởi nó chuyển hướng chú ý sang các vấn đề thương mại và đầu tư ở châu Á - Thái Bình Dương, khu vực mà Mỹ hầu như đạt được rất ít tiến triển trong việc đối phó với tầm ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc”, các nhà phân tích Eurasia Group cho hay.
Bắc Kinh đã chỉ trích AUKUS và phủ nhận việc nộp đơn xin gia nhập CPTPP có liên quan đến thỏa thuận an ninh này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa thỏa thuận trên thành ưu tiên trong nỗ lực thúc đẩy ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, chính quyền của ông vẫn chưa đưa ra một chính sách thương mại nhằm vào Trung Quốc và các chuyên gia cho rằng, không có khả năng Mỹ gia nhập CPTPP do những vấn đề chính trị nội bộ.
Trong khi đó, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn của nhiều quốc gia trong khu vực và năm ngoái đã dẫn đầu 14 nền kinh tế khu vực ký kết thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
"Thật không may, một điều rõ ràng là Mỹ một lần nữa đang phản ứng thay vì dẫn đầu và vì thế đang để Trung Quốc quyết định những diễn biến ở châu Á", William Reinsch, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nhận định./.