Sáng 29/8 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Barack Obama chính thức tuyên bố chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hoá học để sát hại dân thường. Tuyên bố này cũng đồng nghĩa với việc Mỹ xác nhận Syria đã vượt qua "ranh giới đỏ" đã cảnh báo trước đó và sẽ bị trừng phạt.

Tuy nhiên, Tổng thống Obama cho biết ông chưa quyết định liệu Mỹ có tấn công Syria hay không dù nêu rõ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad cần phải gánh chịu "hậu quả quốc tế" đối với hành động của mình. Trong khi đó, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Marie Harf cùng ngày nhấn mạnh Mỹ sẽ không tìm kiếm sự chấp thuận của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc trước sự phản đối của Nga mà thay vào đó sẽ tiếp tục tham vấn với các đồng minh và đưa ra các phản ứng phù hợp trong những ngày tới. Tuyên bố của Tổng thống Obama và bà Harf được đưa ra sau khi Nga và Trung Quốc phản đối một nghị quyết do Anh soạn thảo về can thiệp quân sự vào Syria.        

obama%20chien%20tranh%20syria.jpg
Tổng thống Obama (ảnh: science.dodlive)

Theo các nguồn tin, ngoài 4 tàu khu trục mang tên lửa hành trình đang được triển khai tại Địa Trung Hải, tàu sân bay USS Harry Truman cùng hai tàu tuần tiễu và hai tàu khu trục khác đã rời Biển Đỏ để chuẩn bị tấn công các mục tiêu trên toàn lãnh thổ Syria.

Bất đắc dĩ phải lâm trận

Không phải đến tận bây giờ, mà ngay khi cuộc khủng hoảng Syria bùng phát vào tháng 3/2011, rất nhiều chính trị gia, nghị sỹ thuộc phái diều hâu và lãnh đạo các tổ hợp công nghiệp quốc phòng đã hối thúc Tổng thống Obama hành động để chấm dứt cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông này.

Thời điểm đó ông Obama tỏ ra lưỡng lự bởi khi ấy Mỹ đang phải căng sức cho hai cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan; nền kinh tế Mỹ rơi vào giai đoạn suy thoái sâu; thực lực của quân chính phủ Syria còn rất mạnh trong khi lực lượng đối lập còn yếu và bị chia rẽ. Ngoài ra, ông Obama còn phải lo cho cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11/2012, trong bối cảnh dân chúng Mỹ phản đối mạnh mẽ hành động can thiệp quân sự tại nước ngoài.

Vào thời điểm này, Tổng thống Obama không cần tìm kiếm một liên minh cho hành động can thiệp quân sự vào Syria vì rất nhiều đồng minh của Mỹ đã gõ cửa Nhà Trắng. Israel, Jordan, Kuwait, Qatar, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, tất cả đều xem chính quyền hiện tại ở Syria là một mối đe dọa nghiêm trọng về ngắn hạn đối với an ninh quốc gia của họ.

Một lý do nữa khiến Tổng thống Obama buộc phải cứng rắn là trước đó ông từng tuyên bố rằng Mỹ sẽ hành động nếu chính quyền Syria sử dụng vũ khí hoá học. Sau khi chính thức xác nhận Syria đã sử dụng loại vũ khí này, Tổng thống Obama không còn sự lựa chọn nào khác nếu không muốn bị coi là người chỉ biết nói suông.

Hợp pháp hoá cuộc chiến theo cách nào?

Theo Hiến pháp Mỹ, chỉ có Quốc hội mới có quyền tuyên bố chiến tranh. Ngày 29/8, hơn 80 nghị sỹ Mỹ đã ký một lá thư gửi Tổng thống Obama, phản đối các cuộc tấn công quân sự mà không có sự chấp thuận của Quốc hội.

Bức thư nhấn mạnh, sự can dự của quân đội Mỹ vào Syria khi không tồn tại mối đe dọa trực tiếp đối nào với Mỹ và không được phép của Quốc hội sẽ vi phạm các quyền đã được Hiến pháp phân định rõ ràng. Với những bất đồng lâu nay giữa Nhà Trắng và Đảng Cộng hoà, khả năng Quốc hội Mỹ phê chuẩn các hành động can thiệp quân sự vào Syria là rất thấp.

Do vậy, chính quyền Obama đang cân nhắc tiến hành một cuộc tấn công với quy mô hạn chế, sử dụng ngân sách và khí tài hiện có của quân đội, chứ không phải là cuộc chiến tranh lâu dài, đòi hỏi ngân sách lớn và cần có sự thông qua của quốc hội. Cuộc tấn công sẽ được tiến hành dưới danh nghĩa nhân đạo như cuộc không kích tại Kosovo năm 1999.

Về đối ngoại, mặc dù nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Anh và Pháp, song với sự phản đối quyết liệt của Nga và Trung Quốc, Mỹ sẽ không thể tìm kiếm một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm hợp thức hóa cuộc tấn công vào Syria. Trong trường hợp này, Mỹ và các đồng minh có thể sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của NATO hay Liên đoàn Arab để tiến hành cuộc chiến như những gì đã xảy ra tại Kosovo hay Lybia. Một lựa chọn nữa là Mỹ có thể đề nghị Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ra nghị quyết không mang tính ràng buộc để can thiệp quân sự vào Syria. Đây là phương án hoàn toàn khả thi khi trong lần bỏ phiếu trước đó về tình hình Syria, đa phần các nước thành viên Liên Hợp Quốc đều phản đối Tổng thống al-Assad. Tuy nhiên, quá trình này sẽ mất nhiều thời gian và không biết đến khi đó thì tình hình Syria đã diễn biến tới đâu.

Đánh nhưng chưa lật đổ

Với những tuyên bố cứng rắn và động thái quân sự gần đây của Mỹ thì một cuộc tấn công "có giới hạn" bằng tên lửa rất có thể sẽ diễn ra nhưng không nhằm tiêu diệt Tổng thống al-Assad hoặc lật đổ chế độ của ông này, mà chỉ phá hủy hoặc làm suy yếu khả năng của các trung tâm kiểm soát và chỉ huy, các hệ thống pháo binh và sân bay của quân chính phủ Syria.

Theo các nhà phân tích, đó sẽ là một sự lựa chọn khôn khéo, miễn là các vụ tấn công nêu trên phát đi một thông điệp mạnh mẽ và gây ra một số thiệt hại lâu dài cho hạ tầng quân sự của chế độ al-Assad.

Chính quyền Obama hiện đang phải đối mặt với một bài toán nan giải, cần những tính toán kỹ lưỡng.

Chế độ al-Assad luôn là cái gai trong mắt Washington nhưng việc thể chế này sụp đổ sẽ lợi bất cập hại đối với Mỹ, thậm chí còn gây ra hậu quả khó lường.

Trong trường hợp Tổng thống al-Assad bị lật đổ, lực lượng đối lập sẽ lên nắm quyền nhưng vấn đề ở đây là tất cả các nhóm đối lập mạnh nhất tại Syria hiện nay đều có quan hệ với al Qaeda, và rõ ràng điều này sẽ gây ra nhiều bất lợi hơn đối với an ninh của Mỹ so với chính quyền hiện tại ở Syria.

Do vậy, một sự can thiệp quân sự với quy mô vừa đủ để trừng phạt chính quyền Syria nhưng không quá lớn để lật đổ Tổng thống al-Assad là quyết định ít mạo hiểm nhất mà Mỹ có thể nghĩ tới vào thời điểm này./.