Trong cuộc họp với các đại sứ Pháp trên thế giới hôm 27/8, Tổng thống Pháp - Francois Hollande đã tuyên bố “nước Pháp đã sẵn sàng trừng phạt những kẻ đầu độc những người vô tội” – ám chỉ đối với chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad tại Syria.
Các trang báo lớn của Pháp ngày 28/8 liên tục mở các mục “trực tiếp” trên mạng, thông tin diễn biến từng giờ trong ngày về tình hình Syria, động thái của các nước lớn... Dường như một chiến dịch quân sự là khó tránh khỏi và đang tiến đến gần. Câu chuyện là hậu chiến dịch quân sự sẽ ra sao?
Pháp – sốt sắng từ lâu với vấn đề Syria
Trước hết, phải khẳng định rằng với 2 quốc gia châu Âu là Anh và Pháp, đặc biệt là Pháp, thì Syria không phải là mối bận tâm bây giờ mới xuất hiện. Kể từ khi cuộc khủng hoảng Syria bắt đầu từ gần 2 năm trước, Pháp đã là một trong những nước phương Tây đi tiên phong trong việc lên án và áp dụng các biện pháp chống lại chính quyền của ông Bashar Al-Assad. Pháp đã gây sức ép về chính trị ngoại giao với ông Assad, viện trợ quân sự cho phe nổi dậy và vận động hành lang cho các giải pháp quân sự tại Syria.
Tàu chiến Mỹ đang hiện diện ở Địa Trung Hải và có thể tham gia cuộc tấn công nhằm vào Syria. (Ảnh: Reuters) |
Có thể nói, có những thời điểm Pháp là nước phương Tây xông xáo nhất với cuộc khủng hoảng ở Syria chứ không phải Anh hay Mỹ. Tuy nhiên, sự nhiệt tình này đã giảm nhiều trong thời gian qua do Pháp và phương Tây mất lòng tin vào phe đối lập và nhìn ra những vấn đề khó khăn, phức tạp thời hậu Assad, cụ thể là mối đe dọa Hồi giáo cực đoan khi đối chứng với những diễn biến tiêu cực của các “Mùa xuân Ả rập” trong khu vực.
Nhưng, sự kiện chính quyền ông Assad bị nghi dùng vũ khí hóa học giết hại thường dân gần đây khiến Pháp và các nước phương Tây không thể ngồi yên bởi lẽ việc dùng vũ khí hóa học, vốn bị cấm tuyệt đối trong các cuộc xung đột, được xem là việc bước qua “lằn ranh giới đỏ” mà phương Tây đã vạch ra. Mỹ là cường quốc quân sự dẫn đầu phương Tây nên khi Mỹ đã muốn trừng phạt Syria thì đương nhiên Pháp và Anh không thể đứng ngoài.
Tại Pháp, trong ngày 27/8, Tổng thống Francois Hollande đã nói là “nước Pháp đã sẵn sàng trừng phạt những kẻ đầu độc những người vô tội”. Ngày 28/8, Tổng thống Francois Hollande đã họp khẩn với Hội đồng quốc phòng và tuần tới, Quốc hội Pháp sẽ triệu tập phiên họp đặc biệt để bàn về vấn đề Syria. Có thể nói, về mặt chính trị, Pháp đã sẵn sàng cho hành động quân sự cùng Mỹ.
Về mặt quân sự, tàu sân bay nguyên tử Charles De Gaulle của Pháp hiện ở Địa Trung Hải cũng đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng xuất kích. Các máy bay chiến đấu của Pháp ở căn cứ quân sự Al Dhahra ở UAE cũng đã sẵn sàng tham chiến. Tương tự, với nước Anh, Thủ tướng David Cameron liên tục có các cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Các lực lượng quân sự của Anh như tàu ngầm, trực thăng hạm cũng đã vượt qua eo Gibraltar, tiến vào Địa Trung Hải và áp sát Syria về phía Tây.
Vấn đề vũ khí hóa học – “Giọt nước làm tràn ly” hay cái cớ để phương Tây tấn công?
Sự quan tâm của các nước phương Tây, cụ thể là Pháp và Anh với vấn đề Syria không phải bây giờ mới xuất hiện. Hai cường quốc này nhiều lần đã thông qua Liên minh châu Âu (EU) để đưa ra các lệnh trừng phạt kinh tế và quân sự với chính quyền của ông Bashar Al Assad. Thậm chí có thời điểm 2 nước này còn đưa ra đề xuất hỗ trợ quân sự trực tiếp cho phe đối lập ở Syria.
Sự sốt sắng này dĩ nhiên là xuất phát từ lợi ích quốc gia của các nước, từ bàn cờ địa chính trị trong khu vực. Tất cả chúng ta đều biết rằng Syria là một trong những nước lớn nhất trong khối Ả rập, có vị trí địa chính trị vô cùng quan trọng ở Trung Đông, trong đó có phần cao nguyên Golan được coi là đặc biệt trọng yếu với các tranh chấp lãnh thổ ở khu vực.
Từ sự kiện Lybia gần 2 năm trước, các nước phương Tây muốn nhân rộng ảnh hưởng của mình sang Syria, nơi là vùng ảnh hưởng truyền thống của Nga, để tranh giành lợi ích. Tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế ở châu Âu, do thực lực có hạn, cả Pháp và Anh đều không thể đơn phương hành động ở Syria mà cần phải có sự hậu thuẫn của Mỹ.
Nước Mỹ trước nay vốn đang do dự với vấn đề Syria do chưa có lòng tin vào phe đối lập và cũng không muốn sa lầy, gây thêm tranh chấp với Nga nên ít khi nhiệt tình với vấn đề Syria. Nay có sự kiện ông Assad bị nghi dùng vũ khí hóa học, Mỹ không thể làm ngơ, buộc phải hành động thì dĩ nhiên Pháp và Anh không thể chậm trễ đứng ngoài các hoạt động quân sự này.
Dư luận Pháp: Ủng hộ hay phản đối?
Nhìn chung, dư luận tại Pháp, có nhiều người ủng hộ các hành động quân sự đối với Syria. Lí do thuyết phục nhất đó là các chứng cứ khoa học được đưa ra cho rằng chính quyền của ông Assad đã sử dụng vũ khí hóa học. Mà điều đó thì không thể chấp nhận được với phương Tây và cộng đồng quốc tế bởi vũ khi sinh hóa đã bị cấm sử dụng trong tất cả các Hiệp ước quốc tế từ 90 năm nay. Trên khía cạnh nào đó, nếu việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria là có thật, thì việc tấn công quân sự Syria được xem là một hành động bảo vệ công lý.
Thế nên, dư luận ủng hộ cũng là điều dễ hiểu, đặc biệt khi chính quyền của ông Assad đã bị nhiều tiếng xấu về độc tài. Tất nhiên, cũng có những người cho rằng việc Tổng thống Pháp Francois Hollande sốt sắng với chiến dịch quân sự ở Syria chẳng qua chỉ là hành động đánh trống lảng để phân tán sự quan tâm của người dân Pháp vào dự thảo Luật cải cách hưu trí đang gây tranh cãi lớn trong xã hội Pháp do chính phủ của ông vừa đưa ra.
Tuy nhiên, không ít người thận trọng bởi nhiều chiến dịch can thiệp quân sự trước của phương Tây vào Trung Đông đến nay vẫn chưa đâu vào đâu và để lại nhiều hậu quả. Đó là chưa kể những lùm xùm quanh việc tung ra những chứng cứ bị cho là giả mạo để thuyết phục người dân ủng hộ chiến dịch quân sự.
Một chiến dịch chớp nhoáng?
Bài học ở Lybia khiến các nước phương Tây hiện rất thận trọng với các kịch bản can thiệp quân sự. Với tiềm lực của Mỹ, Pháp, Anh và các đồng minh thì việc tấn công quân sự, lật đổ chính quyền không phải điều quá khó khăn, nhưng quan trọng là các kịch bản hậu chiến ra sao. Tình hình chính trị hỗn loạn tại nhiều nước Ả rập sau các “Mùa xuân Ả rập”, sự yếu kém của chính phủ mới được lập lên ở Lybia, sự nổi lên của các phong trào Hồi giáo cực đoan… là điều khiến phương Tây phải rất thận trọng khi phiêu lưu quân sự.
Chính vì thế, bản thân các nước Mỹ, Pháp, Anh đều chỉ đề cập đến một chiến dịch quân sự hạn chế, tức là tấn công Syria trong vài ngày. Mục đích, như phía Mỹ tuyên bố, là “để gửi đi một thông điệp cho ông Assad”, như Pháp nói thì là “trừng phạt những kẻ đầu độc người vô tội”.
Các kịch bản quân sự đều thiên về hướng phương Tây sẽ tấn công bằng tên lửa từ các tàu chiến ngoài khơi và không kích Syria, chứ chưa hề có viễn cảnh trực tiếp tham chiến trên đất liền bằng bộ binh. Nói cách khác, phương Tây chỉ muốn trừng phạt và cảnh cáo Syria không được bất chấp mọi quy ước quốc tế trong chiến tranh, thông qua đó cũng muốn nắn gân và thử thái độ của Nga, đồng minh có sức nặng nhất của ông Assad và làm suy yếu phần nào chính thể của ông Assad.
Trước mắt, đây sẽ chỉ là một chiến dịch quân sự có tính toán để chuẩn bị cho các bước đi lâu dài phía sau của các nước phương Tây mà thôi./.