Lãnh đạo cấp cao của hơn 50 quốc gia đang có mặt tại thủ đô Washington DC để tham dự Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân lần thứ 4 diễn ra từ 31/3 đến 1/4 (theo giờ địa phương).

hoi_nghi_2016_nlnq.jpg
Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân lần thứ 4 diễn ra từ 31/3 đến 1/4.

Được tổ chức 2 năm một lần theo sáng kiến của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào năm 2009, Hội nghị là diễn đàn để các nhà lãnh đạo thế giới tái khẳng định các cam kết ở mức cao nhất về an ninh hạt nhân, vật liệu phóng xạ và chống khủng bố hạt nhân.

Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân 2016 diễn ra trong bối cảnh an ninh thế giới không mấy sáng sủa: Triều Tiên tiếp tục thử hạt nhân và rocket tầm xa; tổ chức khủng bố khét tiếng IS vừa thực hiện các vụ tấn công đẫm máu tại Bỉ và đang tìm cách sở hữu nguyên liệu hạt nhân.

Nhưng đây cũng chính là yếu tố thúc đẩy các nhà lãnh đạo thế giới đưa ra những cam kết và hành động mạnh mẽ hơn trong 2 ngày họp để tăng cường an ninh hạt nhân, tiến đến loại trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân như mục tiêu cuối cùng của hội nghị.   

Nguy cơ khủng bố hạt nhân   

Ngay trong bài phát biểu tại Cộng hòa Séc vào năm 2009 về sáng kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cảnh báo khủng bố hạt nhân chính là mối đe dọa hiện hữu và nguy hiểm nhất đối với an ninh toàn cầu.

Nguy cơ này ngày một nghiêm trọng khi tổ chức khủng bố tàn bạo và cực đoan nhất hiện nay, IS đang tìm cách sở hữu nguyên liệu hạt nhân và tấn công các cơ sở hạt nhân, mà bằng chứng mới nhất là 2 kẻ đánh bom tại Brussels vừa qua đã gắn camera theo dõi hoạt động của một chuyên gia hạt nhân hàng đầu của Bỉ cũng như lập kế hoạch tấn công một cơ sở hạt nhân tại đây.

Theo ước tính, hiện có khoảng 2.000 tấn nguyên liệu hạt nhân có thể sử dụng để chế tạo vũ khí đang nằm trong các chương trình dân sự và quân sự trên toàn thế giới, chưa kể nguồn nguyên liệu phóng xạ dùng trong công nghiệp hay y tế. Do việc sản xuất nguyên liệu hạt nhân là rất khó khăn về thiết bị và tốn kém về tài chính nên các tổ chức khủng bố chỉ có thể lấy trộm hoặc mua của một quốc gia nào đó.

Hội nghị là diễn đàn để các nhà lãnh đạo thế giới tái khẳng định các cam kết ở mức cao nhất về an ninh hạt nhân. (Ảnh: New York Times)

Trong 2 thập kỷ qua đã có tới 2700 vụ thất lạc nguyên liệu phóng xạ bao gồm cra uranium được làm giàu ở mức độ cao. Giới chức Mỹ cho rằng một vụ tấn công khủng bố bằng thiết bị hạt nhân tự chế sẽ gây ra những tác động khôn lường về chính trị, kinh tế, xã hội, tâm lý và môi trường trên toàn cầu và do vậy sẽ cần một giải pháp toàn cầu.

Chính vì vậy mà hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ dành nhiều thời gian để thảo luận các biện pháp đối phó với mối đe dọa khủng bố hạt nhân, cũng như tổ chức một phiên họp đặc biệt về cách thức đánh bại IS. Các bên cũng sẽ thảo luận các biện pháp nâng cao tiêu chuẩn an ninh hạt nhân thông qua việc chia sẻ thông tin, xây dựng Trung tâm Xuất sắc, phê chuẩn và thực thi các hiệp định liên quan… nhằm ngăn chặn các phần tử khủng bố tiếp cận nguyên liệu hạt nhân.

Vấn hạt nhân Triều Tiên

Việc Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân lần này rơi đúng vào thời điểm Triều Tiên vừa tiến hành thử hạt nhân, phóng rocket tầm xa và liên tục có những tuyên bố đe dọa hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đã tạo ra cơ hội không thể tốt hơn để các bên liên quan tập trung giải quyết vấn đề gai góc này.

Ngay trước thềm hội nghị, Tổng thống Obama đã có 2 cuộc gặp liên tiếp với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để tháo ngòi nổ trên bán đảo Triều Tiên.

Sau cuộc gặp 3 bên, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tuyên bố sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa để răn đe mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện nghiêm túc các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc đối với Bình Nhưỡng.

Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình, cũng tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và thực thi đầy đủ các lệnh cấm vận đối với Triều Tiên. Nhiều khả năng Triều Tiên sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt nặng nề hơn nữa nếu tiếp tục có các hành động khiêu khích.

Cuộc gặp 3 bên, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tuyên bố sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa để răn đe mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên. (Ảnh: Reuters)

Sự vắng mặt đáng tiếc của Nga

Việc Nga từ chối tham dự là điều vô cùng đáng tiếc với hội nghị thượng đỉnh lần này khi Nga được xem là quốc gia đang sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới và đóng vai trò quan trọng trong giải trừ hạt nhân quốc tế mà gần đây nhất là thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1.

Sự vắng mặt của Nga có thể sẽ khiến các nỗ lực đảm bảo an ninh hạt nhân mất đi phần nào động lực đúng vào thời điểm cần phải đẩy mạnh nhất trước nguy cơ khủng bố hạt nhân ngày một hiện hữu. Phía Nga cho biết nước này không tham dự hội nghị là do thiếu sự hợp tác giữa các bên trong quá trình xây dựng chương trình nghị sự.

Tuy nhiên, giới phân tích lại cho rằng nguyên nhân chính là do căng thẳng giữa hai nước cũng như giữa chính cá nhân Tổng thống Obama và Tổng thống Putin trong thời gian qua trong vấn đề Ukraine và Syria.

Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes cho rằng, quyết định của Nga đã khiến Moscow mất đi cơ hội cho chính mình và tự cô lập mình trước một nỗ lực mang tính toàn cầu. Tuy nhiên, ông Rhodes cũng khẳng định động thái của Nga không ảnh hưởng tới hợp tác giữa hai nước trong vấn đề hạt nhân. Theo ông Rhodes, Mỹ và Nga đang đối thoại và hợp tác trong các vấn đề an ninh hạt nhân và điều quan trọng là quá trình này vẫn đang tiếp diễn.

Việc Nga từ chối tham dự là điều vô cùng đáng tiếc với hội nghị thượng đỉnh lần này. (Ảnh minh họa: Reuters)

Tương lai của an ninh hạt nhân

Cho đến nay thì các hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân đã đạt được nhiều tiến bộ với trên 260 cam kết quốc gia trong các lĩnh vực như dỡ bỏ hoặc tiêu hủy nguyên liệu hạt nhân, thay đổi chức năng lò phản ứng, phê chuẩn và thực hiện các hiệp định, tăng cường quy định, nâng cấp công nghệ…và 2/3 trong số này đã được thực hiện. 12 quốc gia cũng đã tiêu hủy hoàn toàn uranium làm giàu ở mức độ cao và plutonium phân tách.  

Để duy trì động lực, cuộc họp thượng đỉnh cuối cùng này sẽ đưa ra các kế hoạch hành động cụ thể, qua đó hỗ trợ các thể chế quốc tế như Liên Hợp Quốc, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế, Interpol…cũng như các sáng kiến liên quan đến an ninh hạt nhân. Một nhóm tiếp xúc an ninh hạt nhân cũng sẽ được thành lập với mục đích duy trì sự phối hợp ở cấp chuyên gia nhằm đồng bộ hóa việc thực thi các cam kết đạt được trong cả 4 hội nghị.

Bất chấp những tiến bộ kể trên, tổ chức chống phổ biến hạt nhân Nuclear Threat Initiative cho rằng, vấn đề an ninh hạt nhân hầu như vẫn giậm chân tại chỗ trong 2 năm qua, đặc biệt là trong bảo vệ cơ sở hạt nhân, an toàn vận chuyển và thu hồ vật liệu phóng xạ thất lạc do thiếu một hệ thống an  ninh hạt nhân toàn cầu hiệu quả. Ấn Độ, Pakistan và Nhật Bản cũng đang có dấu hiệu tăng cường khả năng hạt nhân của mình.

Hơn nữa, một cơ chế quốc tế do Mỹ đứng đầu như hội nghị thượng đỉnh hạt nhân sẽ khó có thể được khôi phục trong vòng 6 hay 8 năm nữa trong bối cảnh an ninh hạt nhân dường như không phải là ưu tiên ngoại giao hàng đầu của các ứng cử viên tổng thống Mỹ hiện nay./.