Hai bên đã bàn thảo và thống nhất rất nhiều vấn đề cần được triển khai trong thời gian tới để phục vụ cho việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước vừa bị gián đoạn bởi sự cố đáng tiếc nói trên. Thủ tướng Medvedev đã nhận định “bằng những nỗ lực chung, chúng ta đã khép lại mối quan hệ rắc rối trước đó giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ”.
Kinh tế- thương mại được bàn thảo kỹ lưỡng
Cụ thể, hai bên đã thảo luận những vấn đề chủ yếu liên quan đến quan hệ kinh tế-thương mại. Đó là việc xây dựng những cơ chế mới trong hợp tác kinh tế; xây dựng một quỹ Đầu tư chung Nga-Thổ và sẽ đi vào hoạt động ngay trong đầu năm 2017; kế hoạch tiếp tục triển khai các dự án về năng lượng, trong đó có đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”; là biện pháp để cung cấp tài chính cho những dự án đã có, đặc biệt là dự án về công nghệ cao…
Thủ tướng Medvedev khẳng định cuộc hội đàm song phương đã đề cập nhiều vấn đề và rất thực chất. Theo đó, hai bên đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng, trong đó có việc Nga giúp Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy điện hạt nhân Akkuiu vào năm 2023, Dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” sẽ sớm được đưa ra xem xét thông qua tại Duma Quốc gia Nga (tức Hạ viện)…
Đánh giá về kết quả quan trọng chuyến thăm Nga của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Nga Vladimi Putin cho rằng, đây là “cơ sở quan trọng cho cuộc gặp Thượng đỉnh song phương sắp tới”.
Ngay trước chuyến thăm của Thủ tướng Yildirim tới Nga, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn thỏa thuận về việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” đồng thời đề xuất giao giao dịch bằng nội tệ trong quan hệ thương mại với Nga.
Điều này cũng dễ hiểu vì có thể nói thời gian qua, kinh tế và thương mại là lĩnh vực đã chịu nhiều mất mát nhất. Không chỉ Thổ Nhĩ Kỳ mà cả Nga đã phải trả giá sau sự cố Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Su24 của Nga trên bầu trời Syria.
Một yếu tố nữa cũng tác động mạnh mẽ để hai nước tìm cách “xích lại gần nhau thêm” là mối quan hệ thương mại, du lịch giữa Thổ Nhĩ Kỳ với EU cũng đang trong bế tắc sau khi Thổ Nhĩ Kỳ có những bước đi cứng rắn sau vụ đảo chính bất thành.
Trên thực tế, hiện nay không chỉ đồng Ruble của Nga bị mất giá mà cả đồng Lira của thổ Nhĩ Kỳ cũng mất 1/5 giá trị trong tỷ giá trao đổi với đồng USD. Chính vì thế, thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trong thương mại giúp Thổ Nhĩ Kỳ mua dầu khí bằng Ruble và đổi lại Nga sẽ mua hàng hóa bằng Lira hứa hẹn tác động tích cực cho hai quốc gia trong việc ổn định tiền tệ.
Thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại và tiền tệ giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ có lợi ích thuần túy về kinh tế mà thỏa tuận này tạo ra sự gắn bó, giàng buộc quyền lợi của hai quốc gia trong nhiều vấn đề của khu vực trung đông cũng như toàn cầu.
Mặt khác, mối quan hệ hợp tác này sẽ giúp hai quốc gia dần thoát khỏi sự lệ thuộc vào các quan hệ truyền thống đang bị áp lực, cũng như có vai trò độc lập hơn trong các quan hệ quốc tế khác.
Một trong những nội dung được xếp hàng đầu trong cuộc gặp của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Yildirim với Thủ tướng Nga Medvedev là tình hình Syria, nơi hai bên từng có quan điểm khá khác biệt.
Syria không kích binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ: Quan hệ Nga-Thổ lại căng?
Vấn đề Syria- mối quan tâm chung hàng đầu
Những vấn đề hợp tác kinh tế dù được hai bên rất coi trọng, nhưng bởi hai bên còn không ít bất đồng liên quan tới tình hình Syri nên việc tập trung thảo luận vấn đề này cũng là dễ hiểu.
Mấu chốt nhất trong quan điểm khác biệt đối với tình hình Syria là do mục tiêu mà Nga và Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi nhiều khi đối nghịch nhau. Gần đây nhất, khi Thổng thống Erdogan tại một hội nghị chuyên đề ở Istanbul đã nhấn mạnh rằng “Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động một chiến dịch quân sự ở Syria để chấm dứt chế độ cầm quyền của Tổng thống al-Assad” thì Điện Kremlin đang chờ Thổ Nhĩ Kỳ làm rõ về phát biểu này của ông.
Trong khi đó, như nhận định của Cựu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Iraq thì “Mục tiêu quân sự cũng như chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Syria đều không được xác định rõ ràng” và bởi thế, phía Nga rất mong Thổ Nhĩ Kỳ phải hiểu rằng việc giải quyết xung đột Syria trong tình hình hiện nay không thể thiếu ông Assad.
Một số nhà phân tích cho rằng xu hướng ngả về Nga của Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ xuất phát từ nhu cầu nội tại của nước này mà còn đang được thúc đẩy bởi sự cứng rắn của Liên minh châu Âu trong quá trình xem xét kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào khối.
Trong thời gian gần đây, những bất đồng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Liên minh châu Âu cũng như Mỹ trên nhiều vấn đề then chốt ngày càng gia tăng. Trước thực tế này, Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên đưa ra những tín hiệu sẽ điều chỉnh chính sách ngoại giao cũng như hình thành các mối quan hệ mới.
6 thách thức để Nga- Thổ Nhĩ Kỳ “mặn nồng” trở lại
Có thể nói, sau biến cố đảo chính bất thành thì quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Tây Âu cũng như với Mỹ bắt đầu có tín hiệu đảo chiều. Với những thất vọng về Mỹ đối với vấn đề Syria và việc chưa dẫn độ nhà truyền giáo Thổ Nhĩ Kỳ Gulen cho nước này… thì việc Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn xích lại với Nga cũng là có cơ sở.
Tổng thống Erdogan cũng từng tuyên bố trực diện với EU: “Phương Tây đã không làm gì tốt cho chúng ta. Thổ Nhĩ Kỳ chẳng nên mong đợi gì từ phương Tây cả, nếu đã hơn 53 năm mà vẫn cứ phải đợi bên cạnh cửa của Liên minh châu Âu. Chúng ta sẽ tự giải quyết vấn đề của mình”./.