Việc quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ trở lại “nồng ấm” sau cuộc gặp thượng đỉnh ngày 9/8 tại St Petersburg không có gì là quá bất ngờ, nhưng cũng không tạo ra sự ảo tưởng quá mức. Hiện vẫn còn nhiều vấn đề và mâu thuẫn nghiêm trọng trong quan hệ giữa Moscow và Ankara, như một số nhà nghiên cứu bình luận, để 2 bên trở thành một "liên minh chiến lược".

putin_erdogan_lffm.jpg
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan gặp nhau hôm 9/8/2016 (Ảnh RG).

1. Khủng hoảng Syria

Điều cốt lõi trong vấn đề này là vị trí đối nghịch của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột ở Syria. Tổng thống Nga Vladimir Putin đang ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lại nỗ lực lật đổ chính quyền này.

Ankara cũng đã không ngừng ủng hộ các lực lượng đối lập Syria. Các lực lượng đối lập này đang hiện hữu tại Aleppo và phải chịu đựng những trận dội bom của không quân Nga. Điều đáng lưu ý là quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã từng lâm vào khủng hoảng tồi tệ nhất trong quan hệ song phương sau vụ không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay của Nga (Su-24) vào tháng 11/2015. Những mâu thuẫn này chưa thể nói là đã được hóa giải hết.

2. Vấn đề người Kurd

Vấn đề thứ hai cũng liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Syria – đó là vấn đề người Kurd. Đối với Ankara, các đơn vị của người Kurd ở Syria đang chiến đấu chống lực lượng Hồi giáo cực đoan vừa là đối thủ, lực lượng ly khai và đồng lõa của "những kẻ khủng bố" thuộc Đảng Công nhân người Kurd, mà ông Erdogan đang tiến hành một cuộc chiến tranh chống lại.

Trong khi đó, đối với Moscow, người Kurd tại Syria lại là đồng minh tiềm năng. Moscow cũng có mối quan hệ truyền thống, đặc biệt với những người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, mà họ không coi là kẻ thù.

3. Nagorno-Karabakh

Vấn đề thứ ba là vấn đề liên quan đến cuộc xung đột Armenia-Azerbaijan về vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh, kéo dài đến nay là thập kỷ thứ 3. Moscow luôn được thế giới nhìn nhận là đồng minh tiềm năng của Armenia, và họ đều là thành viên của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO). Còn đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nước này thậm chí không cần thể hiện tính khách quan và vô tư, Ankara dứt khoát đứng về phía Baku.

4. Cạnh tranh về địa chính trị

Vấn đề thứ tư liên quan đến không gian hậu Xô Viết. Ankara đã có quan hệ tốt với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ (ngoài Azerbaijan, còn có Uzbekistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Turkmenistan) và điều này khiến Ankara đối với Moscow là một đối thủ cạnh tranh địa chính trị.

Một vấn đề đặc biệt và đau đớn là ngôn ngữ Thổ đã xâm nhập vào các nước cộng hòa này như một ngôn ngữ "anh em" của Liên bang Nga.

5. Yếu tố chống Kremlin ở Thổ Nhĩ Kỳ

Vấn đề thứ năm liên quan đến thực tế là có những tổ chức thể hiện công khai sự thù địch đối với Moscow (Ví dụ như những người Tatar gốc Crimea và những người từ Bắc Kavkaz). Những tổ chức này đang hoạt động trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ mà không có bất cứ sự kiềm chế nào.

Những tổ chức này được hỗ trợ bởi nhiều người ở hải ngoại có ảnh hưởng. Vì vậy, ngay cả khi muốn cải thiện mối quan hệ với Nga, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan sẽ gặp phải sự phản đối nghiêm trọng ngay trong đất nước của mình.

6. Thiếu sự tin cậy

Vấn đề thứ sáu là sự khủng hoảng lòng tin. Moscow không còn công khai nói về vụ máy bay Nga bị bắn rơi hồi tháng 11/2015. Nhưng vụ việc không thể bị lãng quên. Cũng giống như các tuyên bố đầy thù địch của các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có Tổng thống Erdogan, đưa ra ngay sau vụ việc xảy ra, cũng không bị lãng quên. Sẽ rất là kỳ lạ nếu như sau vụ máy bay Su-24 bị bắn rơi, Moscow không có một kết luận đích xác về độ tin cậy và khả năng dự báo của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuối cùng, có một vấn đề thứ bảy: việc nối lại quan hệ giữa 2 nước, xét về mặt thực tế, là bắt buộc. Phương Tây tiếp cận Nga, và gần đây là Thổ Nhĩ Kỳ một cách thận trọng và tìm cách giữ khoảng cách với cả 2 nước này. Trong tình huống như vậy, nỗ lực tìm kiếm một đối tác thay thế và thoát ra khỏi sự cô lập quốc tế dường như hoàn toàn tự nhiên. Đồng thời, cũng không có gì đảm bảo rằng nếu Thổ Nhĩ Kỳ bình thường hóa quan hệ với Mỹ và EU, sẽ tiếp tục hợp tác với Nga và thực hiện dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.

Đó là lý do tại sao chúng ta chưa nên nói về quan hệ đối tác chiến lược giữa Moscow và Ankara. Tuy nhiên, so với tình trạng căng thẳng có thể dẫn tới một cuộc xung đột vũ trang mà chúng ta thấy cách đây nửa năm, việc hòa giải hiện nay là bước tiến lớn. Nó đem lại hy vọng rằng các bên đang cố gắng để giải quyết ít nhất là một số trong những vấn đề nêu trên./.