Ông Putin nói rằng ông không hề muốn gây xung đột với Mỹ, tuy nhiên quan điểm này của ông đã phản ánh rõ rệt sự quan ngại của Nga về ý đồ của Mỹ.

Tổng thống Putin đã đưa ra lời tuyên bố trên khi được yêu cầu bình luận về gợi ý rằng Nga và các nước khác nên rút khỏi Bắc Cực để bảo vệ môi trường ở đây, một điều mà ông Putin cực lực phản đối.

sub_copy.jpg
Sự hiện diện của tàu ngầm USS Connecticut thuộc lớp Sói Biển tại Băc Cực đang gây nhiều mối lo ngại cho Nga (Ảnh AP)

“Các chuyên gia đều biết rằng các tên lửa của Mỹ chỉ mất 15-16 phút để có thể chạm đến Moscow từ biển Barents-một vùng tại Bắc Cực gần bờ biển của Nga”, ông Putin cho biết.

Tổng thống Putin cũng mô tả Bắc Cực là khu vực rất quan trọng đối với lợi ích kinh tế và an ninh của Nga.

“Trữ lượng khí và dầu mỏ tại vùng biển này là rất lớn. Hơn thế nữa, vùng biển này có vị trí chiến lược đối với an ninh quốc phòng của Nga”, ông Putin khẳng định.

Trong khi nhấn mạnh việc Nga cần phải hợp tác với Mỹ và nhiều nước khác, ông Putin nói thêm rằng Moscow cần phải nhận thức rõ ràng về sự hiện diện của hải quân Mỹ tại đây.

“Tôi luôn khẳng định rằng chúng ta sẽ không bao giờ tham gia vào một cuộc xung đột mang tính chất toàn cầu, đặc biệt là với Mỹ. Ngược lại, chúng ta cần phải phát triển mối quan hệ đối tác với Mỹ và chúng ta có rất nhiều cơ hội để đạt được điều này. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận một thực tế rằng tàu ngầm mang tên lửa của Mỹ vẫn đang có mặt tại Bắc Cực”, ông Putin nói.

Quân đội Nga đã khôi phục lại một căn cứ quân sự tại quần đảo New Siberia bị đóng cửa sau ngay sau khi Liên bang Xô Viết tan rã. Các quan chức Nga cho biết cơ sở này đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ tuyến đường thủy nối liền châu Âu với khu vực Thái Bình Dương thông qua Bắc Băng Dương.

Tháng 9 năm nay, một đội tàu hải quân của Nga do một tuần dương hạm mang đầu đạn hạt nhân đã đến quần đảo này.

Cả Nga, Mỹ, Canada, Đan Mạch và Na Uy đều đã cố gắng giành được quyền kiểm soát chính thức tại các khu vực khác nhau của Bắc Cực, nơi được cho là có số lượng dầu và khí chiếm tới gần 25% tổng số lượng dầu và khí chưa được khám phá trên toàn thế giới.

Trước đó, năm 2007, Nga đã tiến hành một hành động mang tính tượng trưng nhằm công bố chủ quyền khu vực thềm lục địa của Bắc Cực bằng việc thả một chiếc hộp lớn có cờ của nước này xuống đáy đại dương từ một tàu ngầm nhỏ tại khu vực này.

Gần đây, Nga cũng đã bắt 30 thủy thủ đoàn trên một chiếc tàu thuộc tổ chức Hòa bình Xanh khi họ tham gia vào việc phản đối Nga mở dàn khoan tại khu Bắc Cực. Hai tháng sau khi ngồi tù ở Nga, họ đã được thả ra sau khi nộp tiền tại ngoại./.