Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo hôm 28/10 nói rằng Bắc Kinh phải công nhận chủ quyền của Philippines trên Biển Đông trước khi hai bên có thể khai thác dầu khí chung.

philippines_plvv.jpeg
Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo. (Ảnh: Reuters).

“Đối với tôi, tiền đề cho việc thỏa thuận với Trung Quốc là việc nước này phải thừa nhận quyền chủ quyền và chủ quyền của chúng tôi trong các khu vực sẽ khai thác chung” - bà Robredo nói.

Philippines và Trung Quốc hồi tháng 8 đồng ý thành lập các nhóm làm việc để khai thác các thỏa thuận thương mại dầu khí ở Biển Đông.

Bà Robredo nhắc đến chiến thắng mang tính bước ngoặt của Philippines trước Tòa án Trọng tài Thường trực ở Hague, phán quyết chống lại các yêu sách lịch sử phi pháp của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông năm 2016.

Philippines và Trung Quốc ký một bản ghi nhớ thỏa thuận về thăm dò dầu khí chung ở Biển Đông trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Manila vào tháng 11/2018.

Đây không phải là lần đầu tiên Phó Tổng thống Robredo chỉ trích chính quyền ông Duterte nhân nhượng trong vấn đề Biển Đông để đổi lấy thỏa thuận khai thác chung với Bắc Kinh.

Hồi tháng 9, bà Robredo công khai tuyên bố việc Tổng thống Duterte có ý định gác phán quyết Biển Đông sang một bên để đổi lấy thỏa thuận khai thác dầu khí với Bắc Kinh là đáng thất vọng và cực kỳ vô trách nhiệm. "Tham gia vào bất cứ thỏa thuận nào không nên trả giá bằng việc duy trì các quyền của chúng ta đối với Biển Đông. Đảm bảo tương lai tốt đẹp cho thế hệ sau là một trong những trọng trách quan trọng và khó khăn nhất của bất cứ chính quyền nào". 

Bà nói việc bán tương lai để lấy một thỏa thuận khí đốt với Trung Quốc là một cách đáng xấu hổ để từ bỏ trách nhiệm đó.

Không chỉ bà Robredo, nhiều chính trị gia và dư luận Philippines cũng phản đối gay gắt ý định gác phán quyết Biển Đông đổi lấy thỏa thuận khai thác chung với Bắc Kinh của chính quyền ông Duterte.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. lên tiếng khẳng định phán quyết của Tòa Trọng tài là vượt lên trên thỏa hiệp giữa ông Duterte và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình, do đó không thể gạt phán quyết sang một bên. Tương tự, hồi đầu tháng 9 Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio cũng khẳng định Tổng thống Philippines không có thẩm quyền quyết định phán quyết của tòa bị bãi bỏ, bị đảo ngược hoặc bị phủ quyết./.