Trong chuyến thăm đến Pháp ngày 10/3, ông John Kerry đã có các cuộc gặp và làm việc với Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron và Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire. Tại cả hai cuộc gặp, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu đều khẳng định, hiện nay thế giới chưa hành động đủ để hoàn thành các cam kết của Thỏa thuận Paris về khí hậu được các nước ký năm 2015.

Theo ông John Kerry, mấu chốt của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hiện nay là thiếu các nguồn tài chính và thế giới sẽ phải cần đến hàng nghìn tỷ USD để tài trợ cho các chương trình chuyển đổi năng lượng, phát triển bền vững.

Vì thế, trong cuộc làm việc với Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire, hai phía Mỹ và Pháp đã thống nhất sẽ thành lập một nhóm làm việc chung để nghiên cứu đưa ra một loại thuế carbon xuyên biên giới. Nhóm làm việc này sẽ định ra các cơ chế để xác định các sản phẩm xanh và qua đó đánh thuế vào các sản phẩm dựa trên các tiêu chí bảo vệ môi trường.

Ý tưởng này vốn là một trong những ưu tiên của chính phủ Pháp trong năm 2022, khi Pháp giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu – EU và theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire, nếu Mỹ tham gia, các bên sẽ tránh được các mâu thuẫn và huy động được một nguồn tài chính lớn.

 “Tôi đã đề xuất với ông John Kerry rằng nên có một chính sách thuế giống nhau giữa Mỹ và châu Âu. Châu Âu đã đi xa trong việc xây dựng các chính sách thuế về môi trường và biết chính xác khoản đầu tư nào là xanh và khoản nào không phải. Nếu Mỹ và châu Âu thiết lập hai luật lệ khác nhau thì đó sẽ là nguồn cơn lớn gây ra sự rối loạn trong quan hệ giữa hai bên”.

Ngoài vấn đề tìm nguồn tài chính khổng lồ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ cũng muốn cùng Pháp thúc đẩy việc thành lập một liên minh vì khí hậu. Theo kế hoạch, chính quyền mới tại Mỹ sẽ tổ chức một hội nghị quốc tế trong tháng 4/2021, quy tụ 20 quốc gia chịu trách nhiệm thải ra 81% lượng khí carbon trên toàn cầu.

Hiện Mỹ muốn cùng Pháp và các đối tác châu Âu khác gây sức ép buộc một số nước gây ô nhiễm lớn như Nhật Bản, Nga, Brazil, Ấn Độ phải đưa ra các lộ trình cam kết cắt giảm khí phát thải carbon nhanh hơn. Hiện châu Âu đặt mục tiêu đến năm 2050 sẽ cắt bỏ toàn bộ khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trung Quốc cũng đã cam kết hoàn thành mục tiêu này vào năm 2060./.