Chuyến thăm 5 ngày của đoàn nghị sĩ Mỹ được dư luận hết sức quan tâm trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Cuba đang căng thẳng sau những chính sách gần đây của Mỹ liên quan tới những bất đồng về cái gọi là "tấn công bằng sóng âm" đối với các nhà ngoại giao Mỹ ở Havana.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau ngày thứ 3 ở thăm Cuba, trưởng phái đoàn Mỹ, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Patrick Leahy cho biết, phái đoàn lưỡng viện Mỹ đã tham gia vào các nỗ lực thay thế “chính sách cô lập của Mỹ trong suốt 50 năm qua” đối với Cuba và tìm kiếm con đường mới hướng tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Phái đoàn của Mỹ cho biết, họ đã có cuộc gặp Chủ tịch Cuba Raul Castro. Hai bên trao đổi quan điểm về vấn đề về lợi ích chung giữa hai nước.
Thượng nghị sỹ Patrick Leahy nói: "Tôi có ấn tượng rằng, phía Cuba đã có những đề nghị hợp tác mà chúng tôi mong đợi. Tôi không thấy họ có lợi ích gì khi làm tổn hại những nhân viên ngoại giao của Mỹ, bởi vì điều đó sẽ làm tổn hại quan hệ giữa hai nước”
Trong phái đoàn của Mỹ đến thăm Cuba lần này còn có Thượng nghị sĩ Ron Wyden và Gary Peters, cùng đại diện các bang gồm Jim McGovern, Kathy Castor và Susan Davis.
Phái đoàn của Mỹ đã gặp nhiều quan chức cũng như các lãnh đạo doanh nghiệp Cuba, nhằm tìm hiểu thực tế về những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Cuba.
Trong cuộc họp báo, ông Jim McGovern, đại diện Đảng dân chủ Mỹ cho rằng, việc đình chỉ cấp thị thực cho người dân Cuba là đi ngược lại những giá trị mà người Mỹ yêu mến.
"Một giá trị cơ bản ở Mỹ là hỗ trợ các gia đình. Tuy nhiên, các chính sách của Mỹ hầu như khiến người dân bình thường Cuba không thể đến Mỹ cho dù để dự tang lễ, hoặc đám cưới hoặc gặp mặt gia đình. Tôi nghĩ điều này đi ngược lại với các giá trị của Mỹ”, ông Jim McGovern nói.
Tín hiệu tích cực trong quan hệ Mỹ - Cuba
Một trong những nội dung quan trọng mà Mỹ và Cuba thảo luận cũng là cáo buộc "tấn công sóng âm" và sức khỏe thính giác của các nhân viên Đại sứ quán Mỹ ở Cuba. Quan chức ngoại giao Cuba đã nhấn mạnh với các nghị sĩ Mỹ rằng các nhà điều tra của cả Mỹ và Cuba đều không tìm thấy bằng chứng nào về một vụ tấn công như vậy. Ngoài ra, hai bên cũng trao đổi về hợp tác song phương trong các lĩnh vực an ninh hàng hải, tìm kiếm và cứu hộ, chống ma túy, buôn người và nhập cư.
Trước đó, Chính phủ Mỹ cho rằng 24 nhân viên ngoại giao nước này tại Havana bị ảnh hưởng về sức khỏe, gồm suy giảm thính lực, các vấn đề về nhận thức và mất ngủ, sau khi nghe những âm thanh lạ từ tháng 11/2016.
Giới chức Mỹ đã gọi vụ việc này là "tấn công sóng âm", nhưng cho tới nay Mỹ chưa đưa ra bất cứ bằng chứng nào. Mặc dù không trực tiếp cáo buộc phía Cuba, song Mỹ nhấn mạnh trách nhiệm của Cuba là phải đảm bảo an toàn cho các nhà ngoại giao trên lãnh thổ đảo quốc vùng Caribe này.
Mỹ đồng thời tiến hành hàng loạt biện pháp làm leo thang căng thẳng song phương, bao gồm rút hơn một nửa số nhân viên ngoại giao ở Cuba về nước, trục xuất 15 nhà ngoại giao Cuba và ngừng hoạt động lãnh sự tại Cuba./.
Mỹ và Cuba tranh cãi nảy lửa về vụ tấn công sóng âm