Nghị định thư Paris được Israel và Palestine ký năm 1994, là cơ sở điều chỉnh sự chuyển đổi trong nền kinh tế Palestine ở các lĩnh vực như lao động, cung cấp năng lượng, quan hệ thương mại và hoạt động tài chính. Nghị định thư này vẫn ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế của Palestine ngày nay. Nó được coi là nguyên nhân dẫn đến giá cả hàng hóa tại Palestine tăng cao trong thời gian gần đây. Đặc biệt, Nghị định thư Paris 1994 uỷ quyền cho Israel kiểm soát việc thu thuế của Palestine.

dong-jerusalem.jpg
Một khu định cư Do Thái tại Jerusalem(Ảnh: AP)

Tuy nhiên, để thay đổi thoả thuận kinh tế hiện nay không phải là điều dễ dàng do nền kinh tế Palestine phụ thuộc khá nhiều vào Israel, nước đang nắm hoàn toàn quyền kiếm soát các kênh xuất khẩu ở Bờ Tây và dải Gaza.

Ông Arie Arnon, một nhà kinh tế Israel nói: “Việc thay đổi Nghị định thư Paris về cơ chế thương mại đòi hỏi sự xác định rõ về biên giới kinh tế giữa 2 bên. Hiện tại để xác định ra biên giới kinh tế là một vấn đề rất khó khăn và trước hết là phải có biên giới về chính trị”.

Trước đó, Chính quyền Dân tộc Palestine đã đề xuất Chính phủ Israel điều chỉnh một số điều khoản của thỏa thuận những đã bị từ chối. Israel nói rằng, họ sẽ không điều chỉnh thỏa thuận trong bối cảnh tiến trình hòa bình đang ở vào thế bế tắc hiện nay.

Trong trường hợp này, một số quan chức Palestine coi việc chấm dứt sự chiếm đóng của Israel đối với các vùng đất của Palestine là biện pháp sau cùng.

Bộ trưởng Lao động Palestine Ahmad Majdalani nói: “Biện pháp sau cùng là chấm dứt sự chiếm đóng của Israel đối với đất của Palestine và kết thúc tất cả các thỏa thuận. Tôi không nghĩ rằng, chúng tôi có thể cải thiện điều kiện sống của người Palestine khi mà một phần đất nước vẫn còn bị chiếm đóng”./.