Nhật Bản và Hàn Quốc hôm 16/4 kết thúc cuộc đàm phán  đầu tiên về vấn đề phụ nữ Triều Tiên bị ép làm nô lệ tình dục cho binh sĩ Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Động thái này là một phần trong nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ song phương vốn đang xấu đi do những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và nhận thức về lịch sử, đặc biệt xoa dịu lo ngại căng thẳng của Mỹ về sự rạn nứt giữa hai nước là đồng minh gần gũi của Mỹ, trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới khu vực vào tuần tới.

quan%20chuc%20han%20quoc%20my%20nhat.jpg
Tổng thống Mỹ Obama cố gắng đưa Nhật Bản và Hàn Quốc xích lại gần nhau (ảnh: Fiscal Times)

Phát biểu trước báo giới sau cuộc đàm phán với Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lee Sang Deok tại Seoul, Vụ trưởng Vụ châu Á và châu Đại Dương của Bộ Ngoại giao Nhật Bản Junichi Ihara đánh giá cuộc gặp mang lại kết quả hữu ích, giúp hai bên có thể hiểu biết thêm về lập trường và tình hình của nhau. Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc và Nhật Bản đàm phán về vấn đề này và dự kiến tổ chức vòng đàm phán tiếp theo vào tháng 5 tới tại Tokyo. Nhật Bản hy vọng cuộc đàm phán sẽ mở đường cho cuộc gặp cấp cao giữa Thủ tướng nước này Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, đồng thời vấn đề này sẽ được giải quyết trong năm nay trước khi hai bên kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ.

Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và nhận thức về lịch sử là những vấn đề nhạy cảm làm rạn nứt mối quan hệ giữa  hai đồng minh chủ chốt của Mỹ ở Đông Bắc Á. Mặc dù truyền thông hai nước không đề cập nhiều đến sự kiện này, nhưng rõ ràng cuộc gặp có ý nghĩa khá quan trọng, trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nước láng giềng thời gian gần đây nổi sóng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ cũng như việc các quan chức Nhật Bản đến thăm đền thờ Yasukuni, nơi thờ 14 tội phạm chiến tranh Nhật Bản.

Kể từ khi nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc hồi tháng 2/2013, bà Park Geun-hye đã từ chối gặp trực tiếp Thủ tướng Shinzo Abe do căng thẳng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ và lịch sử. Tuy nhiên, hai nước gần đây có những tuyên bố cũng như bước đi cụ thể nhằm cải thiện mối quan hệ song phương. Phát biểu tại cuộc gặp  Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tại Hà Lan tháng trước, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ song phương trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực Đông Bắc Á.

Thủ tướng Abe nói: “Trong  mối quan hệ song phương giữa các nước luôn tồn tại những thách thức. Tôi muốn khẳng định sự hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc- những nước cùng chia sẻ giá trị và lợi ích chung trong việc giải quyết các vấn đề, trong đó có vấn đề Triều Tiên”.

Trong khi đó, Mỹ với tư cách là đồng minh quan trọng của cả Nhật Bản và Hàn Quốc đang nỗ lực đóng vai trò trung gian nhằm cải thiện quan hệ giữa hai nước. Tháng trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đứng ra dàn xếp một cuộc họp cấp cao giữa Thủ tướng Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye ở La Hay, Hà Lan. Phía Mỹ khẳng định, việc hai nước đồng minh của Mỹ trong khu vực hợp tác để xây dựng mối quan hệ tốt hơn sẽ có lợi cho các bên. Hai bên nên đi đầu trong việc hóa giải căng thẳng và Mỹ sẵn sàng góp sức để hàn gắn.

Trợ lí Ngoại trưởng  Mỹ về vấn đề Đông Á Daniel R. Russel nhấn mạnh: “Mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ- Nhật Bản và Hàn Quốc đóng góp vào sự ổn định, an ninh và phát triển thịnh vượng của khu vực. Tôi rất hài lòng khi thấy mối quan hệ đồng minh với hai nước này đang chặt chẽ hơn bao giờ hết. Chúng tôi đang tích cực hợp tác với Hàn Quốc và Nhật Bản để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác 3 bên này”.

Mặc dù vậy, các cuộc đàm phán giữa Nhật Bản và Hàn Quốc cũng không thể là một “liều thuốc chữa bách bệnh” cho mối quan hệ hai nước gần như bị đóng băng trong thời gian vừa qua. Các Thủ tướng Nhật Bản trước đó thường có cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc trong vòng một năm kể từ khi nhậm chức.

Tuy nhiên, phải mất hơn một năm Thủ tướng Abe mới có cuộc gặp Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, thậm chí đây chỉ là một phần trong cuộc gặp 3 bên với lợi ích chung của đồng minh Mỹ. Mặc dù vậy, trong bối cảnh cần phải có nỗ lực chung trong việc đối phó với Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, sự nổi lên của các nước khác trong khu vực, đặc biệt là phục vụ cho chiến lược ngoại giao xoay trục của Mỹ tại châu Á Thái Bình Dương, việc thu hẹp bất đồng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc là điều mà Mỹ mong đợi, đặc biệt trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới hai nước này vào tuần tới./.