Năm 2012 sắp kết thúc. Nhìn lại một chặng đường không mấy bằng phẳng của thế giới, có thể nói rằng, ở tất cả mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế cũng như xã hội mà thế giới kế thừa từ những năm trước, trong năm 2012 những khó khăn, trở ngại vẫn hiển hiện và sẽ để lại dấu ấn trong lịch sử.

Năm 2012 được Tổng thống Nga Vladimir Putin khái quát trong Thông điệp gửi Quốc hội Liên bang: “Thế giới đang bước vào kỷ nguyên của những đổi thay toàn cục, mà có thể là chấn động rung chuyển. Trong đó giữa các quốc gia sẽ là cuộc cạnh tranh khốc liệt”. Và trong một bối cảnh chung ấy, năm 2012,  nước Nga cũng có nhiều biến động.

tong-thong-putin-doc-thong-.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong buổi đọc Thông điệp Liên bang (Ảnh: AP)

Có thể nói, trong năm qua, nước Nga được khái quát bằng một nhận định: “Chiến thắng của ông Vladimir Putin trong cuộc bầu cử Tổng thống ở Nga hứa hẹn sự ổn định và phục hồi thị trường tài chính trong nước”. Đó là  đánh giá của các nhà đầu tư được hãng thông tin kinh tế - tài chính nổi tiếng thế giới Bloomberg công bố ngay sau chiến thắng của Tổng thống Putin trong cuộc bầu cử diễn ra hồi đầu năm 2012. Năm 2012, bắt đầu bằng sự kiện chuyển giao quyền lực, mà chính xác hơn là hoán đổi quyền lực của “bộ đôi” chính trị Dmitry Medvedev và Putin. Ta có thể khái quát hình ảnh nước Nga năm 2012 bằng sự trở lại Điện Kremlin của Tổng thống Putin với một nhiệm kỳ 6 năm, mang lại những hứa hẹn về nhiều điểm đột pháđối với nước Nga.

Những gì nước Nga đã làm được trong năm 2012 và tiếp tục làm trong những năm tới chính là sự hiện thực hoá những cam kết tranh cử của Tổng thống Putin. Đối với các vấn đề cần giải quyết, Tổng thống đã ký ban hành các sắc lệnh ngay sau lễ nhậm chức ngày 7/5.

Nước Nga vẫn vững mạnh

Năm 2012, thế giới tiếp tục trải qua một năm thật ảm đạm với nhiều nền kinh tế phải đối mặt với vỡ nợ; khủng hoảng nợ công, vách đá tài khoá… Những vấn đề này đang đẩy hàng tỷ con người vào cuộc sống khốn khó vì không việc làm, cắt giảm phúc lợi xã hội, cắt giảm chi tiêu… Tuy nhiên, nền kinh tế Nga không những vẫn đứng vững với tỷ lệ lạm phát thấp (chỉ 6,3%), nợ công thấp (hơn 10% GDP)… mà còn tăng trưởng khá trong một số lĩnh vực: dự trữ ngoại hối gia tăng, ngừng sự thất thoát vốn tài chính và quan trọng nhất là vẫn đạt tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 4%- một tỷ lệ rất đáng tự hào trong các nền kinh tế lớn.

Trong số các thành viên nhóm G-8, Nga là nước duy nhất không có thâm hụt ngân sách trong năm và trong 4 năm qua, khối lượng đầu tư vào nền kinh tế Nga đã tăng gấp 2 lần.

Lãnh đạo một quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới, với dân số hơn 140 triệu người, Tổng thống Putin rất coi trọng vấn đề nguồn nhân lực cho tương lai. Từ nhiệm kỳ Tổng thống thứ 2, ông Putin đã có những chính sách quan trọng để khuyến khích phát triển dân số cả về chất và lượng. Năm 2012, Tổng thống tiếp tục dành nhiều sự quan tâm cho các vấn đề an sinh xã hội kiểu này với chủ trương tiếp tục khuyến khích tăng trưởng dân số, tăng cường đầu tư cho giáo dục, y tế, chăm sóc người cao tuổi…

Nước Nga đang triển khai nhiều chương trình quy mô lớn trong y tế, giáo dục và thúc đẩy tầm nhìn triển vọng dài hạn dành cho những dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, đồng thời vẫn bảo đảm cho người dân Nga trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế bằng các chương trình xã hội không những không cắt giảm mà còn tăng. Đây chính là điều khiến Tổng thống Putin tự tin đưa ra trong Thông điệp Liên bang đọc trước Quốc hội hôm 12/12: “Bốn năm qua in dấu cuộc khủng hoảng tài chính thế giới nặng nề nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, trong điều kiện này, đất nước vẫn tiếp tục phát triển. Nước Nga không xấu hổ về kết quả này”.Như vậy, sự ổn định kinh tế, xã hội và gia tăng dân số là các thành tựu quan trọng nhất mà LB Nga đã đạt được.

Sẽ thích ứng với sự thay đổi của thế giới

Một thực tế mà thế đang chứng kiến là kinh tế Nga đã vượt qua những năm tháng khó khăn và giờ đây là lúc Nga đã có thể trở lại tăng cường đầu tư xây dựng lực lượng quân đội với quyết định nâng mức đầu tư quân sự lên rất nhiều lần trong kế hoạch từ nay đến năm 2010 với những kế hoạch hiện đại hóa lực lượng quân đội Nga. Cũng chính vì điều này mà đang có những ý kiến lo ngại về đường lối ngoại giao của Nga sẽ dựa trên sức mạnh quân sự. Thế nhưng, nhìn vào thực tế và những động thái của Nga thời gian gần đây thì có thể thấy rằng, nước Nga đang có một cách tiếp cận mới trong một thế giới đang thay đổi mang tính toàn cầu và không loại trừ sẽ xảy ra những biến động rất mạnh.

 
 “Bộ đôi” chính trị Dmitry Medvedev và Vladimir Putin (Ảnh: Ria)

Thế giới đang đứng trước những xung đột mới về kinh tế, địa chính trị, dân tộc-sắc tộc, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực con người….. thì nước Nga đang ngày càng tích cực sử dụng cái gọi là “sức mạnh mềm” trong quan hệ quốc tế. Điều này cũng được thể hiện rất rõ trong đường lối và quan điểm của Tổng thống Putin khi ông tuyên bố “Trở thành hùng mạnh là đảm bảo an ninh quốc gia của nước Nga”.  Nghĩa là chính sách ngoại giao của Nga sẽ bao gồm tổng hòa tất cả các công cụ hỗ trợ của các tổ chức xã hội dân sự, thông tin - truyền thông và nhân văn để thay thế các phương pháp khác của ngoại giao cổ điển.

Một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga thời gian qua và tới đây sẽ là tập trung nỗ lực cho quá trình liên kết trong không gian hậu Xô viết. Trước mắt là thành lập Liên minh Hải quan và Liên minh kinh tế Âu-Á của các nước anh em do Nga, Belarus và Kazakhstan làm nòng cốt. Đường lối ngoại giao của Nga luôn có tính kế thừa trên nguyên tắc bảo vệ lợi ích của mình trên tất cả các mặt trận.

Trong lễ tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Putin nêu rõ: “Những năm sắp tới sẽ là thời điểm quyết định cho số phận nước Nga trong những thập kỷ tiếp theo”. Những lợi thế sẵn có về tài nguyên, kinh tế, xã hội ổn định sẽ giúp nước Nga từng bước hiện thực hoá kỳ vọng đứng vào “top 5”  nền kinh tế lớn nhất thế giới và trở thành một nền kinh tế hiện đại chứ không phải phát triển nền kinh tế Tư bản Chủ nghĩa.

Nga đã là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), với những quyết sách cụ thể, một định hướng rất rõ ràng là “trong thế kỷ 21, Nga hướng tới phát triển về phương Đông” cùng đề án xây dựng đường ống dẫn dầu Đông Siberi - Thái Bình Dương … thì tiềm năng khổng lồ của vùng Siberi, vùng Viễn Đông cộng với hơn 55% đất đai màu mỡ của hành tinh sẽ mang lại cơ hội để Nga chiếm vị trí xứng đáng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Để phát huy thế mạnh địa chính trị và hiện thực hoá những kế hoạch phát triển kinh tế Âu-Á thì một khoản vốn khoảng 3,3 tỉ USD sẽ được trích từ Quỹ Phúc lợi Quốc gia để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng trong nước từ năm 2013. Đầu tư nghiên cứu cũng sẽ là hướng ưu tiên của ngân sách Nga bằng việc nhà nước sẽ cấp kinh phí trị giá 200 triệu USD cho các trung tâm ứng nghiệm, trong đó có công viên khoa học Novosibirsk với những ngành được ưu tiên như dược phẩm, hóa công nghệ cao, vật liệu composite và vật liệu phi kim loại, chế tạo máy bay, thông tin truyền thông, công nghệ nano… Thêm vào đó là ngành hạt nhân và vũ trụ, là các lĩnh vực mà Nga không bị mất lợi thế công nghệ.

Xây dựng một đất nước dân chủ, vì lợi ích của nhân dân

Để phát huy tối đa các lợi thế, nước Nga đang nỗ lực chống tham nhũng một cách nhất quán và cương quyết, cũng như nâng cao sự tin cậy giữa các lực lượng chính trị khác nhau và xây dựng chất lượng nhà nước nhằm thay đổi văn hóa kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế không lệ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu.

Tổng thống Putin khẳng định: “Thiếu tính dân chủ không thể xây dựng một nhà nước hiện đại hiệu quả”. Cho nên, ngoài việc tạo lập một Nhà nước hiệu quả phục vụ con người và xã hội, thì thiết lập hệ thống bảo vệ pháp lý và tư pháp vững mạnh có sự tin tưởng tuyệt đối của công dân là một trong các ưu tiên để nước Nga phát triển bền vững và hiện đại.

Với một chính khách mà lợi ích của dân tộc, đất nước luôn được coi là động lực và nền tảng cho các quyết sách như Tổng thống Putin thì có lẽ những dự định, quyết tâm mà ông đề ra hẳn sẽ có cơ hội thực hiện. Điều này sẽ càng có khả năng thành hiện thực khi người dân Nga tin tưởng vào nhà lãnh đạo cao nhất của mình. Họ sẽ cùng đồng tâm, đoàn kết thực hiện.

Ngược lại, bản thân Tổng thống Putin cũng sẽ nỗ lực xây dựng khối đoàn kết dân tộc để thực hiện những mục tiêu đó mà theo như ông đã khẳng định trong thông điệp Liên bang “Nước Nga sẽ đạt được mục tiêu nếu thống nhất và đoàn kết dân tộc”./.